Ngân hàng 'khát' nhân lực số: Tuyển đã khó, giữ chân người tài còn khó hơn

Dù ngành ngân hàng chưa bao giờ 'khát' nhân lực công nghệ như hiện nay, nhưng việc tuyển dụng được người tài và giữ chân họ vẫn vô cùng khó.

Ngành ngân hàng "khát" nhân lực công nghệ

Tại Diễn đàn Nhân lực ngành ngân hàng trước làn sóng công nghệ do Tạp chí Một Thế Giới Thời báo Ngân hàng phối hợp tổ chức ngày 16.7, các nhà quản lý, chuyên gia lẫn ngân hàng đều cho rằng ngành ngân hàng đang thay đổi nhanh chóng và nhân sự ngành này cần phải thay đổi theo.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết hơn 90% giao dịch của khách hàng thực hiện qua kênh số. Trước kia Việt Nam mơ ước một ngày có 1 triệu giao dịch, còn hiện nay mỗi ngày có 50 - 100 triệu giao dịch tài chính. Nhiều ngân hàng đang coi rủi ro về công nghệ thông tin tương tự như rủi ro về tín dụng.

“Điều đó đòi hỏi ngành ngân hàng phải tái cấu trúc quy trình, đặc biệt phải có đội ngũ am hiểu về nghiệp vụ và công nghệ. Ngân hàng nào không làm được điều đó thì không tham gia được cuộc chơi”, ông Dũng nói và nhấn mạnh chưa bao giờ ngành ngân hàng khát nhân lực về công nghệ thông tin như hiện nay.

Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy

Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy

Chung quan điểm, Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy cho hay toàn bộ công việc đang thay đổi.

Ông Duy kể năm 2007, ông đến thăm một nhà máy thép lớn ở Nhật Bản và rất ngạc nhiên khi bộ phận công nghệ thông tin (CN-TT) lại đông nhân sự nhất, còn bộ phận sản xuất không có nhân viên.

“Thép vào cán như thế nào, độ dày mỏng bao nhiêu, tất cả đều được giải quyết bằng đội ngũ phần mềm”, ông Duy nói và cho hay nhân lực của nhà máy được dịch chuyển thành nhân lực CN-TT chứ không phải là những kỹ sư CN-TT nữa.

Do đó, theo ông Duy, nhân lực tương lai cần hiểu hệ thống số, an ninh bảo mật; nếu trường đại học không đổi mới đào tạo, sẽ không còn người học.

Ông Duy nhấn mạnh Việt Nam bắt buộc phát triển fintech, tài sản số, blockchain, AI, nhưng công nghệ thay đổi 6 tháng - 1 năm, nên việc cập nhật đào tạo phải liên tục.

Diễn đàn Nhân lực ngành ngân hàng trước làn sóng công nghệ

Diễn đàn Nhân lực ngành ngân hàng trước làn sóng công nghệ

Tuyển người đã khó, giữ chân người tài còn khó hơn

Ở góc nhìn ngân hàng, ông Phạm Hà Duy - Thành viên Ban Điều hành kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng số và Dữ liệu (ABbank) cho hay trước đây, công nghệ như một ngành (như ngân hàng số), nhưng giờ đã thay đổi, nó là một kỹ năng.

“Khi tuyển dụng, ta mong muốn tuyển người có kinh nghiệm 5, 10 năm, nhưng giờ cần người phải có kỹ năng công nghệ để thay vì dùng 10 người thì chỉ cần 5 người”, ông Duy nói.

Thậm chí, ABbank có những vị trí công việc rất mới như trải nghiệm khách hàng, tăng trưởng số, marketing số... Các vị trí này cần những con người mới, năng lực mới với nhiều kỹ năng tổng hòa.

Ông Lưu Danh Đức, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Lộc Phát

Ông Lưu Danh Đức, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Lộc Phát

Ông Lưu Danh Đức, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Lộc Phát thừa nhận để tuyển một nhân sự công nghệ rất khó, dù lượng kỹ sư ra trường nhiều.

Tuy nhiên, thách thức lớn hơn là giữ chân con người, đặc biệt là những lãnh đạo cao cấp. “Người tài không dễ dùng. Để sử dụng được những người này phải có cơ chế dân chủ, để họ được bày tỏ ý kiến, sáng tạo; đãi ngộ không phải là vấn đề quan trọng nhất”.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa, KH-CN quyết định tính tự lực, tự cường của một quốc gia, trong đó quan trọng nhất là con người.

"Việt Nam đặt mục tiêu thu hút được 100 nhân tài trên thế giới về. Nhưng tìm được 100 nhân tài đích thực, siêu xuất sắc khó lắm! Tập đoàn Vingroup là nơi thu hút giỏi nhất các Việt kiều về Việt Nam làm việc, nhưng đến nay cũng chỉ được 4 người", ông Nghĩa nêu.

