Dự thảo Luật Nhà giáo đáp ứng mong mỏi của nhà giáo

Dự thảo Luật Nhà giáo đáp ứng được mong mỏi của nhà giáo nói chung và giáo viên mầm non nói riêng.

Một lớp học của Trường Mầm non B xã Liên Ninh (Thanh Trì, Hà Nội). Ảnh: Facebook nhà trường.

Một lớp học của Trường Mầm non B xã Liên Ninh (Thanh Trì, Hà Nội). Ảnh: Facebook nhà trường.

Đề xuất giáo viên mầm non thuộc nhóm công việc nặng nhọc

Góp ý cho dự thảo Luật Nhà giáo, cô Trần Mai Phương - Hiệu trưởng Trường Mầm non B xã Liên Ninh (Thanh Trì, Hà Nội) ghi nhận, dự thảo đáp ứng mong mỏi của nhà giáo nói chung và giáo viên mầm non nói riêng.

Dự thảo luật đề xuất giáo viên mầm non, giáo viên trường lớp dành cho người khuyết tật được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi và được hưởng chế độ nghỉ hưu theo quy định.

Theo cô Mai Phương, giáo viên mầm non là nghề đặc thù thuộc nhóm công việc nặng nhọc. Đưa ra lý do, Hiệu trưởng Trường Mầm non B xã Liên Ninh phân tích, để đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non, giáo viên mầm non cần có thao tác nhanh nhẹn, linh hoạt, xử lý tình huống tốt trong tổ chức các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ.

Giáo viên phải luôn tập trung bao quát trẻ mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoạt động; luôn kiểm tra, rà soát, xử lý kịp thời những nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ.

Khi tổ chức các hoạt động trong một ngày cho trẻ mầm non, giáo viên cần thực hiện theo dây chuyền một cách hợp lý, có sự phối hợp nhịp nhàng, đều tay giữa các giáo viên cùng lớp để hoàn thành tốt được nhiệm vụ.

Trong thời gian ở trường, giáo viên mầm non chịu tác động với cường độ làm việc tiếng ồn cao; phải giao tiếp cùng trẻ liên tục, với âm lượng to hơn bình thường (ít nhất 8 tiếng mỗi ngày) nên khi từ 50 tuổi trở lên, giáo viên mầm non gặp nhiều khó khăn về sức khỏe và các bệnh mãn tính về họng và thính giác.

Việc tổ chức các hoạt động trong ngày cho trẻ (0-6 tuổi), giáo viên mầm non tổ chức nhiều hoạt động đặc thù như: Hoạt động vận động, âm nhạc (hát, múa…), kể chuyện, đóng kịch, tổ chức các hoạt động ngoài trời...

Để có cơ sở đề xuất tuổi nghỉ hưu giáo viên mầm non là 55 tuổi, cô Mai Phương góp ý, tại Điểm a, Khoản 3, Điều 8 dự thảo luật:“Quy định giáo viên mầm non là nghề đặc thù thuộc nhóm công việc nặng nhọc”. Luật Nhà giáo làm rõ thêm: cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục mầm non được nghỉ hưu khi độ tuổi 55 đối với nữ, 60 đối với nam.

 Trẻ mầm non của quận Tây Hồ (Hà Nội).

Trẻ mầm non của quận Tây Hồ (Hà Nội).

Tăng phụ cấp ưu đãi nghề cho giáo viên mầm non

Về thời gian làm việc, Điều 4 Thông tư số: 48/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định về giờ dạy của giáo viên.

Tại Chương trình giáo dục mầm non, chế độ sinh hoạt một ngày của trẻ tại trường được quy định: Lứa tuổi Nhà trẻ từ 8.5 giờ đến 10 giờ/ngày - Lứa tuổi Mẫu giáo từ 8.8 giờ đến 10 giờ/ngày.

Từ quy định trên, nhà trường xây dựng bảng phân công dây chuyền vị trí giáo viên trong một lớp để tổ chức các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ trong một ngày.

Trong quá trình thực hiện phát sinh như: định mức số giáo viên/lớp đã có số dư. Tuy nhiên, 100% giáo viên mầm non là nữ, trong độ tuổi sinh nở, con ốm... Vì vậy, số dư đó không đủ cho việc thực hiện thay thế khi giáo viên nghỉ sinh, ốm...

Khi thực hiện chương trình giáo dục mầm non, khung thời gian hoạt động một ngày quy định từ 8-10 giờ. Nhà trường đã thực hiện phân công dây chuyền cho một giáo viên làm việc trực tiếp với trẻ trên lớp là 8 giờ/ngày mới đảm bảo an toàn và thực hiện tốt các nội dung chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ.

Ngoài ra, giáo viên phải thực hiện chuẩn bị phòng học trước khi đón trẻ, bài dạy của ngày hôm sau, trang trí môi trường lớp học, thực hiện sổ sách theo quy định... Vì vậy, thời gian cho giáo viên mầm non làm việc thường xuyên là từ 9 đến 10 giờ/ngày.

Từ thực tế, cô Mai Phương đề xuất một số quy định tại các văn bản sau luật như sau:

Thứ nhất, xây dựng chương trình giáo dục mầm non cần cân đối thời gian hoạt động/ngày tại trường của trẻ phù hợp với thời gian làm việc được quy định của giáo viên mầm non. Những nội dung ngoài giờ làm việc quy định rõ để các địa phương, phụ huynh có cơ chế trả thêm giờ làm cho giáo viên mầm non.

Thứ hai, có thể tăng định mức giáo viên/lớp: Mẫu giáo 2.5 giáo viên/lớp; Nhà trẻ: 3 giáo viên/lớp. Từ đó, các cơ sở giáo dục phân công dây chuyền hoạt động tại lớp đảm bảo 6 giờ dạy và 2 giờ chuẩn bị bài dạy, trang trí môi trường lớp học, tự bồi dưỡng chuyên môn...

Về chế độ lương, cô Mai Phương trao đổi, với mức lương giáo viên mầm non tuổi nghề (1- 10 năm) được hưởng từ (6- đến 9 triệu đồng). Thời gian làm việc nhiều, trách nhiệm cao, phải đảm bảo sức khỏe an toàn tuyệt đối cho trẻ (0- 6 tuổi) về thể chất và tinh thần.

Dù đã được quan tâm trong những năm gần đây nhưng với mức thu nhập này chưa đảm bảo đời sống. Để thu hút nguồn nhân lực chất lượng, yêu nghề, gắn bó là rất khó đối với các đơn vị giáo dục công lập.

Với giáo viên mầm non có bằng cử nhân nhưng khi tuyển dụng, hợp đồng trả lương tính hệ số của hệ cao đẳng (2,1). Sau thời gian quy định, thăng hạng mới tính lương hệ số đại học (2.34) là bất hợp lý. Vô hình trung, hệ số lương của cấp mầm non thấp nhất trong trong khi đào tạo về thời gian như nhau.

Từ thực tiễn nêu trên, Hiệu trưởng Trường Mầm non B xã Liên Ninh đề xuất, tăng phụ cấp ưu đãi nghề cho giáo viên mầm non từ 35% lên 50%. Khi tuyển dụng, hợp đồng giáo viên mầm non cần được tính hệ số lương theo bằng cấp tốt nghiệp để công bằng với giáo viên các cấp học khác.

Hàng năm, tổ chức xét thăng hạng cho giáo viên mầm non, đảm bảo mức lương phù hợp với vị trí việc làm cũng như tính chất nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/du-thao-luat-nha-giao-dap-ung-mong-moi-cua-nha-giao-post692337.html