Du lịch gắn với nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho người dân

Trong giai đoạn 2026-2030, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế bản địa trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Giải pháp này góp phần quảng bá văn hóa địa phương, đồng thời gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập người dân.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thực tế cho thấy, tiềm năng phát triển du lịch nông thôn tại các địa phương rất lớn, đã trở thành xu hướng phát triển chung của các địa phương. Song để phát triển du lịch hiệu quả, đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng NTM vẫn còn nhiều thách thức.

Phát huy giá trị văn hóa bản địa

Xã Chiềng Châu (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) được biết đến là "cái nôi” văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. Năm 2009, bà Vì Thị Oanh cùng một số đảng viên đã thành lập hợp tác xã (HTX) Dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch Chiềng Châu. Với sự hỗ trợ của các nghệ nhân, chính quyền và tổ chức JICA (Nhật Bản), nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại địa phương từng bước được khôi phục và phát triển mạnh mẽ. Hiện những sản phẩm dệt thủ công của HTX đã được xuất khẩu sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo bà Oanh, HTX đã liên kết với một số đơn vị lữ hành tổ chức các tour du lịch khám phá, trải nghiệm văn hóa truyền thống, trong đó có nghề dệt thổ cẩm. Qua đó, thu nhập của thành viên HTX đã tăng thêm từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Phó Bí thư Huyện ủy Mai Châu Hà Công Nghị cho biết, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc có vai trò quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu kinh tế-xã hội của địa phương. Huyện Mai Châu xác định phát triển du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa là hướng đi trọng tâm.

Làng hoa Sa Đéc (thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) cũng đã biến giá trị văn hóa bản địa thành sản phẩm du lịch đặc trưng. Được biết đến là làng nghề truyền thống có tuổi đời hơn 100 năm, làng hoa Sa Đéc cung cấp hoa, cây cảnh lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời cũng là địa chỉ văn hóa mang đặc trưng vùng sông nước miền tây, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Gắn bó với nghề trồng hoa, cây cảnh hơn 40 năm, ông Trần Văn Tiếp cho biết, người trồng hoa nơi đây đang nỗ lực đổi mới để bắt nhịp xu thế hiện đại và phát triển. Nhiều giống hoa mới được nông dân Sa Đéc đưa vào canh tác nhưng vẫn giữ phương pháp trồng trên giàn, tạo nên sự khác biệt của làng nghề. Những ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi được xây dựng ngày càng nhiều từ nguồn thu nghề hoa. Các nghệ nhân trồng hoa kiểng đã không ngừng sáng tạo, cho ra đời nhiều sản phẩm nghệ thuật, đồng thời quảng bá hình ảnh con người Sa Đéc hiền hòa và khơi dậy lòng tự hào cùng ý thức bảo tồn di sản văn hóa truyền thống.

Tại Sa Đéc có nhiều mô hình du lịch trải nghiệm. Các hộ trồng hoa phối hợp công ty du lịch xây dựng các tour du lịch sinh thái tại vườn, du lịch văn hóa, tiếp tục quảng bá thương hiệu nông sản địa phương, nâng cao thu nhập và đổi mới tư duy làm kinh tế nông nghiệp. Chính quyền thành phố Sa Đéc nói riêng, tỉnh Đồng Tháp nói chung đang tập trung nguồn lực đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông, hỗ trợ người dân, các hợp tác xã tham gia tập huấn nghiệp vụ để phát triển du lịch nông nghiệp bền vững.

Đa dạng hóa mô hình du lịch

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã hướng dẫn các địa phương tuyên truyền nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; chỉ đạo xây dựng các mô hình phù hợp thế mạnh và lợi thế của địa phương. Mục tiêu đặt ra là mỗi tỉnh, thành phố đến năm 2025 có ít nhất một điểm du lịch nông thôn tiêu biểu được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề, môi trường sinh thái.

Thống kê sơ bộ cho thấy, cả nước có hơn 584 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động, tập trung ở khu vực miền núi phía bắc và Đồng bằng sông Cửu Long. Có 382 điểm du lịch ở khu vực nông thôn được cấp tỉnh công nhận, trong đó có 11,3% là điểm du lịch nông nghiệp, làng nghề; 21,2% điểm du lịch cộng đồng; 21,7% điểm du lịch sinh thái; còn lại là di tích lịch sử, lưu trú và thương mại dịch vụ.

Theo Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương Ngô Trường Sơn, việc tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, thay đổi tư duy về vai trò của du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới được triển khai mạnh mẽ. Tại 21 tỉnh, thành phố đã tổ chức 83 lớp tập huấn cho 4.964 lượt cán bộ quản lý du lịch, chủ thể kinh doanh du lịch địa phương, điển hình tại: Hà Nội, Hà Giang, Bắc Giang, Hưng Yên, An Giang...

Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Hòa Bình Võ Ngọc Kiên cho biết, tỉnh đặt ra định hướng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với xây dựng con người mới để góp phần tạo nên những sản phẩm du lịch đặc sắc. Tỉnh xác định việc phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số và bảo tồn hệ thống di tích, hiện vật của nền văn hóa Hòa Bình là điểm cốt lõi trong xây dựng môi trường du lịch bền vững, tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn; từ đó nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh trên bản đồ du lịch quốc gia, quốc tế.

Thực tế cho thấy, để du lịch nông nghiệp-nông thôn trở thành khâu đột phá trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2026-2030, các địa phương cần đẩy mạnh liên kết vùng để cùng khai thác tiềm năng, lợi thế từ chuỗi nông sản đặc trưng và giá trị văn hóa bản địa. Cần xây dựng kế hoạch phát triển du lịch cả ngắn hạn và dài hạn. Đây là nhiệm vụ trọng tâm để khai thác tiềm năng kinh tế nông nghiệp, phát huy lợi thế bản sắc văn hóa dân tộc; là nguồn nội lực quan trọng trong việc nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2026-2030.

(Theo NDO)

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/226/348392/du-lich-gan-voi-nong-thon-moi-nang-cao-thu-nhap-cho-nguoi-dan.aspx