Dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, ATGT đường bộ quy định gì mới về đưa đón học sinh?

Hai dự Luật này đang được trình Quốc hội xem xét thông qua, và quy định nhiều điểm mới như: Lái xe phải có 2 năm kinh nghiệm về lái xe khách và phải được đào tạo kỹ năng đưa đón học sinh, sinh viên, cơ sở đào tạo phải có quy trình đưa đón học sinh an toàn trong suốt hành trình...

Không còn khách lái xe mới được xuống xe

Sau vụ tai nạn bỏ quên học sinh trên xe đưa đón tại Thái Bình, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai? trách nhiệm đến đâu? chúng tôi đã tìm hiểu và được biết, các quy định về xe đưa đón trẻ mầm non, học sinh, sinh viên và công nhân đều đã được quy định cụ thể, rõ ràng. Ở đây chúng ta nhận thấy sự tắc trách của lái xe, nhân viên đón trẻ, cũng như trách nhiệm của nhà trường. Và trách nhiệm đến đâu, như thế nào thì cơ quan điều tra sẽ củng cố hồ sơ để xử lý những người có liên quan. Ở bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến những quy định pháp lý cũng như những điều khoản sẽ bổ sung trong 2 dự án Luật (Luật Đường bộ và Luật Trật tự, ATGT đường bộ) đang được trình Quốc hội xem xét thông qua.

Dịch vụ đưa đón học sinh, sinh viên được quy định cụ thể

Dịch vụ đưa đón học sinh, sinh viên được quy định cụ thể

Hiện nay các quy định về việc đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, lái xe vận chuyển học sinh, sinh viên, cán bộ công nhân viên đi học, đi làm việc đã được quy định cụ thể chi tiết tại Nghị định 10/2020/NĐ – CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29/5/2020 của Bộ GTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, trong đó có quy định về xe đưa, đón học sinh, trẻ em mầm non. Theo đó, đơn vị kinh doanh vận tải phải có phương án kiểm soát đảm bảo không còn hành khách trên xe, người lái xe phải thực hiện kiểm tra khoang hành khách để bảo đảm không còn hành khách ở trên xe trước khi rời khỏi xe. Cụ thể: Tại điểm khoản 2 Điều 11 Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ đã có quy định trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải phải xây dựng và thực hiện quy trình bảo đảm an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, tại Điều 4 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ GTVT đã có hướng dẫn chi tiết quy trình đảm bảo an toàn giao thông áp dụng chung cho tất cả các loại hình kinh doanh vận tải, bao gồm cả hoạt động vận tải đưa đón học sinh, trẻ em mầm non. Trong đó, có quy định đối với người lái xe kinh doanh vận tải hành khách sau khi kết thúc hành trình hoặc kết thúc ca làm việc, trước khi rời khỏi xe phải kiểm tra khoang hành khách để bảo đảm không còn hành khách ở trên xe (áp dụng đối với xe kinh doanh vận tải hành khách).

Lái xe phải có 2 năm kinh nghiệm lái xe khách mới được lái xe đưa đón học sinh

Lái xe phải có 2 năm kinh nghiệm lái xe khách mới được lái xe đưa đón học sinh

Lái xe, phụ xe phải được đào tạo kỹ năng đưa đón trẻ

Theo Lãnh đạo Cục Đường bộ VN, các quy định về quản lý phương tiện kinh doanh hợp đồng đưa đón học sinh, sinh viên, cán bộ công nhân viên đi làm đang tiếp tục dự kiến đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như: Tại Dự thảo Luật Đường bộ đã bổ sung một điều riêng quy định chặt chẽ đối với hoạt động vận tải đưa đón học sinh, trẻ em mầm non. Nội dung cụ thể được quy định chi tiết về đối tượng tham gia hoạt động đưa đón học sinh, trẻ em mầm non.

"Điều 70. Hoạt động vận tải đưa đón trẻ em mầm non, học sinh bằng xe ô tô là hoạt động sử dụng xe ô tô để đưa đón trẻ em mầm non, học sinh đi lại giữa nơi ở và nơi học tập hoặc tham gia các hoạt động khác.

Hoạt động vận tải đưa đón trẻ em mầm non, học sinh bằng xe ô tô do cơ sở giáo dục tự tổ chức hoặc do đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện và được quy định: Trường hợp cơ sở giáo dục tự tổ chức hoạt động đưa đón trẻ em mầm non, học sinh phải đáp ứng quy định về hoạt động vận tải nội bộ bằng xe ô tô; Trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện đưa đón trẻ em mầm non, học sinh bằng xe ô tô phải đáp ứng quy định về hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Bên cạnh đó, hoạt động vận tải đưa đón trẻ em mầm non, chở sinh bằng xe ô tô phải tuân thủ quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Cụ thể:

Tại Dự thảo Luật Trật tự, ATGT đường bộ đã bổ sung một số quy định chi tiết đối với hoạt động vận tải đưa đón học sinh, trẻ em mầm non; trong đó, quy định chi tiết về điều kiện đối với xe ô tô, lái xe ô tô chuyên chở học sinh, việc bố trí người quản lý trên xe và quy định trách nhiệm của cơ sở giáo dục, đào tạo phải xây dựng, tập huấn cho người lái xe và người quản lý học sinh, trẻ em mầm non phải nắm vững và thực hiện xây dựng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón học sinh, trẻ em mầm non; chịu trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi tổ chức đưa đón học sinh, trẻ em mầm non của đơn vị mình.

Cụ thể: Điều 46. Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với xe ô tô chở học sinh, trẻ em mầm non.

"Xe ô tô kinh doanh vận tải học sinh, trẻ em mầm non phải đáp ứng các yêu cầu sau đây": Bảo đảm bảo các điều kiện theo quy định, gồm: được cấp chứng nhận đăng ký và gắn biển số; bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; lắp thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe; có niên hạn sử dụng không quá 20 năm; có màu sơn theo quy định của Chính phủ; Xe ô tô chở học sinh tiểu học hoặc trẻ em mầm non phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định.

Khi đưa đón học sinh tiểu học, trẻ em mầm non phải bố trí tối thiểu 1 người quản lý trên mỗi xe ô tô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho học sinh tiểu học, trẻ em mầm non trong suốt chuyến đi. Trường hợp xe trên 30 chỗ và chở trên 29 học sinh tiểu học và trẻ em mầm non phải bố trí tối thiểu 2 người quản lý trên mỗi xe ô tô. Không được để học sinh tiểu học, trẻ em mầm non trên xe khi người lái xe và người quản lý đã rời xe.

Lái xe ô tô đưa đón họ sinh, trẻ em mầm non phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm lái xe vận tải hành khách.

Trách nhiệm của cơ sở giáo dục, đào tạo phải xây dựng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón học sinh, trẻ em mầm non; hướng dẫn cho lái xe và người quản lý học sinh, trẻ em mầm non nắm vững và thực hiện đúng quy trình; chịu trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi tổ chức đưa đón học sinh, trẻ em mầm non của đơn vị mình.

Đặc biệt, xe đưa đón học sinh, trẻ em mầm non được ưu tiên trong tổ chức, phân luồng, điều tiết giao thông, bố trí nơi dừng, đỗ tại khu vực trường học và tại các điểm trên lộ trình đưa đón học sinh.

KL

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/du-thao-luat-duong-bo-va-luat-trat-tu-an-toan-giao-thong-quy-dinh-gi-moi-ve-dua-don-hoc-sinh-183240603071840907.htm