Dư nợ tín dụng vùng Đông Nam Bộ chiếm hơn 30% quy mô toàn ngành
Với dư nợ tín dụng chiếm hơn 30% quy mô toàn ngành, các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai sau hợp nhất dự kiến sẽ có nhiều dư địa tăng trưởng hơn.

Dư nợ tín dụng vùng Đông Nam Bộ chiếm hơn 30% quy mô toàn ngành. Ảnh minh họa: BNEWS phát
Mạng lưới hoạt động rộng hơn, nhu cầu vốn mở rộng và tăng trưởng sẽ là các yếu tố tác động đến tăng trưởng tín dụng của khu vực Đông Nam Bộ trong thời gian tới. Với dư nợ tín dụng chiếm hơn 30% quy mô toàn ngành, các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai sau hợp nhất dự kiến sẽ có nhiều dư địa tăng trưởng hơn. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Khu vực 2, tính đến cuối tháng 6/2025, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh (mới) và tỉnh Đồng Nai (mới) đạt trên 5,3 triệu tỷ đồng, tăng 6,31% so với cuối năm 2024 và chiếm 30,8% tổng dư nợ tín dụng toàn ngành. Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực 2, cho biết số liệu quy mô tín dụng vùng Đông Nam Bộ lớn và chiếm tỷ trọng cao so với cả nước, gắn liền với việc sắp xếp mô hình hoạt động của Ngân hàng Nhà nước khu vực và đổi mới sắp xếp tỉnh, thành phố của Đảng, Chính phủ. Hoạt động quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng tại khu vực TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai hiện do Ngân hàng Nhà nước Khu vực 2 giám sát. Mô hình mới này chính thức đi vào hoạt động bắt đầu từ 1/7/2025, cùng với thời điểm vận hành bộ máy chính quyền địa phương hai cấp tại các tỉnh, thành phố. Sự thay đổi này được kỳ vọng không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của khu vực, mà còn góp phần quan trọng để phát triển mô hình hoạt động mới hiệu quả, trở thành dấu ấn lịch sử về đổi mới và phát triển của ngành ngân hàng.
Với hệ thống mạng lưới các tổ chức tín dụng mở rộng và hoạt động trên khắp các tỉnh, thành phố (gồm các tỉnh, thành cũ như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Đồng Nai), khu vực này hiện có số lượng đơn vị tổ chức tín dụng lên đến 3.029 đơn vị, gồm chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện và quỹ tín dụng nhân dân. Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Khu vực 2, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thuộc khu vực 2 duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Trong đó, xét theo địa bàn, tín dụng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tăng 9,1% và TP. Hồ Chí Minh tăng 5,98% so với cuối năm 2024. Xét về mặt quy mô, tỷ trọng và số lượng các tổ chức tín dụng hoạt động, thì dư nợ tín dụng tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh (cũ) tiếp tục là động lực tăng trưởng tín dụng chung của khu vực 2. Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh (cũ) đạt 4,2 triệu tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, tăng 6,2% so với cuối năm và chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 79,2% tổng dư nợ tín dụng khu vực 2. Theo Ngân hàng Nhà nước, với quy mô tín dụng mở rộng của khu vực 2 hiện nay, hoạt động tín dụng ngân hàng tiếp tục giữ vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai. Với sự đa dạng về hình thức hoạt động, vùng Đông Nam Bộ hiện có đủ các định chế tài chính từ ngân hàng thương mại, công ty tài chính, cho thuê tài chính đến các quỹ tín dụng nhân dân. Cùng với đó là khả năng liên kết phát triển vùng, với không gian kinh tế mở rộng và các lĩnh vực kinh tế trọng điểm như khu công nghiệp – khu chế xuất, du lịch, dịch vụ thương mại, với các dự án kinh tế lớn: cảng biển, sân bay và hạ tầng giao thông, logistics; trung tâm dịch vụ lớn; trung tâm tài chính quốc tế... Những yếu tố trên sẽ là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các định chế tài chính, các dịch vụ ngân hàng trong khu vực. Ngành ngân hàng kỳ vọng sự tăng trưởng và phát triển của TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai với mô hình tăng trưởng mới và tiềm năng phát triển mới sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hoạt động dịch vụ ngân hàng và thị trường tài chính trong giai đoạn tới./.