Đưa công nghệ vào quản lý vốn chính sách
Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ về chương trình chuyển đổi số quốc gia, thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý vốn. Đặc biệt, việc đưa vào sử dụng ứng dụng Quản lý tín dụng chính sách đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp giảm tải khối lượng công việc, nâng cao tính chính xác, minh bạch, đồng thời tăng cường hiệu quả giám sát và điều hành chính sách tín dụng trên địa bàn tỉnh.
Hiệu quả rõ nét ở cơ sở

Ông Đặng Ngọc Tâm, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn ở xã Hòa An trao đổi với cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phú Hòa về ứng dụng Quản lý tín dụng chính sách. Ảnh: LÊ HẢO
Tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn Ea Mkeng (xã Ea Bar, huyện Sông Hinh) do bà Vũ Thị Thu Hằng làm tổ trưởng hiện có 49 tổ viên với tổng dư nợ hơn 4 tỉ đồng. Trước đây, công việc thu tiền lãi và gửi tiết kiệm hằng tháng luôn khiến bà Hằng mất nhiều thời gian, chưa kể rủi ro nhầm lẫn khi ghi chép thủ công.
“Trung bình mỗi tháng có khoảng một nửa số hộ đến nộp tiền tại nhà tôi, phần còn lại tôi phải đi thu tận nơi. Mỗi lần thu, phải ghi sổ, viết biên lai, rồi cộng sổ thủ công để đối chiếu vào ngày giao dịch xã, rất mất thời gian và dễ sai sót. Nhưng từ khi được hướng dẫn sử dụng ứng dụng Quản lý tín dụng chính sách trên điện thoại, mọi việc nhẹ nhàng hơn rất nhiều”, bà Hằng chia sẻ.
Theo bà Hằng, ứng dụng này cho phép tổ trưởng cập nhật thông tin giao dịch ngay khi thu tiền, dữ liệu được lưu trữ và đồng bộ trên hệ thống của ngân hàng. Nhờ đó, khi đến phiên giao dịch định kỳ tại UBND xã, việc đối chiếu, xác nhận số liệu diễn ra nhanh gọn, chính xác, tiết kiệm đến hơn 50% thời gian làm việc.
Không riêng bà Vũ Thị Thu Hằng, việc áp dụng ứng dụng Quản lý tín dụng chính sách đã giúp hơn 2.200 tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn tỉnh giảm bớt áp lực công việc, đồng thời tạo điều kiện để người dân tiếp cận thông tin tín dụng rõ ràng, minh bạch.
Ông Đặng Ngọc Tâm, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn Đông Phước (xã Hòa An, huyện Phú Hòa) cho hay: Tôi năm nay đã 64 tuổi, làm tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn khoảng 3 năm nay. Thời gian đầu, mới tiếp cận ứng dụng Quản lý tín dụng chính sách trên điện thoại thông minh, tôi rất ngần ngại. Tuy nhiên, được sự động viên, hướng dẫn của cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), tôi dần dần làm quen và nay đã sử dụng ứng dụng này thành thạo. Nhờ vậy, đến kỳ giao dịch xã, công việc thuận tiện hơn rất nhiều.
Tính đến cuối tháng 3/2025, toàn tỉnh Phú Yên có 2.239 tổ tiết kiệm và vay vốn, trong đó 100% tổ đã triển khai sử dụng ứng dụng Quản lý tín dụng chính sách. Ngoài ra, cán bộ hội đoàn thể, thành viên ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp cũng cài đặt, sử dụng ứng dụng này để phục vụ công tác quản lý vốn tín dụng chính sách hiệu quả hơn.
Tối ưu hóa công tác quản lý, điều hành tín dụng
Theo ông Hồ Văn Thục, Giám đốc NHCSXH Phú Yên, việc đưa ứng dụng Quản lý tín dụng chính sách vào sử dụng không chỉ giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho cán bộ tổ, mà còn giúp ngân hàng giám sát chặt chẽ hơn hoạt động giao dịch ở cơ sở, đặc biệt là tại các điểm giao dịch xã.
“Với ứng dụng này, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn có thể thực hiện các nghiệp vụ thu lãi, thu tiết kiệm, chuyển khoản trả nợ ngay trên điện thoại thông minh. Dữ liệu sau đó được đồng bộ với hệ thống ngân hàng, đảm bảo tính chính xác, tránh nhầm lẫn, đồng thời giúp cán bộ ngân hàng tiết kiệm thời gian xử lý tại điểm giao dịch xã”, ông Thục cho biết.
Ứng dụng còn tích hợp thông tin chi tiết về chương trình tín dụng đang triển khai, mức lãi suất, lịch trả nợ, đồng thời cho phép tra cứu lịch sử giao dịch, biên lai, dư nợ… Đây được xem là công cụ hữu hiệu giúp các tổ trưởng nắm rõ tình hình hoạt động tín dụng của tổ mình, nâng cao chất lượng quản lý, phục vụ người dân tốt hơn.
Song song với ứng dụng Quản lý tín dụng chính sách, NHCSXH Phú Yên còn triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi số như: nâng cấp hệ thống Core Banking, triển khai dịch vụ Mobile Banking thông qua ứng dụng VBSP SmartBanking; sử dụng phần mềm nhập kết quả kiểm tra và chấm điểm hoạt động ủy thác, giám sát hoạt động giao dịch xã qua Camera IP, đảm bảo tính minh bạch, an toàn trong mọi khâu hoạt động.
Việc triển khai các giải pháp công nghệ hiện đại đã giúp công tác quản lý, giám sát, điều hành vốn tín dụng chính sách tại Phú Yên trở nên minh bạch, chặt chẽ, giảm thiểu tối đa rủi ro. Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn vốn tín dụng chính sách ngày càng được mở rộng, phục vụ cho nhiều đối tượng thì việc quản lý hiệu quả dòng vốn càng có ý nghĩa lớn.
Theo ông Lê Anh Nhàn, Trưởng phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ tín dụng NHCSXH Phú Yên: “Từ đầu năm 2024, chúng tôi đã từng bước chuyển đổi phương thức quản lý từ thủ công sang số hóa. Thay vì phải lập báo cáo giấy, nay các tổ chức hội đoàn thể, thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp có thể truy cập hệ thống dữ liệu trực tuyến, theo dõi tình hình dư nợ, nợ quá hạn, tỉ lệ thu hồi vốn từng xã, từng tổ một cách trực quan, nhanh chóng”.
Việc triển khai các giải pháp công nghệ hiện đại đã giúp công tác quản lý, giám sát, điều hành vốn tín dụng chính sách tại Phú Yên trở nên minh bạch, chặt chẽ, giảm thiểu tối đa rủi ro. Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn vốn tín dụng chính sách ngày càng được mở rộng, phục vụ cho nhiều đối tượng như hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, người lao động vay vốn tạo việc làm..., thì việc quản lý hiệu quả dòng vốn càng có ý nghĩa lớn.
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/kinh-te/202504/dua-cong-nghe-vao-quan-ly-von-chinh-sach-610113e/