Du xuân về với Lam Kinh
Trải rộng trên địa bàn hai huyện Thọ Xuân và Ngọc Lặc, phía bắc dựa vào núi Dầu, mặt nam nhìn ra sông Chu, bốn bề rừng thiêng Lam Kinh bao bọc, quần thể di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (tỉnh Thanh Hóa) toát lên dáng vẻ bề thế, tôn nghiêm. Diện mạo kỳ vĩ hiện nay của di tích quốc gia đặc biệt này là kết quả bước đầu của 15 năm trùng tu, phục dựng trên không gian cảnh quan và nền móng cũ.
Theo tài liệu lịch sử, năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, xưng là Lê Thái Tổ, lập nên vương triều Hậu Lê, đóng đô ở Thăng Long. Năm 1430, Lê Thái Tổ đổi tên vùng đất Lam Sơn thành Lam Kinh. Vào năm 1433, Lê Thái Tổ băng hà, được đưa về quê hương Lam Kinh an táng. Từ đây, Lam Kinh trở thành khu sơn lăng, nơi an táng, thờ cúng tổ tiên và các vua, hoàng hậu đầu thời Lê Sơ.
Khi nhà Lê suy vong, chiến tranh giành quyền lực liên miên, Lam Kinh trở thành vùng phế tích. Khu miếu điện, trong đó có chính điện Lam Kinh bị tàn phá nặng nề và rơi vào quên lãng. Đến năm 2010, công cuộc phục hồi, tái tạo chính điện Lam Kinh chính thức được khởi động. Và hôm nay, khu di tích Lam Kinh rộng hơn 200 ha gồm quần thể lăng tẩm, sân rồng, chính điện, nghi môn, thành lũy, sông cầu… hiện hữu đầy sinh khí, là một trong những trọng điểm du lịch văn hóa-tâm linh của xứ Thanh.
Sức hấp dẫn của vùng đất Lam Sơn
Dạo bước qua cầu Bạch vắt ngang sông Ngọc, qua ngọ môn, sân rồng, tòa chính điện, các khu lăng tẩm, tòa miếu, hậu viện, thư phòng… khó hình dung trong một thời gian dài, nơi đây từng phong rêu, phế tích. Những đổ gãy, hoang tàn che mờ một triều đại thịnh trị, huy hoàng trong lịch sử Việt Nam, xóa đi những đền đài, di tích, di vật 600 năm về trước. Còn lại giếng cổ Lam Sơn có niên đại trên 700 năm, nước trong vắt, chưa bao giờ cạn. Tương truyền đây là nơi lấy nước sinh hoạt cho nghĩa quân Lam Sơn trong những ngày về đây chuẩn bị kháng chiến.
Khởi nghiệp từ tay trắng, nơi rừng thiêng Lam Kinh, Lê Lợi chiêu mộ hiền tài, dấy binh đánh đuổi giặc Minh, mở ra vương triều Hậu Lê. Kể từ đó, các kiến trúc điện, miếu bắt đầu được xây dựng tại đây.
Toàn bộ khu trung tâm điện miếu Lam Kinh rộng 8 ha, nhìn về hướng nam. Chính điện hôm nay là một công trình quy mô lớn nhất trong Khu di tích Lam Kinh, nằm ở vị trí trung tâm với kiến trúc gỗ điêu khắc tỉ mỉ, công phu; được bảo tồn và phỏng dựng theo đúng quy mô, vị trí, kích thước và phong cách kiến trúc cung đình thời Lê.
Ngoại thất là khối kiến trúc hình chữ Công gồm ba điện nối tiếp nhau là Quang Đức, Sùng Hiếu và Diên Khánh, theo nguyên bản chính điện được dựng năm 1433, ngay sau khi vua Lê Thái Tổ băng hà. Nội thất tinh tế và tôn nghiêm với hệ thống hoa văn trang trí, biểu tượng linh vật, ngai thờ, long sàng, các bức bình phong, vật dụng được sơn son thếp vàng. Một trong những công trình phỏng dựng điểm nhấn là hình tượng vua ngự trên long ngai, khoác áo hoàng bào thiết triều, điều hành chính sự khi về Lam Kinh.
Theo thuyết minh viên của Khu di tích Lam Kinh Hoàng Thị Hiền, hạng mục này hiện chỉ đang mang tính tượng trưng. Xiêm y, mũ áo theo đúng thiết kế làm bằng gấm và thêu rồng bằng chỉ vàng sẽ được thay thế tới đây. Dù đang trong tiến trình hoàn thiện, chính điện được đánh giá là một trong những công trình kiến trúc bằng gỗ lim lớn và đẹp nhất Việt Nam hiện nay. Chính thức hoàn thành vào ngày khai hội Lam Kinh năm 2017, nhưng đến năm 2022, tòa chính điện Lam Kinh mới mở cửa đón du khách vào tham quan.
Hiện tại, Khu di tích Lam Kinh đang lưu giữ năm tấm bia là bảo vật quốc gia, trong đó bia Vĩnh Lăng là một trong những văn bia đá cổ có giá trị về văn hóa lịch sử và kỹ, mỹ thuật. Được dựng tháng 10/1433, bia Vĩnh Lăng làm bằng đá trầm tích biển nguyên khối, ghi chép thân thế, sự nghiệp, công trạng của vua Lê Thái Tổ.
