Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) đề xuất rút gọn quy trình dự án đường sắt tốc độ cao

Nhằm rút ngắn tiến độ thực hiện dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao, dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) bổ sung quy định để làm cơ sở pháp lý cho phép rút ngắn tiến độ thực hiện.

Một tuyến đường sắt tốc độ cao trên thế giới - Ảnh internet

Một tuyến đường sắt tốc độ cao trên thế giới - Ảnh internet

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi các Bộ, ngành, cơ quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) để hoàn thiện trước khi trình Chính phủ.

Nội dung dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) được đề xuất gồm gồm 8 chương, 80 điều luật; giảm 2 chương và 7 điều so với Luật Đường sắt 2017 (hiện hành). Trong đó, giữ nguyên nguyên 14 điều; sửa đổi, bổ sung 59 Điều; bổ sung mới 7 điều và bãi bỏ 12 điều).

Tại chương quy định về kết cấu hạ tầng đường sắt (Chương II, 3 mục và 22 điều), dự thảo kế thừa, giữ nguyên các quy định của Luật Đường sắt 2017 về hệ thống báo hiệu cố định trên đường sắt. Bên cạnh đó, bổ sung nhiều quy định mới: kết nối hạ tầng đường sắt với hạ tầng các lĩnh vực GTVT khác, quy định nhằm rút ngắn tiến độ thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao, dự án đường sắt đô thị; phân cấp cho địa phương thực hiện dự án...

Cụ thể, bổ sung quy định về kết nối giữa các tuyến đường sắt và kết nối giữa các tuyến đường sắt với cảng hàng không, cảng biển, cảng cạn, cảng thủy nội địa, các khu đầu mối hàng hóa; sửa đổi, bổ sung quy định về phân loại ga đường sắt, vị trí tại các ga tại đô thị đặc biệt, đô thị loại I.

Bổ sung quy định: "Đối với dự án đường sắt xây dựng mới áp dụng công nghệ cao, công nghệ mới thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư mà phải thực hiện theo hình thức hợp đồng thiết kế - mua sắm vật tư, thiết bị - thi công xây dựng công trình (Engineering - Procurement - Construction, gọi tắt là hợp đồng EPC), được phép lập thiết kế kỹ thuật tổng thể (Front - End Engineering Design, sau đây gọi là thiết kế FEED) thay cho thiết kế cơ sở trong Báo cáo nghiên cứu khả thi" (khoản 5 Điều 23).

Theo Ban soạn thảo, quy định trên nhằm cho phép lập thiết kế kỹ thuật tổng thể (Front - End Engineering Design, thiết kế FEED) thay cho thiết kế cơ sở trong Báo cáo nghiên cứu khả thi để rút ngắn thời gian thực hiện dự án đối với dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị áp dụng công nghệ cao, công nghệ mới.

Về phân cấp thực hiện dự án, lấy kinh nghiệm từ đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc, tại Điều 23 bổ sung quy định phân cấp cho UBND cấp tỉnh đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư tuyến đường sắt đi qua từ 2 tỉnh/thành trở lên (đường sắt vùng). Trong đó, giao một địa phương làm cơ quan chủ quản đầu tư dự án, còn kinh phí được phân bổ theo tỷ lệ chiều dài đường sắt qua mỗi địa phương.

Quy định này giúp giải quyết khó khăn, vướng mắc thực tế là quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách không cho phép giao vốn, giao cho 1 địa phương thực hiện toàn bộ dự án đường sắt vùng. Việc phân cấp cũng là cơ sở để chính quyền cấp tỉnh được chủ động thực hiện dự án đường sắt đô thị, giúp rút ngắn thủ tục và thời gian chuẩn bị đầu tư, triển khai dự án.

Nhằm tạo thêm nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, dự thảo bổ sung một điều luật về khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt, với quy định được sử dụng ngân sách của địa phương lập dự án đầu tư công độc lập (với dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt) để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất và đấu giá quyền sử dụng đất, quyền sử dụng không gian ngầm, khoảng không trên cao trong khu vực đất quanh ga làm cơ sở triển khai các dự án phát triển đô thị theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

"Thực tế trong nước đã có các nhà đầu tư nghiên cứu đầu tư xây dựng khu vực xung quanh các khu ga đường sắt lớn, ga đường sắt tốc độ cao, ga đường sắt trong đô thị để phát triển các đô thị, các khu chức năng, tạo nguồn lực tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt. UBND Tp. HCM đã nghiên cứu và được Quốc hội cho phép thí điểm mô hình này", theo Ban soạn thảo.

"Đối với tiền thu được từ khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt địa phương, chính quyền địa phương cấp tỉnh giữ lại 100%; b) Đối với tiền thu được từ khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt quốc gia, chính quyền địa phương cấp tỉnh giữ lại 50% và nộp 50% vào ngân sách trung ương", theo dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) quy định về việc sử dụng tiền thu từ khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt sau khi trừ đi các chi phí có liên quan.

Nội dung dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) gồm 8 chương, 80 điều luật; giảm 2 chương và 7 điều so với Luật Đường sắt 2017 (hiện hành). Trong đó, giữ nguyên nguyên 14 điều; sửa đổi, bổ sung 59 Điều; bổ sung mới 7 điều và bãi bỏ 12 điều).

Chương I: Những quy định chung (9 điều); Chương II: Kết cấu hạ tầng đường sắt (3 mục và 22 điều); Chương III: Phát triển công nghiệp đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt (2 mục, 9 điều).

Chương IV: Nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu (2 điều); Chương V: Tín hiệu, quy tắc giao thông và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt (2 mục và 13 điều). Chương VI: Kinh doanh đường sắt (4 mục và 19 điều); Chương VII: Quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt (3 điều); Chương VIII: Điều khoản thi hành (3 điều).

Huy Lộc

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/du-thao-luat-duong-sat-sua-doi-de-xuat-rut-gon-quy-trinh-du-an-duong-sat-toc-do-cao-183240821155617205.htm