Du lịch sinh thái đưa kinh tế Đất Mũi 'bừng tỉnh', phát triển bền vững
Du khách đến với Cà Mau có thể ban ngày đi bắt cá, chế biến và thưởng thức những món ăn dân dã. Tối đến quây quần ăn uống, ngân nga mấy câu vọng cổ, đi bắt ba khía hoặc chờ con nước đến đi xổ tôm... Du lịch sinh thái đang từng bước giúp Đất Mũi 'thay da đổi thịt'.
Du lịch Cà Mau đứng trước nhiều cơ hội phát triển, hòa cùng dòng chảy tăng trưởng kinh tế của ĐBSCL và cả nước. Để tìm hiểu sâu hơn về tiềm năng du lịch vùng đất này, Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau.
Ứng dụng công nghệ thông tin quảng bá du lịch
Người Đưa Tin: Xin ông cho biết những tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch của Cà Mau hiện nay? Theo ông, tỉnh cần làm gì để khai thác tối đa những tiềm năng đó để đưa ngành du lịch phát triển bền vững trong giai đoạn tới?
Ông Trần Hiếu Hùng: Với vị trí nằm ở cực Nam của Tổ quốc, tỉnh Cà Mau có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Để phát triển du lịch của địa phương, UBND tỉnh Cà Mau đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái Vườn Quốc gia U Minh hạ, Đề án Làng văn hóa du lịch Đất Mũi (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Một số quy hoạch khác của tỉnh Cà Mau như: Quy hoạch cụm đảo Hòn Khoai, Quy hoạch điểm du lịch sinh thái Đầm Thị Tường, Hòn Đá Bạc,… đang triển khai thực hiện nhiệm vụ theo chủ trương, chỉ đạo của UBND tỉnh.
Bên cạnh đó, ngành du lịch tỉnh Cà Mau không ngừng quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch: đào tạo và bổ sung nguồn lực phù hợp với yêu cầu phát triển du lịch, có nghiệp vụ tay nghề, phẩm chất tốt,…
Ngoài ra, tỉnh Cà Mau cũng thực hiện xúc tiến, quảng bá và hợp tác phát triển du lịch trong và ngoài nước, nhằm quảng bá giới thiệu hình ảnh về vùng đất, văn hóa và con người Cà Mau với du khách trong nước và quốc tế bằng nhiều hình thức: hội nghị, hội thảo, hội chợ triển lãm, học tập kinh nghiệm,…theo chương trình xúc tiến du lịch hàng năm.
Đặc biệt, tỉnh Cà Mau chú trọng mở rộng quan hệ hợp tác phát triển du lịch với tỉnh Trat (Thái Lan) và tỉnh Khăm Muộn (Lào) thông qua việc đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác: quảng bá giới thiệu sản phẩm du lịch, kết nối doanh nghiệp lưu trú, lữ hành, trao đổi kinh nghiệm xây dựng sản phẩm du lịch,…
Sở đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch bằng nhiều hình thức trên các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội (Facebook, fanpage, Zalo),... nhất là việc triển khai Ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển và quảng bá du lịch tỉnh Cà Mau (du lịch thông minh) chính thức hoạt động hỗ trợ tối ưu cho du khách tiếp cận các điểm đến du lịch Cà Mau.
Người Đưa Tin: Dù có nhiều lợi thế, nhưng với vị trí nằm ở cực Nam, tỉnh Cà Mau vẫn có không ít khó khăn, hạn chế để phát triển ngành du lịch. Xin ông cho biết, tỉnh Cà Mau có giải pháp khắc phục những hạn chế này trong thời gian tới hay không?
Ông Trần Hiếu Hùng: Hiện nay việc thu hút đầu tư du lịch vào các điểm du lịch trọng điểm của Cà Mau còn chậm, sản phẩm du lịch đặc trưng ít, không tạo dấu ấn để thu hút khách du lịch lưu lại và trở lại.
Nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho đầu tư phát triển du lịch còn hạn chế; chưa huy động được nhiều nguồn vốn từ các thành phần tham gia đầu tư phát triển du lịch. Nguồn nhân lực ngành du lịch Cà Mau còn thiếu số lượng, yếu về chất lượng.
Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch chậm đổi mới phương thức và nội dung (chủ yếu tập trung vào tham dự hội nghị, hội thảo).
Những khó khăn, hạn chế nói trên trực tiếp ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận, qua đó đã tác động tổng thể lên kinh tế - xã hội địa phương.
Trong thời gian tới, tỉnh Cà Mau sẽ tập trung lập Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau và lập đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau.
Tỉnh Cà Mau hiện có nhiều dự án quy hoạch phát triển du lịch với mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Điển hình như, đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn Quốc gia (VQG) U Minh Hạ với nguồn kinh phí hơn 1.400 tỷ đồng; Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí vườn quốc gia U Minh Hạ (huyện Trần Văn Thời) giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2030 kinh phí hơn 1.458 tỷ đồng.
Cà Mau vẫn chưa có những loại hình du lịch đủ tầm để phục vụ những đối tượng du khách đặc thù, cao cấp hơn, như du lịch như nghỉ dưỡng, hội thảo, du lịch mạo hiểm, ... Đặc biệt là đối tượng khách du lịch nước ngoài, ThS Phan Đình Huê, chuyên gia về du lịch đồng bằng sông Cửu Long nhận định tại một hội thảo về du lịch.