Tấm bia được đặt trên lưng một con rùa lớn cùng chất liệu. Điều đặc biệt là chân rùa có sáu móng, trong đó móng thứ sáu bị khuyết, tương ứng sáu năm trị vì của vua Lê Lợi chưa trọn vẹn. Ngoài ra, rừng cổ Lam Kinh có hệ thống động thực vật phong phú, nhiều cây quý được công nhận là cây di sản Việt Nam, trong đó có cây đa-thị hơn 300 năm tuổi tỏa bóng mát xuống sân rồng.
Chuyện kể, cây thị có trước. Chim chóc bay về ăn quả thị và đem theo hạt đa, rơi xuống mọc thành cây. Dần dần, cây đa lớn lên, cành đa rủ xuống quấn quanh cành thị. Cây đa-thị cộng sinh, mùa nào ra quả của cây đó. Năm 2013, cây đa thị được công nhận là cây di sản Việt Nam. Trong khuôn viên khu di tích còn nhiều câu chuyện đậm màu sắc huyền bí như chuyện cây ổi cười, cây lim cổ thụ xuống lá "hiến thân"... góp phần gia tăng trải nghiệm thú vị cho du khách khi đến tham quan di tích.
Đưa di tích thành điểm du lịch văn hóa
Được công nhận là di tích lịch sử quốc gia từ năm 1962, nhưng giá trị và bề dày lịch sử của Lam Kinh mới được "đánh thức" từ khi thực hiện Quyết định số 609/QĐ-TTg năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án tổng thể tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích lịch sử Lam Kinh.
Theo đó là hàng loạt các dự án, hội thảo, nghiên cứu khảo cổ, xác định vị trí địa lý, phạm vi và quy mô kiến trúc các Khu di tích Lam Kinh, công tác thiết kế, thi công bảo tồn, huy động các nguồn lực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Đến năm 2010, công cuộc phục dựng, bảo vệ, tu bổ di tích Lam Kinh chính thức được khởi động. Hình hài, diện mạo của Lam Kinh dần dần tái hiện với các lớp công trình vòng trong, vòng ngoài đan nhau.
Lăng mộ, chính điện và các tòa thái miếu, nghi môn, sân rồng, thềm rồng, giếng cổ, cầu Bạch cùng cảnh quan thiên nhiên, các hạng mục như hệ thống đường tham quan di tích, la thành, nhà che bia, các tòa thái miếu, hệ thống biển chỉ dẫn, phòng cháy chữa cháy… được quy hoạch, tổ chức, phục dựng, tôn tạo. Giá trị, tầm vóc, bề dày lịch sử của Lam Kinh càng được khẳng định khi được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt vào năm 2012. Hiện nay, di tích lịch sử Lam Kinh được xác định là một trong những khu du lịch trọng điểm trong quy hoạch và chiến lược phát triển của tỉnh Thanh Hóa.
Bên cạnh thế mạnh về du lịch biển, Thanh Hóa cũng chú trọng phát triển du lịch văn hóa-lịch sử-tâm linh. Cùng các điểm đến di tích lịch sử Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc), đền Bà Triệu (huyện Hậu Lộc), quần thể Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng (thành phố Thanh Hóa), Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh đã góp phần thu hút lượng lớn du khách hằng năm. Từ khi tôn tạo, phục hồi và chính thức đón khách, du khách thập phương đến chiêm bái, vãn cảnh Khu di tích Lam Kinh rất đông, nhất là dịp lễ hội ngày 21, 22 tháng tám (âm lịch), lễ hội mùa xuân, mùa hè…
Trưởng Ban quản lý di tích lịch sử Lam Kinh Nguyễn Xuân Toán cho biết, trước đây đến Lam Kinh, du khách chủ yếu đi bộ hành hương. Từ năm 2017, đơn vị đã đưa vào khai thác hệ thống xe điện phục vụ du khách. Nhiều hạng mục, công trình như cảnh quan môi trường, giao thông, hệ thống phòng trưng bày hiện vật, giới thiệu di tích, biển báo, hệ thống thuyết minh tự động, hệ thống phòng cháy, chữa cháy... được đầu tư đồng bộ. Để phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Ban quản lý xây dựng các tuyến điểm tham quan, kết nối khu di tích với đền thờ Trung Túc vương Lê Lai thuộc huyện Ngọc Lặc; đền thờ quốc mẫu Phạm Thị Ngọc Trần, đền thờ thần phi Trịnh Thị Ngọc Lữ và đền thờ Lê Hoàn thuộc huyện Thọ Xuân… cũng như đền thờ các khai quốc công thần nhà Lê. Ngoài ra, Ban quản lý mở rộng xây dựng tour tuyến liên kết với các vùng phụ cận như suối Cá Thần Cẩm Lương (huyện Cẩm Thủy), Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc), biển Sầm Sơn… đưa khách tham quan di tích Lam Kinh; nâng cao chất lượng hướng dẫn, thuyết minh; xây dựng phòng đọc, tra cứu tư liệu về triều đại nhà Lê và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn…
Du xuân về với Lam Kinh, ngưỡng vọng công đức các bậc tiền nhân, lớp hậu thế càng trân trọng những giá trị tốt đẹp của lịch sử. Sự hiển hiện quần thể di tích uy nghi vừa là điểm đến văn hóa, lịch sử, tâm linh hấp dẫn, vừa là một minh chứng sống động cho sự tồn tại rực rỡ của một vương triều. Chứa đựng nhiều tư liệu, điển tích và vốn quý di sản văn hóa dân tộc, Khu di tích lịch sử Lam Kinh tiếp tục là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, từng bước hoàn thiện tương xứng với tầm vóc, vị thế và những đóng góp đối với lịch sử dân tộc của một triều đại dài nhất trong lịch sử Việt Nam.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/du-xuan-ve-voi-lam-kinh-post859145.html