Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng: Đầu tư phát triển đô thị thông minh có lộ trình, tránh tình trạng 'trăm hoa đua nở'

Chiều 16/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng chủ trì phiên họp thứ nhất của Tổ công tác liên ngành điều phối xây dựng, triển khai đồng bộ đô thị thông minh.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng. Ảnh tư liệu: An Đăng/TTXVN

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng. Ảnh tư liệu: An Đăng/TTXVN

Thiếu quy chuẩn, tiêu chuẩn để chuẩn hóa việc thực hiện

Tổ công tác được thành lập theo Quyết định số 1413/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, do Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng làm Tổ trưởng; Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh và Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng làm Tổ phó. Thành viên Tổ công tác là đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, 6 thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các doanh nghiệp, viện trường.

Tổ công tác có trách nhiệm điều phối, hướng dẫn các địa phương đủ điều kiện xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển đô thị thông minh theo đúng lộ trình đã được xác lập; đồng thời, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các đề án, tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc, đề xuất phương án tháo gỡ và hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã nghe công bố quyết định thành lập Tổ công tác, dự thảo quy chế hoạt động của Tổ công tác, đề xuất kế hoạch hoạt động của Tổ công tác trong quý III, IV/2025, báo cáo dự kiến tổng kết Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030 (Đề án 950); cho ý kiến vào dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về phát triển đô thị thông minh.

Thông tin về nội dung Nghị định quy định về phát triển đô thị thông minh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, có 5 nhóm chính sách chủ yếu. Nhóm thứ nhất là các quy định chung để thống nhất khái niệm, các yêu cầu chung cần đạt được, nguồn lực và các quy định được hưởng các chính sách ưu tiên, ưu đãi, hỗ trợ chung áp dụng cho lĩnh vực khoa học, công nghệ cao, công nghệ thông tin.

Nhóm thứ hai là quy định về việc xây dựng các đề án, kế hoạch, tổ chức triển khai đánh giá, công nhận theo các mức độ trưởng thành và giám sát.

Nhóm thứ ba quy định về việc xây dựng cơ sở dữ liệu, các nền tảng, công nghệ, trung tâm điều hành đo thị thông minh phù hợp với các hoạt động triển khai đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Nhóm thứ tư quy định về quy hoạch, xây dựng và cung cấp các dịch vụ hạ tầng, tiện ích đô thị thông minh.

Nhóm năm quy định về trách nhiệm phát triển đô thị thông minh của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư.

Theo ông Trần Quốc Thái, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), thực hiện Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030, có 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trước hợp nhất) đã phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh; 18 địa phương (bao gồm Hà Nội, Huế, Hải Phòng, Bình Dương) đã triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu trên nền hệ thông thông tin địa lý (GIS). Các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, tiêu chuẩn.

Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai được các địa phương báo cáo là thiếu cơ sở pháp lý để thống nhất nhận thức về đô thị thông minh và cách thức tổ chức thực hiện; thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn để chuẩn hóa việc thực hiện, liên thông cũng như quản lý chi phí, tổ chức vận hành; thiếu cơ chế đặc thù trong thực hiện mua sắm, đấu thầu do đặc thù công nghệ biến đổi nhanh, chóng lạc hậu, chi phí lại rẻ hơn; thiếu nguồn lực đầu tư, cơ chế huy động nguồn vốn xã hội hóa.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội cho biết, để khoa học, thực tiễn hiện thực hóa các nội dung, nội hàm liên quan đến đô thị thông minh, cần hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí về đô thị thông minh, lượng hóa trạng thái phát triển đô thị thông minh; đồng thời khẳng định, Hà Nội xác định tiên phong trong xác lập việc phát triển đô thị thông minh.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy cho rằng, cần có sự kết hợp thống nhất, đồng bộ giữa chương trình chuyển đổi số và triển khai đô thị thông minh. Bản chất của cả chuyển đổi số và đô thị thông minh là nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, phát triển kinh tế số, xã hội số. Bà đề xuất Phó Thủ tướng quan tâm chỉ đạo, có chiến lược, chương trình chuyển đổi số ở cấp quốc gia, cấp tỉnh phải có nội dung lồng ghép với đường hướng phát triển đô thị thông minh.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng, Tổ phó Tổ công tác nhận định, cốt lõi của đô thị thông minh là việc tổ chức vận hành đô thị hiệu quả hơn dựa trên dữ liệu số, công nghệ số, có sự tham gia của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, tối ưu hóa quản trị đô thị và phát triển bền vững. Đô thị thông minh chính là quá trình chuyển đổi số các đô thị. Các hệ thống vận hành giao thông, y tế, giáo dục, hành chính được số hóa, tích hợp, tối ưu hóa để phục vụ người dân tốt hơn và phát triển bền vững.

