Du lịch cộng đồng tại Sín Thầu: Tiềm năng và thách thức
Xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé là địa bàn ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc. Ngoài vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, đối ngoại, Sín Thầu có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng với những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của người Hà Nhì, khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ. Tuy nhiên, hành trình phát triển du lịch cộng đồng tại Sín Thầu không hề dễ dàng, còn nhiều thách thức cần vượt qua.
Nằm ở vị trí chiến lược tại ngã ba biên giới, Sín Thầu sở hữu lợi thế đặc biệt. Cột mốc số 0 là biểu tượng cho sự kết nối văn hóa giữa ba quốc gia. Hàng năm, nhiều du khách tìm đến đây khám phá và trải nghiệm không gian biên giới đặc biệt này. Điều này đã mở ra cơ hội lớn cho việc phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.
![Hiện nay, một số gia đình ở Sín Thầu đã tiên phong phát triển homestay kết hợp giới thiệu văn hóa địa phương tới du khách](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_06_422_51411369/bf35e097d8d9318768c8.jpg)
Hiện nay, một số gia đình ở Sín Thầu đã tiên phong phát triển homestay kết hợp giới thiệu văn hóa địa phương tới du khách
Một số gia đình người dân tộc Hà Nhì tại Sín Thầu vẫn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống, từ các nghi lễ, phong tục tập quán đến kiến trúc nhà ở đặc trưng. Những ngôi nhà trình tường bằng đất, mái lá đặc sắc có thể là điểm nhấn thu hút khách du lịch. Nền ẩm thực địa phương với các món ăn độc đáo, chế biến từ nguyên liệu tự nhiên như măng, thịt hun khói, gạo địa phương... cũng là một lợi thế lớn để phát triển loại hình du lịch trải nghiệm.
Gần đây, một số hộ dân tại Sín Thầu đã bắt đầu xây dựng mô hình du lịch cộng đồng như homestay. Những căn nhà truyền thống được cải tạo để đón khách đã góp phần mang lại cho du khách sự trải nghiệm chân thực, gần gũi với đời sống của người dân địa phương. Những sự kiện văn hóa, lễ hội gắn với đời sống người dân Hà Nhì tại đây cũng là những sản phẩm du lịch tiềm năng. Với sự đầu tư đúng mức, Sín Thầu có thể trở thành một điểm đến mới lạ, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng việc phát triển du lịch cộng đồng tại Sín Thầu đối mặt không ít thách thức. Đầu tiên phải kể đến sự thiếu thốn, nghèo nàn về kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch. Các tuyến đường giao thông dẫn đến Sín Thầu còn khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa, gây trở ngại lớn cho việc tiếp cận của du khách. Dịch vụ lưu trú như homestay tại đây tuy bắt đầu phát triển nhưng còn khá sơ sài, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. Các dịch vụ hỗ trợ du lịch như nhà hàng, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thông tin du lịch chưa phát triển, khiến du khách gặp nhiều bất tiện khi lưu trú tại địa phương.
![Các homestay ở Sín Thầu hiện còn đơn giản, chưa đầu tư nhiều về trang thiết bị và hình ảnh để thu hút khách du lịch](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_06_422_51411369/307960db5895b1cbe884.jpg)
Các homestay ở Sín Thầu hiện còn đơn giản, chưa đầu tư nhiều về trang thiết bị và hình ảnh để thu hút khách du lịch
Một số homestay ở Sín Thầu chưa được đầu tư bài bản, thiết kế đơn giản, sơ sài, chưa tạo được sự thu hút về mặt hình ảnh. Lượng khách đến chưa ổn định, gây khó khăn cho người dân trong việc duy trì và phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Ngoài ra, nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn hạn chế, chưa được đào tạo chuyên nghiệp về kỹ năng giao tiếp, đón tiếp khách cũng như quảng bá du lịch.
Trong khi đó, phong tục tập quán của người Hà Nhì cũng gây trở ngại nhất định tới hoạt động du lịch tại Sín Thầu. Theo quan niệm truyền thống, trong những ngôi nhà có bàn thờ tổ tiên, cặp vợ chồng lạ không được ngủ chung giường. Điều này xuất phát từ quan niệm của người Hà Nhì, coi tình cảm vợ chồng là điều thiêng liêng và có những quy định riêng khi tiếp đón khách. Chính vì vậy, nhiều gia đình muốn kinh doanh homestay nhưng gặp khó khăn do thiếu diện tích đất riêng để xây dựng cơ sở lưu trú tách biệt. Đa số các hộ gia đình làm homestay hiện nay là những hộ có quỹ đất rộng rãi, trong khi nhiều hộ dù có nhu cầu nhưng không thể triển khai mô hình này vì không có đất xây dựng nhà lưu trú, đón khách riêng.
