Du xuân hội Mường Thàng
Mường Thàng là một trong bốn vùng đất cổ của xứ Mường Hòa Bình. Nơi đây còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc của dân tộc. Trải qua thăng trầm của lịch sử và sự đổi thay không ngừng của đời sống xã hội, những nét văn hóa đặc sắc vẫn luôn có sức sống mạnh mẽ, trở thành nền tảng cho sự phát triển của vùng đất này. Lễ hội Mường Thàng chính là một trong những nét văn hóa đã níu giữ chúng tôi mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Lễ hội Mường Thàng được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng giêng. Khi đó, đất trời giao thoa, cây cối đâm chồi, nảy lộc. Với người Mường ở Cao Phong thì đây là lễ Khai mùa, mong cầu một khởi đầu tốt đẹp cho năm mới, cho một vụ mùa tốt tươi, phồn thịnh. Vậy nên, hàng năm, cứ đến ngày mùng 5 tháng giêng, tiếng trống, tiếng chiêng lại rộn ràng khắp các bản làng để báo hiệu lễ Khai mùa Mường Thàng sắp bắt đầu. Khi ấy, đến với vùng đất này, mỗi người sẽ có được những trải nghiệm khó quên, được hít căng lồng ngực hương thơm của đất trời, hòa quyện với hương vị độc đáo của các món ăn truyền thống theo phong tục người Mường nơi đây.
Một phần quan trọng của lễ hội Mường Thàng là lễ cúng cội nguồn. Người dân tin rằng, những món ăn truyền thống dâng lên ông bà, tổ tiên, chư vị thần linh bảo hộ vùng đất một cách thành kính sẽ nhận được sự phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Một trong những nét độc đáo trong ẩm thực của lễ hội Mường Thàng chính là bánh uôi hay còn gọi là "bánh tình yêu”. Bánh uôi tượng trưng cho tình yêu son sắt, keo sơn của người Mường. Do vậy, tại lễ hội Mường Thàng, ngoài các món ăn truyền thống thì bánh uôi cũng là vật phẩm dùng để cúng tế thần linh và tổ tiên. Đây cũng là thức quà độc đáo để tặng khách phương xa. Những đôi trai gái đang yêu cũng tặng nhau bánh tình yêu để mang ý nghĩa nhắn gửi yêu thương, hẹn ước.
Ngoài không gian văn hóa ẩm thực đặc sắc, Lễ hội Mường Thàng cũng là không gian mang đậm nét văn hóa dân gian với phần lễ của các già làng, trưởng bản mong cuộc sống người dân ấm no, phồn thịnh. Lễ hội có các nghi thức: Lễ cúng Tam vị Tản viên Sơn Thánh tại Miếu Cả Mường Thàng; lễ cúng tại mộ Công chúa thời Lê; lễ rước kiệu Thành Hoàng từ miếu Cả Mường Thàng về sân vận động xã Dũng Phong... Đến với lễ hội, người dân còn được thỏa sức chơi các trò chơi dân gian như ném còn, chơi đu, đánh đáo... Rồi tham gia hát đối - một nét văn hóa độc đáo trong ngày hội Mường Thàng.
Ngoài không gian văn hóa lễ hội, không chỉ chúng tôi mà bất cứ ai khi đến với vùng đất Mường Thàng đều ấn tượng với vẻ đẹp đằm thắm của những cô gái Mường trong bộ trang phục truyền thống. Em Bùi Thị Ngọc năm nay vừa tròn 18 tuổi, nhà ở xã Dũng Phong luôn tự tin khi diện bộ trang phục dân tộc mình. Ngọc giới thiệu: Với người Mường chúng em, ngay từ bé khi biết tập đánh vần con chữ đã được các bố, các mế đưa đi may cho những bộ trang phục dân tộc. Lớn dần lên, mỗi người con gái đều có 1 - 2 bộ để diện trong những dịp quan trọng. Có người khi đi lấy chồng, không thuê trang phục cưới hiện đại mà chỉ mặc trang phục dân tộc trong ngày cưới. Là con gái Mường nên em rất thích mặc váy Mường, nói tiếng Mường và xung quanh em mọi người cũng như vậy.
