Du lịch Trung Quốc: Mở rộng thêm điểm đến 'outbound' Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Australia
Từ ngày 10/8, Trung Quốc 'mở rộng cửa' hơn cho các tour du lịch theo đoàn ra nước ngoài (outbound) tới tổng cộng hơn 70 địa điểm. Trong đó có cả các thị trường du lịch trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Mỹ.
Trung Quốc nâng tổng số điểm đến cho các tour outbound theo đoàn lên hơn 70
Sau khi mở cửa trở lại với du lịch quốc tế từ ngày 8/1/2023, Trung Quốc đã cho phép các hãng du lịch và lữ hành nước này thí điểm 2 đợt (từ ngày 20/1 và tiếp đó là từ 15/3) tổ chức tour du lịch nước ngoài (outbound) theo đoàn, đưa du khách Trung Quốc tới tổng cộng 60 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Nay thông báo mới được Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc đưa ra ngày 10/8 và có hiệu lực ngay lập tức cho biết: Thêm 12 địa điểm ở châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu, châu Phi và Bắc Mỹ được đưa vào danh sách đợt 3, nâng tổng số quốc gia điểm đến cho các tour du lịch nước ngoài (outbound) theo đoàn của du khách Trung Quốc lên hơn 70.
Đặc biệt trong danh sách mới có cả các thị trường du lịch trọng điểm của Trung Quốc như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Mỹ. Với Hàn Quốc, đây là lần đầu tiên sau 6 năm kể từ 2017, Trung Quốc nối lại các tour du lịch theo đoàn tới "xứ sở kim chi". Cũng lọt vào danh sách đợt 3 còn có: Anh, Đức, Phần Lan, Thụy Điển, Qatar, Oman, Lebanon và Israel.
Động thái mới hứa hẹn sự sôi động hơn của dòng chảy du khách Trung Quốc nói riêng và du khách thế giới nói chung dịp cao điểm du lịch cuối mùa hè - đầu mùa thu 2023, lập tức thúc đẩy cổ phiếu của các hãng du lịch, khách sạn và hàng không châu Á tăng điểm.
Ví dụ như cổ phiếu của hãng du lịch Lotte Tour Development tăng hơn 25%, của nhà điều hành khách sạn hạng sang Hotel Shilla tăng 14%, của 2 hãng hàng không Hàn Quốc Asiana Airlines tăng 7% và Korea Airlines tăng 3,1%...
Trước đó báo Japan Times dẫn báo cáo sơ bộ mới nhất từ Cơ quan Xúc tiến du lịch Nhật Bản (JNTO) cho thấy: Số lượng du khách quốc tế dần phục hồi đạt hơn 10,7 triệu lượt người đến Nhật Bản trong nửa đầu năm 2023, tương đương 64,4% số lượng khách đến cùng kỳ năm 2019.
China Travel News mới đây dẫn dự báo của công ty du lịch hàng đầu Nhật Bản JTB cho biết: Có khoảng 21,1 triệu du khách quốc tế đến Nhật Bản trong năm 2023. Con số này tăng gần 7 lần so với năm 2022. Trong đó số du khách Trung Quốc tăng đáng kể trở lại từ tháng 7.
Số du khách Trung Quốc đến Hàn Quốc năm 2023, theo báo Korea Joongang Daily, được ước tính đạt khoảng 2 triệu. Mặc dù con số này thấp hơn nhiều so với mức 6 triệu du khách Trung Quốc đến năm 2019, nhưng sự phục hồi dần lĩnh vực du lịch được kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng góp vào GDP của Hàn Quốc.
Dòng du khách Trung Quốc tới châu Âu dần phục hồi
Về xu hướng du lịch mùa hè của dòng du khách Trung Quốc thời "hậu COVID-19", báo Jing Daily có trụ sở tại New York, Mỹ đăng bài viết cuối tháng 7 với tựa đề: "Từ London đến Paris: Tất cả du khách Trung Quốc mùa hè này ở đâu?".
Trong đó tác giả Jason Wang lý giải rằng sự quay trở lại của du khách Trung Quốc với dòng chảy du lịch quốc tế đang diễn ra một cách thận trọng, với những dấu hiệu phục hồi dần đang diễn ra trên khắp các điểm đến châu Âu.
Ông David Goodger, Giám đốc điều hành khu vực châu Âu và Trung Đông của hãng Tourism Economics lưu ý rằng: Dòng du khách Trung Quốc đã có sự phục hồi ban đầu hồi đầu năm nay, gây chú ý nhất là vào dịp Tết Nguyên đán. Nhưng đà tăng trưởng như thế không liên tục bởi quá trình phục hồi được dự đoán sẽ diễn ra dần dần, "đặc biệt là đối với những thị trường mở cửa trở lại muộn hơn mức trung bình".
Ông Wolfgang Arlt, Giám đốc Viện nghiên cứu du lịch nước ngoài của Trung Quốc có trụ sở tại Hamburg, Đức xác định thêm: Tình trạng thiếu các chuyến bay quốc tế và giá vé máy bay cao, cùng quy trình xin thị thực (visa) thường kéo dài đang gây trở ngại cho việc phục hồi du lịch outbound của du khách Trung Quốc tới châu Âu.
Mặc dù số lượng giảm, nhưng số du khách outbound Trung Quốc tới châu Âu năm nay cho thấy sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng với nhiều du khách sẵn sàng chi tiêu ở mức cao hơn và cũng ít nhạy cảm hơn về giá cả.
Báo cáo TrendLens của Agility Research & Strategy - công ty tư vấn có trụ sở tại Singapore, cũng chỉ ra một trong những thay đổi đáng chú ý thời "hậu Covid-19". Đó là những du khách giàu có hơn đến từ Trung Quốc thiên về tìm kiếm trải nghiệm độc đáo hơn là mua sắm.
Đà phục hồi của ngành du lịch Trung Quốc được dự báo sẽ ấn tượng hơn dịp kỳ nghỉ Quốc khánh 1/10, tiến tới một số điểm đến châu Âu có khả năng chứng kiến sự phục hồi trở lại hoàn toàn của dòng du khách Trung Quốc vào năm 2024.
Nguồn: CNBC, Reuters, Jing Daily