Đưa du lịch sinh thái cộng đồng lên tầm cao mới
Người Đưa Tin: Loại hìnhdu lịch đặc trưng của Cà Mau hiện nay là du lịch sinh thái. Cà Mau có định hướng nào để phát triển loại hình du lịch này?
Ông Trần Hiếu Hùng: Cà Mau được thiên nhiên ưu ái là vùng đất lắm tôm, nhiều cá, có rừng, có biển, có hệ sinh thái rừng ngập mặn, ngập ngọt,…
Đây là những điều kiện rất thuận lợi để tỉnh phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng (Homestay - ở nhà dân). Trong định hướng phát triển du lịch của tỉnh, Cà Mau xác định tập trung theo hướng khai thác loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng là loại hình thế mạnh.
Hiện loại hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng ở Cà Mau đang phát triển được xem là mô hình xây dựng sản phẩm du lịch từ nông nghiệp, gắn việc khai thác, bảo vệ và phát triển tài nguyên với hoạt động du lịch.
Cụ thể như, trải nghiệm hệ sinh thái ngập mặn, ban ngày khách cùng cư dân địa phương đi bắt cá, vọp, ốc len, cua,... cùng chế biến và thưởng thức những món ăn dân dã. Tối đến cùng gia đình quây quần ăn uống, ngân nga mấy câu vọng cổ, đi bắt ba khía hoặc chờ con nước đến đi xổ tôm.
Trải nghiệm hệ sinh thái ngập ngọt, du khách cùng người dân đi ăn ong (lấy mật ong), chụp đìa, hái rau dại,… chế biến thành những món ăn dân dã như cá lóc nướng trui, đọt choại xào, gỏi ong non,... Đêm đến sum vầy bên mâm cơm đạm bạc, nhâm nhi vài ly rượu đế, ngân nga mấy câu vọng cổ và nghe kể chuyện bác Ba Phi.
Loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng này ngày càng thu hút rất nhiều khách trong và ngoài nước; đồng thời, giải quyết vấn đề lao động, tạo sinh kế cho người dân của địa phương trong quá trình hoạt động du lịch.
Các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh ngày càng trở thành điểm đến quan trọng của chương trình du lịch về tỉnh Cà Mau, góp phần giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Đến nay, tỉnh Cà Mau có hơn 30 khu, điểm du lịch sinh thái cộng đồng, sau thời gian hoạt động đã từng bước khai thác và phát huy lợi thế, tiềm năng của mỗi hộ trong quá trình phát triển du lịch.
Điều đáng mừng là khi phát triển mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng được người dân quan tâm, đã tạo ra một việc làm lý tưởng góp phần bảo vệ phát triển rừng, bảo vệ môi trường thiên nhiên, tạo được công ăn việc làm, thu nhập cao, xóa đói giảm nghèo bền vững; giải quyết gần 80% hộ dân sinh sống ở khu vực bằng cách phục vụ gián tiếp sản xuất các sản vật đặc sản chất lượng tại địa phương cung cấp cho các hộ làm du lịch phục vụ du khách rất hiệu quả.
Người Đưa Tin: Trong năm 2024, tỉnh Cà Mau có sản phẩm du lịch nào góp phần gia tăng sức hút của thương hiệu du lịch Cà Mau, thưa ông?
Ông Trần Hiếu Hùng: Dù đối mặt với nhiều thách thức song với tiềm năng và khả năng khai thác của mình, du lịch sinh thái cộng đồng đã và đang hứa hẹn sẽ trở thành sản phẩm du lịch nổi trội, thu hút sự quan tâm đối với du khách, đặc biệt là thị trường khách quốc tế.
Trong định hướng phát triển du lịch cộng đồng, thời gian tới tỉnh sẽ nghiên cứu, tổ chức các sự kiện mới như: hoạt động thể thao mạo hiểm; các giải chạy marathon xuyên rừng tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn Quốc gia U Minh Hạ...
Bên cạnh đó, sau khi thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long được ký kết thực hiện trong giai đoạn 2020-2025, chương trình liên kết, hợp tác đã mang lại nhiều hiệu quả cho địa phương.
Sự tham gia hưởng ứng tích cự của cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội du lịch góp phần thúc đẩy liên kết vùng chuyển biến tích cực; cộng đồng doanh nghiệp đã tạo ra những giá trị khác biệt để du khách và người dân của 14 địa phương trong liên kết thụ hưởng.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo PGS. TS Ðào Ngọc Cảnh, Trưởng khoa Du lịch và Quản trị nhà hàng - khách sạn, Trường Ðại học Nam Cần Thơ, hiện nay đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được đánh giá là 1 trong 3 đồng bằng bị tổn thương lớn nhất trên thế giới về biến đổi khí hậu (BÐKH), trong đó Cà Mau là tỉnh có nguy cơ cao nhất của vùng ĐBSCL.
Loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đang là loại hình thế mạnh của ngành du lịch Cà Mau. Nên mỗi biến động BĐKH và thiên tai đều ảnh hưởng trực tiếp đến loại hình này.