Phát triển đô thị thông minh là xu thế tất yếu

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng hoan nghênh, đánh giá cao sự chuẩn bị của Tổ công tác liên ngành; nhấn mạnh, việc phát triển đô thị thông minh không phải là lựa chọn mà là xu thế tất yếu của các quốc gia, hướng tới phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tăng cường quản trị, quản lý, điều hành đô thị.

Cho biết quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển đô thị thông minh là phương thức để phát triển nền kinh tế số, kinh tế đô thị, Phó Thủ tướng cho hay, nếu làm tốt kinh tế số sẽ đóng góp cho nền kinh tế rất tốt. Quy hoạch tốt, đưa công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào thì kinh tế đô thị sẽ đóng góp hiệu quả cho nền kinh tế.

Việt Nam đã và đang triển khai, các địa phương đã đạt được một số kết quả bước đầu, nhưng tự phát là chính, còn lúng túng, thiếu tính đồng bộ, thiếu hành lang pháp lý chung để thống nhất quản lý, tổ chức thực hiện, thiếu cơ chế điều phối. Vì vậy, theo Phó Thủ tướng, việc thành lập Tổ công tác liên ngành là rất kịp thời và cần thiết, đóng vai trò điều phối một cách tổng thể, thúc đẩy xây dựng thể chế, giải quyết các vướng mắc phát sinh, hỗ trợ các địa phương trong quá trình thực hiện triển khai thí điểm đô thị thông minh, nhất là 6 thành phố trực thuộc trung ương.

Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành liên quan soạn thảo Nghị định theo trình tự thủ tục rút gọn, trình Chính phủ trước ngày 15/8. Liên quan đến việc tổng kết Đề án 950, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ chuẩn bị công tác tổng kết vào cuối tháng 7/2025.

Bộ Xây dựng tổng hợp ý kiến các thành viên Tổ công tác, ban hành quy chế, kế hoạch hoạt động của Tổ công tác trước ngày 20/7. Các địa phương rà soát đề án phát triển đô thị thông minh, chuyển đổi số, khẩn trương chuẩn bị tốt công tác phát triển đô thị trong tình hình mới, cập nhật bổ sung, điều chỉnh theo hướng dẫn chung của các bộ, ngành.

Các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch hành động của đơn vị, gửi Tổ công tác trước ngày 25/7. Các bộ, ngành nghiên cứu kỹ dự thảo Nghị định, gửi góp ý về Bộ Xây dựng trước ngày 20/7.

Bộ Xây dựng phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Nghị định, tổ chức đi nghiên cứu khảo sát thực tế kinh nghiệm một số nước đã phát triển tốt đô thị thông minh.

Nêu rõ đây là trách nhiệm chung, Phó Thủ tướng yêu cầu các thành viên Tổ công tác chủ động tham gia đề xuất các chính sách, làm nghiêm túc. Phó Thủ tướng đề nghị xây dựng lộ trình để triển khai, khuyến khích phát triển công nghiệp cho đô thị thông minh, thay vì nhập khẩu phải hình thành nền công nghiệp, tăng sản xuất trong nước, giảm nhập khẩu. Lồng ghép chuyển đổi số với đô thị thông minh, chọn một số xã, phường làm điểm, có lộ trình đầu tư , tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”, lãng phí, mất thời gian và cơ hội cho các địa phương. Phó Thủ tướng cũng nhắc đến việc hợp tác công – tư trong phát triển đô thị thông minh.

Chu Thanh Vân (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/pho-thu-tuong-nguyen-chi-dung-dau-tu-phat-trien-do-thi-thong-minh-co-lo-trinh-tranh-tinh-trang-tram-hoa-dua-no-20250716173822499.htm