Bà Ngô Lan, Giám đốc Navigos Search phía bắc, cho rằng để giải quyết bài toán nhân sự, một số ngân hàng cổ phần lớn sẵn sàng chi trả mức đãi ngộ hấp dẫn để chiêu mộ các chuyên gia từ các công ty công nghệ hàng đầu, hoặc Việt kiều, người nước ngoài.

Họ còn thuê ngoài, hợp tác với các công ty công nghệ để sử dụng các chuyên gia theo hợp đồng ngắn hạn để giải quyết bài toán cấp bách; xây dựng các trung tâm đào tạo chuyên sâu về AI và dữ liệu cho nhân sự nội bộ...

“Nhu cầu của ngân hàng về nhân lực công nghệ trong chuyển đổi số, ngân hàng số là rất nhiều. Theo tôi nếu các bạn sinh viên có thể đáp ứng được cả hai yếu tố về là công nghệ và năng lực kinh doanh thì tuyệt vời”, bà Lan nói.

Bà Ngô Lan, Giám đốc Navigos Search phía bắc

Bà Ngô Lan, Giám đốc Navigos Search phía bắc

Tuy vậy, theo PGS-TS Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Công nghệ Tài chính - Đại học Đại Nam, "nhân lực thiếu rất trầm trọng thì phải đào tạo, nhưng đào tạo ra sao lại là vấn đề”.

Ông Đức dẫn chứng, fintech là một ngành mới. Tuy nhiên, quy định của Bộ GD-ĐT lại đang khiến trường gặp khó, bởi “nếu yêu cầu mở ra một ngành mới mà phải có 5 tiến sĩ thì không biết “bói” đâu ra”.

Theo đó, ông Đức kiến nghị Nhà nước nên có chính sách ưu tiên cho nhân lực khoa học công nghệ, ví dụ cấp 100% học bổng cho sinh viên ngành fintech để thu hút người học; hỗ trợ cho các trường đổi mới chương trình đào tạo…

Không thể chỉ chạy theo AI

Dù cho rằng công nghệ số là xu hướng tất yếu của ngành ngân hàng và thời đại xử lý mọi thứ trên giấy tờ sẽ mãi mãi không quay trở lại, nhưng các chuyên gia cũng cảnh báo cần lưu ý những rủi ro về an ninh mạng, lừa đảo...

Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu

Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, ngành ngân hàng có các tiêu chuẩn Basel. Nếu Basel I về rủi ro tín dụng, Basel II về rủi ro mô hình, Basel III sửa đổi những mô hình đó, Basel IV đưa ra những mô hình về rủi ro tài chính... thì Basel VI sẽ nói đến rủi ro về công nghệ.

“Ngay cả thế giới cũng chưa nắm bắt được rủi ro về công nghệ số. Còn ở Việt Nam, công nghệ số giúp chúng ta quản lý rủi ro tốt hơn nhưng chúng ta đừng ảo tưởng kỹ thuật số là giải pháp duy nhất cho hệ thống ngân hàng. Còn nhiều vụ lừa đảo, rò rỉ thông tin, thậm chí cán bộ ngân hàng là tội phạm, lừa đảo”, ông Hiếu nói.

Theo vị chuyên gia này, 10 năm tới AI chưa thể thay thế con người. Quyết định liên quan kinh tế vĩ mô, luật pháp vẫn cần đạo đức kinh doanh và trí tuệ con người.

TS Nguyễn Quốc Việt, Đại học Kinh tế (Đại học quốc gia Hà Nội) cho rằng nếu đào tạo nhân lực mà chỉ chạy theo AI hay robot thì cũng chỉ “đào” mà không “tạo”, chỉ “lực” mà không có “nhân” và vẫn thua AI, robot. Ông nêu quan điểm: AI không thể thay thế nhân văn và tương tác giữa người với người.

TS Nguyễn Quốc Việt, Đại học Kinh tế (Đại học quốc gia Hà Nội)

TS Nguyễn Quốc Việt, Đại học Kinh tế (Đại học quốc gia Hà Nội)

Ông Việt đề xuất kết hợp doanh nghiệp, ngân hàng, cơ quan điều phối và đơn vị đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

“Chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm của hai trung tâm tài chính Singapore và Hồng Kông với cơ chế TPP - sự phối hợp giữa nhà nước, đặc biệt là agency tài chính làm việc cùng với đào tạo để đào tạo mới và đào tạo lại lao động rất tốt”, ông Việt nói.

"Có nhiều giải pháp tăng cung nhân lực, nhưng một trong những giải pháp quan trọng và cần tập trung ngay là đào tạo và đào tạo lại đội ngũ nhân sự ngành ngân hàng. Họ cần kiến thức mới, kỹ năng số, hiểu biết về công nghệ như AI, để có thể làm chủ, sử dụng hiệu quả các công cụ số - ví dụ như chatbot, hệ thống phân tích dữ liệu - nhằm phục vụ tốt hơn cho nghiệp vụ của mình".

TS Trần Văn Tùng - Chủ tịch Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ngan-hang-khat-nhan-luc-so-tuyen-da-kho-giu-chan-nguoi-tai-con-kho-hon-235004.html