Ngoài khó khăn cơ sở vật chất, nhận thức của người dân địa phương về du lịch cộng đồng còn hạn chế. Nhiều người chưa thấy được giá trị kinh tế mà du lịch có thể mang lại, dẫn đến thiếu sự đầu tư và chưa tích cực tham gia. Một số mô hình homestay được xây dựng đơn giản, thiếu các tiện ích cơ bản và chưa có kế hoạch quảng bá hiệu quả.
Ông Chu Khai Phù, chủ homestay Hà Nhì A Pa Chải cho biết: Cuối năm 2024, homestay đã đón lượng khách nhiều hơn so với đầu năm 2024 và năm 2023. Dù đã kết nối với một số đơn vị du lịch và sử dụng mạng xã hội để quảng bá, lượng khách đến A Pa Chải trong năm vừa qua chưa ổn định với số lượng không nhiều. Năm 2025, homestay Hà Nhì A Pa Chải dự kiến sẽ mở rộng thêm cơ sở, đồng thời đẩy mạnh việc quảng bá hình ảnh, thu hút khách hàng.
Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống cũng đặt ra những thách thức lớn với du lịch cộng đồng của Sín Thầu. Sự mai một của các kiến trúc nhà cổ và các nghi lễ truyền thống của người Hà Nhì đang diễn ra. Nếu không có chính sách bảo tồn kịp thời, Sín Thầu sẽ mất đi nét độc đáo vốn là điểm thu hút du khách.
![Phát triển du lịch cộng đồng ở Sín Thầu là cơ hội khai thác giá trị địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu xóa nghèo, nâng cao đời sống người dân](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_06_422_51411369/d34282e0baae53f00abf.jpg)
Phát triển du lịch cộng đồng ở Sín Thầu là cơ hội khai thác giá trị địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu xóa nghèo, nâng cao đời sống người dân
Để phát triển du lịch cộng đồng một cách bền vững, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, người dân và doanh nghiệp du lịch. Một trong những giải pháp quan trọng là cải thiện cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng, đồng thời nâng cao kiến thức làm du lịch cho người dân. Đường lên cột mốc số 0 A Pa Chải biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc dự kiến được nâng cấp trong năm 2025 sẽ là bước khởi đầu quan trọng, giúp tăng khả năng thu hút du khách lên với Sín Thầu.
Chính quyền huyện Mường Nhé đang có kế hoạch xây dựng Trung tâm Văn hóa các dân tộc tại bản Tá Miếu, xã Sín Thầu. Đây không chỉ là nơi giới thiệu văn hóa truyền thống của người Hà Nhì mà còn có thể trở thành điểm tham quan hấp dẫn, góp phần thúc đẩy du lịch địa phương. Hỗ trợ người dân cải tạo, nâng cấp homestay, cùng với việc tổ chức các khóa đào tạo về kỹ năng làm du lịch, cũng là một giải pháp cần thiết để khai thác, phát triển du lịch tại Sín Thầu.
![Việc phát triển du lịch cộng đồng tại Sín Thầu hiện nay vẫn đối mặt với nhiều thách thức.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_06_422_51411369/a830fa92c2dc2b8272cd.jpg)
Việc phát triển du lịch cộng đồng tại Sín Thầu hiện nay vẫn đối mặt với nhiều thách thức.
Phát triển du lịch ở Sín Thầu cần tập trung vào việc bảo tồn văn hóa truyền thống. Chính quyền địa phương nên hỗ trợ khôi phục kiến trúc nhà ở đặc trưng của người Hà Nhì, tổ chức các sự kiện văn hóa nhằm quảng bá giá trị bản sắc các dân tộc đến du khách. Việc đẩy mạnh quảng bá qua các kênh truyền thông và xây dựng thương hiệu du lịch cộng đồng Sín Thầu cũng rất quan trọng để thu hút sự chú ý của khách du lịch.
Sín Thầu với vị trí địa lý đặc biệt và văn hóa truyền thống phong phú, có tiềm năng lớn để phát triển du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, để khai thác được tiềm năng này, cần vượt qua những thách thức về cơ sở hạ tầng, nhận thức của người dân và bảo tồn văn hóa. Với những định hướng và chiến lược phát triển bền vững, Sín Thầu có thể trở thành một điểm sáng về du lịch cộng đồng tại vùng biên giới Tây Bắc, không chỉ giúp cải thiện đời sống của người dân mà còn góp phần gìn giữ và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống.