Du xuân thời dịch

Do dịch Covid-19 nên nhiều người ham thích du lịch đã lựa chọn điểm đến trong tỉnh Hải Dương để thỏa mãn nhu cầu du xuân.

Du khách vãng cảnh, cầu an tại di tích Côn Sơn (Chí Linh) đều chú ý đeo khẩu trang

Du khách vãng cảnh, cầu an tại di tích Côn Sơn (Chí Linh) đều chú ý đeo khẩu trang

Theo đại diện một số doanh nghiệp lữ hành ở TP Hải Dương, do tâm lý e ngại dịch nên nhu cầu đi du lịch vẫn trầm lắng. Hầu hết các doanh nghiệp lữ hành ở Hải Dương đều không bán được tour trọn gói nào trong dịp Tết này. Ngay cả những khách hàng quen thuộc cũng "quay lưng" với tour truyền thống du xuân đầu năm.

Đặc sản bánh dày và chè kho ở đền Cao An Lạc (Chí Linh) được nhiều du khách chọn mua

Đặc sản bánh dày và chè kho ở đền Cao An Lạc (Chí Linh) được nhiều du khách chọn mua

Bà Hoàng Thị Thúy, đại diện Công ty TNHH Du lịch quốc tế Dòng Chảy Việt (TP Hải Dương) cho biết chỉ số ít du khách hỏi các dịch vụ từng phần như đặt phòng nghỉ, vé máy bay, xe ô tô chứ không mua tour trọn gói.

Theo bà Thúy, xu hướng du lịch hiện nay là lựa chọn điểm đến. Thay vì những “điểm nóng” về du lịch với lượng khách đông đúc, du khách thích đến những nơi an toàn với dịch bệnh, nhất là có không gian yên tĩnh, riêng tư như các điểm đến ở Sơn La, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh...

Ban Quản lý di tích Chí Linh dựng nhiều tiểu cảnh ngày Tết ở đền thờ Chu Văn An để người dân chụp ảnh kỷ niệm

Ban Quản lý di tích Chí Linh dựng nhiều tiểu cảnh ngày Tết ở đền thờ Chu Văn An để người dân chụp ảnh kỷ niệm

Bên cạnh đó, thay vì những chuyến đi xa dài ngày, nhiều người chọn những địa điểm gần nhà như Côn Sơn-Kiếp Bạc, đền thờ Chu Văn An, đền Cao An Phụ, Đảo Cò, Văn miếu Mao Điền, động Kính Chủ, Trung tâm Văn hóa xứ Đông, khu đô thị sinh thái Ecorivers, hồ Bạch Đằng... Với hình thức này, những người yêu thích du xuân không cần nhiều thời gian di chuyển mà vẫn thay đổi không gian, được thư giãn và giải trí.

Khu vực xin chữ ở đền thờ Chu Văn An được dựng vách kính để phòng dịch Covid-19

Khu vực xin chữ ở đền thờ Chu Văn An được dựng vách kính để phòng dịch Covid-19

Anh Nguyễn Xuân Trường (36 tuổi) ở TP Hải Dương, một người ham xê dịch cho biết cơ bản dịp Tết các năm trước gia đình anh đều đặt tour đi các điểm du lịch xa nhà. "Tết năm ngoái tôi đi Nha Trang, lượng khách thưa thớt, nhiều dịch vụ chưa mở nên không khí du lịch chán hẳn. Đi xa cũng ngại dịch bệnh, chưa kể phiền phức là phải test Covid-19 hoặc không may mắc Covid-19 thì bị kẹt ở lại, nhỡ hết việc. Năm nay tôi dành thời gian nhiều hơn ở tại nhà và ở quê. Khoảng mùng 3-5 Tết gia đình tôi sẽ đi một số điểm du lịch trong tỉnh để gia đình vẫn thỏa mãn nhu cầu du xuân đầu năm", anh Trường nói.

Ban Quản lý di tích Chí Linh thường xuyên tuyên truyền các quy định phòng chống dịch bằng hệ thống loa truyền thanh ở các di tích

Ban Quản lý di tích Chí Linh thường xuyên tuyên truyền các quy định phòng chống dịch bằng hệ thống loa truyền thanh ở các di tích

Ghi nhận tại một số di tích trong ngày mùng 1, mùng 2 Tết như đền Cao An Phụ, đền thờ Chu Văn An, Côn Sơn, Kiếp Bạc, động Kính Chủ, Văn miếu Mao Điền, đền Bia, người dân đi du xuân khá đông. Các di tích đều quan tâm bảo đảm công tác phòng chống dịch. Theo Ban Quản lý di tích Kinh Môn, trong 2 ngày mùng 1 và mùng 2 Tết có trên 1 vạn lượt khách tới di tích đền Cao An Phụ và động Kính Chủ.

Đoàn của cô đồng Nguyễn Ngọc Ân ở phường Sao Đỏ đến làm nghi lễ hầu đồng khai xuân tại khu di tích đền Sinh - đền Hóa (Chí Linh)

Đoàn của cô đồng Nguyễn Ngọc Ân ở phường Sao Đỏ đến làm nghi lễ hầu đồng khai xuân tại khu di tích đền Sinh - đền Hóa (Chí Linh)

Bất chấp thời tiết giá lạnh đầu năm, ngay từ sáng sớm mùng 2 Tết, nhiều người đã đổ về các đền chùa ở TP Chí Linh để cầu phúc, hái lộc, mong một năm mới bình an cho gia đình và người thân. Ghi nhận ngày mùng 2 Tết tại khu di tích đền Cao An Lạc (Chí Linh), lượng khách đông gấp đôi so với ngày mùng 1 Tết. Quần thể khu di tích đền Cao là nơi phụng thờ 5 vị tướng họ Vương và tri ân đức vua Lê Đại Hành, Thành hoàng làng Dương Tôn Linh.

Trong 2 ngày mùng 1 và 2 Tết có trên 1 vạn lượt khách tới di tích đền Cao An Phụ và động Kính Chủ (Kinh Môn)

Trong 2 ngày mùng 1 và 2 Tết có trên 1 vạn lượt khách tới di tích đền Cao An Phụ và động Kính Chủ (Kinh Môn)

Cách đó không xa, khu di tích đền thờ Chu Văn An cũng nhộn nhịp người đi lễ, xin chữ đầu năm. Năm nay, du khách tới đây chủ yếu là người dân trong tỉnh và một số địa phương lân cận. Nhiều phụ huynh học sinh đưa con em mình đến đây cầu đỗ đạt trong những kỳ thi sắp tới. Dịp Tết, đền đón tiếp khoảng 2.000-3.000 lượt khách/ngày.

Văn miếu Mao Điền (Cẩm Giàng) cũng tấp nập du khách

Văn miếu Mao Điền (Cẩm Giàng) cũng tấp nập du khách

Ngày mùng 2 Tết, đền Sinh - đền Hóa đón khoảng 1.000 lượt khách tham quan, chiêm bái. Đền Sinh - đền Hóa tọa lạc trên sườn núi Ngũ Nhạc là một công trình kiến trúc cổ độc đáo.

Theo một số chuyên gia du lịch, thị trường du lịch có thể "ấm" dần vào dịp nghỉ lễ 30.4-1.5 tới. Ngay từ bây giờ các doanh nghiệp lữ hành cần phải xây dựng sản phẩm phù hợp, nhất là xu thế đón các đoàn khách nhỏ, gia đình. Đây cũng là giai đoạn quan trọng để chú ý đến chất lượng sản phẩm, nếu chất lượng không đạt thì sẽ ảnh hưởng tới việc quay trở lại du lịch trong giai đoạn mới. Các doanh nghiệp cân nhắc giảm giá tour du lịch phù hợp với nhu cầu của khách hàng; đề cao yếu tố “dịch vụ du lịch an toàn” là giải pháp căn cơ để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại.

THẾ ANH - PHẠM TUYẾT

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/du-lich/du-xuan-thoi-dich-194806