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử thì Mường Thàng vốn là vùng đất có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa đáng tự hào. Cộng đồng người Mường ở đây đã hình thành, kết nối, tạo ra những giá trị văn hóa rực rỡ, góp dấu ấn đặc sắc vào nền Văn hóa Hòa Bình. Đây là địa bàn nằm trong vùng đất có nền văn hóa lâu đời. Từ xa xưa, người Mường ở đây đã xây dựng, phát triển một truyền thống văn hóa lễ hội đặc sắc. Điển hình như lễ hội đền Bờ (xã Thung Nai), lễ hội khai mùa Mường Thàng (xã Dũng Phong), lễ hội khai xuân (xã Hợp Phong), lễ hội rước nước đền Bồng Lai (thị trấn Cao Phong), lễ hội chùa Quoèn Ang (xã Hợp Phong), lễ hội chùa Khánh (xã Thạch Yên)… Các lễ hội đều thấm đẫm hồn cốt văn hóa truyền thống, được thể hiện sinh động trong đời sống văn hóa hiện đại, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa lành mạnh của nhân dân. Vì thế, đó là những giá trị tốt đẹp và trân quý, được Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Cao Phong luôn ý thức giữ gìn và phát huy.
Từ vùng đất còn gian khó mọi bề, sau 20 năm tách huyện, Cao Phong đang có sức vươn mạnh mẽ. Nói như đồng chí Hà Văn Di, Bí thư Huyện ủy Cao Phong thì: Để có được sức vóc như ngày hôm nay là do Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong huyện đã tiếp nối truyền thống, kế thừa những giá trị văn hóa tốt đẹp của vùng đất Mường Thàng, tạo thành khát vọng vươn lên mạnh mẽ trong toàn huyện.
Trong nỗ lực gìn giữ, phát huy hồn cốt của văn hóa Mường Thàng, huyện Cao Phong đã triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó, chú trọng đầu tư các quần thể di tích lịch sử - văn hóa nổi bật trên địa bàn. Hiện nay, huyện có 3 khu di tích lịch sử đã được Bộ VH-TT&DL cấp bằng công nhận di tích quốc gia, văn hóa, lịch sử và 1 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Các di tích gắn với văn hóa truyền thống như sự tích "Vườn hoa núi Cối” (xã Hợp Phong), di tích lịch sử Tượng đài Anh hùng Cù Chính Lan (xã Bình Thanh), di tích đền Bờ (xã Thung Nai)... không chỉ trở thành một phần tất yếu trong đời sống văn hóa hiện đại, mà còn tạo sức hút mạnh mẽ và vẻ đẹp đặc sắc cho mảnh đất, con người nơi đây.
Sau 20 năm thành lập (2002 - 2022), huyện Cao Phong ngày nay vẫn luôn phát huy tốt các giá trị truyền thống, biến tinh thần đoàn kết và khát vọng vươn lên thành sức mạnh nội sinh để có sự phát triển toàn diện trong thời kỳ đổi mới. Đời sống người dân không ngừng được cải thiện, cơ sở hạ tầng KT-XH không ngừng được nâng cao. Đến nay, huyện đã có 5 xã đạt chuẩn NTM, bình quân đạt 16,67 tiêu chí/xã. Đáng ghi nhận là các xã đều tạo được những kết quả tích cực trong lĩnh vực giảm nghèo và an sinh xã hội, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân trên 3%/năm. Không còn là huyện nghèo phải đối mặt với vô vàn gian khó như thời điểm mới thành lập, Cao Phong ngày nay là miền quê xinh đẹp, trù phú, nơi an cư, quần tụ của 3 dân tộc Mường, Kinh, Dao cùng sinh sống, trong đó, người Mường chiếm trên 72% dân số. Đến với Cao Phong hôm nay, hẳn ai cũng cảm nhận được sức sống căng tràn của những vườn cam bạt ngàn trải khắp huyện. Bên cạnh đó, vùng đất Cao Phong còn có những ruộng mía lao xao, những con đường trải nhựa, được bê tông hóa rợp bóng mát của cây cối và màu xanh mướt mắt của các loại cây trồng... Đó là hình ảnh quen thuộc, tạo ấn tượng khó quên trong lòng du khách mỗi khi về với Cao Phong để trẩy hội, du xuân.
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/276/174608/du-xuan-hoi-muong-thang.htm