Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội cho Hà Nội
Góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), nhiều chuyên gia đề xuất, cần có cơ chế đặc thù về việc phát hiện, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng và quản lý cũng như đãi ngộ nhân tài. Đồng thời, phải xây dựng các cơ chế vượt trội, đột phá, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập để xây dựng, phát triển Thủ đô xứng đáng với vị trí là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ...
Phải có cơ chế đặc thù, đột phá
Theo ông Nguyễn Hồng Tuyến, Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội, mục tiêu xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), đó là phải xây dựng các cơ chế đặc thù, vượt trội, đột phá, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Thủ đô.
“Chúng ta hướng tới sửa đổi Luật Thủ đô lần này vì 2 lí do. Thứ nhất, trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là TP văn hiến, văn minh, hiện đại và trở thành trung tâm động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới; phấn đấu phát triển ngang tầm với Thủ đô các nước phát triển trong khu vực”, ông Tuyến cho biết.
Lý do thứ hai, theo ông Tuyến đó là trong 10 năm thực hiện Luật Thủ đô năm 2012, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý quy hoạch chung, quản lý quy hoạch chuyên ngành, rồi quản lý không gian, nhất là không gian ngầm, quản lý công trình kiến trúc cổ, bảo toàn phát triển văn hóa, rồi quy hoạch, xây dựng nhà ở, vấn đề về quản lý dân số, quản lý sử dụng đất, rồi chính sách an sinh xã hội... vẫn còn những tồn tại.
Còn theo PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng, vị trí của Thủ đô rất quan trọng và đặc biệt, vì đó là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước... Trong 63 tỉnh, thành thì Thủ đô là một và chỉ có một Thủ đô có Luật, cho nên yêu cầu này lại vô cùng lớn và rất là trọng trách. Thêm nữa, về mặt nội lực, vị trí địa lý thì giữ nguyên nhưng việc tăng dân số cơ học rất lớn, năm sau tăng hơn năm trước, tức là giữa nhu cầu khách quan và nội lực không đáp ứng được. Cho nên Luật Thủ đô 2012 có những phần chưa tích hợp được, còn những bất cập cho nên phải sửa đổi...
Bà An nhấn mạnh, những tồn tại của Luật Thủ đô 2012 đã gây ra bất cập cho Hà Nội. Đó chính là việc không đồng bộ trong pháp luật: “Tôi lấy ví dụ về việc thu hút người tài chẳng hạn. Thủ đô cũng đã có chính sách trải thảm đỏ nhưng khó thu hút, không giữ được người tài. Đấy là vấn đề mà nguyên nhân là do chưa có những cơ chế vượt trội để triển khai. Rồi giáo dục thủ đô chẳng hạn. Dân số Thủ đô tăng rất nhanh, nhu cầu người dân cũng tăng rất nhanh nhưng diện tích chỉ có hạn mà Chủ tịch Hà Nội cũng không có được thẩm quyền quyết định để xây thêm trường ở đâu nữa vì vướng theo quy hoạch rồi. Hay việc sửa chữa, cải tạo các chung cư cũ, nhu cầu của dân đòi hỏi phải sửa ngay những chung cư cũ nát nhưng khi triển khai lại vướng rất nhiều nội dung do liên quan đến luật pháp... Đấy là những bất cập liên quan đến việc không đồng bộ của luật pháp. Cho nên lần này chúng ta phải có những chính sách vượt trội”.
Cụ thể như chính sách tài chính chẳng hạn. Việc để lại cho Hà Nội bao nhiêu % từ nguồn thu ngân sách để tái đầu tư, trong đó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, HĐND TP Hà Nội có quyền quyết những phần gì? Nếu không rõ ràng thì lại cũng như tất cả các luật liên quan đến tài chính thì Hà Nội không thể trả lương thêm cho người tài, không thể giữ chân, thu hút người tài cống hiến cho Thủ đô... Tôi nói một số ví dụ như thế để thấy rằng, nếu như không cho Hà Nội có cơ chế đột phá thì tôi cho rằng Hà Nội cũng sẽ lại dậm chân tại chỗ, không hơn gì các tỉnh khác. Hà Nội hiện còn rất nhiều khó khăn chồng chất do đó lần này có cơ chế vượt trội thì tôi nghĩ là rất tốt.
Chú trọng chính sách thu hút nhân tài
Một trong hai nhân tố rất quyết định cho phát triển bền vững đất nước nói chung và Thủ đô nói riêng, đó là thể chế và nguồn nhân lực. Bà An chia sẻ, trong Luật Thủ đô thì tôi nghĩ rằng Thủ đô phải chú trọng đến việc thu hút nhân tài và nâng cao chất lượng nguồn lực là hoàn toàn đúng. Lịch sử đã chứng minh, tất cả các nước, đặc biệt đối với nước ta thì yếu tố con người có vai trò quyết định. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là do công tác cán bộ. Mà công tác cán bộ chính là công việc liên quan đến con người. Cho nên việc chú ý đến chuyện chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng của nhân tài để xây dựng Thủ đô là rất đúng. Bởi vì máy móc, thiết bị dù có hiện đại đến mấy thì cũng phải là do con người. Con người ban hành ra các chủ trương, chính sách để tổ chức thực hiện. “Cho nên lần này trong Luật Thủ đô sửa đổi, tôi hy vọng rằng mỗi cơ chế đặc thù về việc phát hiện, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng và quản lý cũng như đãi ngộ nhân tài sẽ là một yếu tố rất quan trọng giúp cho Thủ đô phát triển bền vững, đột phá”, bà An nói.
Luật gia Nguyễn Hồng Tuyến, Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội cho rằng, giải pháp quan trọng nhất để thể chế hóa 9 nhóm chính sách vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đó là phải tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh cho Hà Nội. Trong 9 nhóm chính sách này, để thể chế hóa vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), tôi tâm đắc nhất là chính sách tổ chức chính quyền Thủ đô. Đây là một Chương mới, chúng ta muốn xây dựng các chính sách đặc thù, vượt trội, đột phá thì chính sách đầu tiên để đưa vào Luật Thủ đô đó là phải xây dựng, tổ chức chính quyền của TP Hà Nội. Nó phải khác với các quy định liên quan đến tổ chức chính quyền của các TP, của các tỉnh khác.
Lý do mà tôi tâm đắc với chính sách này là muốn thực hiện tốt các nhiệm vụ đã được quy định trong Luật Thủ đô thì phải có tổ chức chính quyền năng động, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh gọn, phải có đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; phải có chính sách để thu hút nhân tài để đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là phải có những chính sách liên quan đến chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô. Trong quy định của luật sửa đổi lần này thì phải nêu lên được các chính sách đối với người lao động, nhất là những chính sách về tiền lương, chính sách về bảo hiểm xã hội, chính sách an sinh xã hội và các chính sách khác...
Tôi thấy trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này đã có quy định liên quan đến chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô. Đó là ngoài lương ra thì còn có phần gọi là bù đắp về lương nữa để đảm bảo cuộc sống của của người lao động và có như thế mới có thể phát triển Thủ đô bền vững và đảm bảo với các mục tiêu đã đề ra.