Du lịch phát triển, BĐS nghỉ dưỡng hi vọng phục hồi

Thời gian qua, các bộ ngành địa phương đã tạo điều kiện cho du lịch nội địa phát triển. Đây cũng là động lực để bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng phục hồi mạnh mẽ trong thời gian tới.

Năm 2023, các hạn chế du lịch trong khu vực được gỡ bỏ hoàn toàn và các đường bay quốc tế dần khôi phục trở lại, lượt khách quốc tế ghi nhận sự tăng trưởng tích cực hơn. Riêng năm 2023, du lịch Việt Nam đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, cao gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách. Trong đó, châu Á là khu vực đóng góp lượng khách lớn nhất với hơn 9,78 triệu người; khách đến từ châu Âu đạt 1,459 triệu người, khách châu Mỹ đạt 903,8 nghìn lượt người… Sự tăng trưởng của ngành du lịch, đặc biệt là nguồn cầu quốc tế đã thúc đẩy hoạt động phát triển bất động sản nghỉ dưỡng nói chung và khách sạn nói riêng. Nhiều chủ đầu tư đã tham gia vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng để đáp ứng nhu cầu lưu trú ngày càng đa dạng của các nhóm đối tượng khách hàng.

Ông Mauro Gasparotti - Gíam đốc SAVILLS Hotels Châu Á – Thái Bình Dương cho biết: "Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực của quá trình khôi phục khi nguồn cầu dần tăng trưởng trở lại với tốc độ ổn định, cả từ nguồn cấu khách nội địa và khách quốc tế, qua đó giúp củng cố niềm tin vào ngành nghỉ dưỡng. Trong một vài tháng qua, Savills Hotels đã nhận được khá nhiều yêu cầu về dịch vụ tư vấn Nghiên cứu khả thi hay Lựa chọn nhà điều hành khách sạn, phần nào cho thấy các tín hiệu khởi sắc của thị trường. Đối với loại hình khách sạn và căn hộ dịch vụ, chúng tôi nhận thấy có sự gia tăng về số lượng dự án đang trong quá trình hoạch định tại thị trường Hà Nội. Bên cạnh đó, phân khúc khách sạn định vị tầm trung (midscale hotel) cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng khá tốt."

Du lịch phát triển, BĐS nghỉ dưỡng hy vọng phục hồi

Du lịch phát triển, BĐS nghỉ dưỡng hy vọng phục hồi

Năm 2024, hậu thuẫn từ cơ hội phục hồi và phát triển của ngành du lịch sẽ là động lực để chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, tăng nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng vào thị trường. Dự kiến nguồn cung phân khúc này sẽ tăng khoảng 20% so năm 2023. Đặc biệt, liên quan đến Nghị định 10/2023/NĐ-CP tháo gỡ cho hoạt động cấp sổ hồng của loại hình bất động sản căn hộ nghỉ dưỡng, văn phòng kết hợp nghỉ dưỡng… thời gian tới có thể đạt độ ngấm nhất định, đem lại hy vọng cho chủ đầu tư và nhà đầu tư, từ đó hỗ trợ sự bứt phá trở lại. Bên cạnh đó, động lực đầu tư công cùng quy hoạch của gần 40 tỉnh, thành đã được Chính phủ phê duyệt hứa hẹn sẽ gỡ khó cho nhiều dự án vướng mắc cho phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng.

Có thể thấy bất động sản nghỉ dưỡng đang có những tín hiệu phục hồi nhờ các kết quả tích cực của ngành du lịch. Tuy nhiên, để tăng khả năng cạnh tranh và khẳng định vị thế trên bản đồ quốc tế thì các chuyên gia cho rằng, chúng ta cần đa dạng hóa sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng như khu phức hợp nghỉ dưỡng - giải trí, dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng như chú trọng yếu tố phát triển bền vững, bảo tồn giá trị cộng đồng để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường trong nước và quốc tế.

Trong thời gian tới, việc mở rộng nguồn cầu, trong đó việc thu hút các thị trường quốc tế mới là điều kiện cần thiết để hỗ trợ sự khôi phục và phát triển của ngành bất động sản nghỉ dưỡng. Thêm vào đó cần đặc biệt quan tâm, nghiên cứu các cơ chế, chính sách, nhằm phát triển đồng bộ các ngành nghề, lĩnh vực liên quan, để đảm bảo thị trường bất động sản có nền tảng vững chắc, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đây là mấu chốt quan trọng giúp lấy lại niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư trong phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/du-lich-phat-trien-bds-nghi-duong-hi-vong-phuc-hoi-220298.htm