Đưa dệt thổ cẩm Xí Thoại 'vươn mình' khỏi buôn làng (kỳ 1)

Không chỉ là cái nôi của loại hình nghệ thuật trống đôi, cồng ba, chiêng năm đã được Bộ VHTT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thôn Xí Thoại (xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân), thôn văn hóa miền núi đầu tiên của tỉnh này còn được biết đến với nghề dệt thổ cẩm truyền thống đặc trưng của người dân tộc Ba Na Phú Yên. Sau một thời gian tưởng chừng mai một, nhờ chính sách khuyến khích bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và sự hỗ trợ của tỉnh và các sở ngành liên quan, nghề truyền thống này đã dần được khôi phục và trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của huyện miền núi Đồng Xuân, hướng đến mục tiêu 'vươn mình' ra thị trường thế giới.

KỲ 1: Làng nghề hàng trăm năm tuổi

Thôn Xí Thoại có trên 95% dân số là người dân tộc Ba Na. Nghề dệt thổ cẩm được xem là một nét đẹp truyền thống, gắn với bản sắc văn hóa của dân tộc này. Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, làng nghề này đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, thậm chí có nguy cơ mai một.

Nghề dệt thổ cẩm là một nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng người dân tộc Ba Na thôn Xí Thoại. Ảnh: NGÔ XUÂN

Nghề dệt thổ cẩm là một nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng người dân tộc Ba Na thôn Xí Thoại. Ảnh: NGÔ XUÂN

Độc đáo nghề dệt thủ công

Thổ cẩm là loại vải được dệt thủ công từ sợi có nguồn gốc từ cây lanh, bông và gai dầu. Loại vải thủ công này rất an toàn, thân thiện với môi trường và được tạo ra bởi các nghệ nhân người Ba Na tài năng của thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh từ những chiếc khung cửi thô sơ. Mỗi mẫu hoa văn được dệt vào vải phản ánh đặc điểm văn hóa độc đáo của nhóm dân tộc tại địa phương này.

Điểm đặc sắc nhất của dệt thổ cẩm Ba Na thôn Xí Thoại là bề mặt vải được dệt những ô hoa văn nổi trông giống như được thêu tay một cách rõ nét, cầu kỳ ở cả 2 mặt vải. Họa tiết trong các sản phẩm dệt thổ cẩm này là những hình khối đối xứng, phản ánh quan niệm về vũ trụ, trời - đất, âm - dương. Mỗi tấm vải thổ cẩm là một tác phẩm nghệ thuật thu nhỏ, lấy cảm hứng từ vẻ đẹp thiên nhiên, hoa lá, nơi gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt chốn núi rừng của người Ba Na. Màu sắc chủ đạo là trắng, đỏ và đen. Người Ba Na đặc biệt tôn trọng màu đen và coi nó như một biểu tượng của quyền lực tự nhiên, tượng trưng cho sức mạnh và vẻ uy nghiêm của thiên nhiên hoang dã. Còn màu đỏ biểu thị sức mạnh và tình yêu; màu trắng đại diện cho nguyện vọng và ước mơ.

Người Ba Na dùng vải thổ cẩm để may trang phục như váy áo, khố, khăn, túi... Đàn ông mặc áo chui đầu, cổ xẻ, hở ngực, cộc tay, đóng khố; phụ nữ mặc áo chui đầu, không xẻ cổ kết hợp với váy. Váy của phụ nữ Ba Na chỉ là một tấm vải đen được quấn quanh thân dưới, có tua rua hạt cườm. Những họa tiết băng trắng nằm chủ yếu phần giữa thân áo và váy; hai ống tay áo đều được trang trí hoa văn. Thắt lưng váy được dệt thêu hoa văn và tua vải hai đầu, buông thõng dài hai đầu sang hai bên hông. Vào những dịp lễ hội, các cô gái Ba Na sử dụng những bộ váy áo rực rỡ, phối thêm nhiều phụ kiện như khăn choàng, túi xách, vòng đeo tay thổ cẩm… để làm tôn lên dáng vẻ yêu kiều, thướt tha trong những điệu múa xoang mềm mại, uyển chuyển.

Nghề “mẹ truyền con nối”

Nghề dệt thổ cẩm từ lâu đã được xem là một nét đẹp truyền thống, gắn với bản sắc văn hóa của người Ba Na thôn Xí Thoại, được lưu truyền từ đời này đến đời khác theo kiểu “mẹ truyền con nối”. Các cô gái Ba Na đến tuổi trưởng thành đều được các bà, các mẹ truyền dạy cách dệt thổ cẩm và xem đây là một cách gìn giữ nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình.

Bà So Thị Nghiệp (83 tuổi), ở thôn Xí Thoại, cho biết: Thời của tôi, các chàng trai Ba Na phải khỏe mạnh, giỏi đi săn, làm rẫy; còn các cô gái Ba Na phải giỏi đan lát, dệt thổ cẩm thì mới lấy được vợ, được chồng. Những cô gái Ba Na từ 12-15 tuổi sẽ được mẹ truyền dạy cách dệt vải để may những chiếc áo váy, dệt những tấm khăn dùng trong mùa lễ hội. Dệt thổ cẩm trở thành một kỹ năng cần thiết của các cô gái khi đến tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, tùy vào sự khéo tay và khả năng sáng tạo mà người con gái Ba Na sẽ tạo ra những họa tiết khác nhau trên tấm vải và những bộ trang phục chính là “thước đo” sự đảm đang, khéo léo của các cô gái Ba Na.

Nghệ nhân La O Thị Ngọc giới thiệu sản phẩm dệt thổ cẩm của người Ba Na thôn Xí Thoại. Ảnh: THIÊN LÝ

Nghệ nhân La O Thị Ngọc giới thiệu sản phẩm dệt thổ cẩm của người Ba Na thôn Xí Thoại. Ảnh: THIÊN LÝ

Cũng là một người được kế thừa nghề dệt thổ cẩm từ thời thiếu nữ, bà Đoàn Thị Minh, 74 tuổi, đã gắn bó cả cuộc đời với khung dệt, tâm sự: Từ thuở 13, 14 tuổi, tôi đã được mẹ truyền dạy nghề dệt thổ cẩm và cuộc sống của tôi luôn xoay quanh bên chiếc khung dệt. Cứ hết mùa làm nương, làm rẫy là tôi lại ngồi dệt vải. Khi thì dệt váy áo cho mình, cho chồng con, lúc thì nhận dệt cho khách quen đặt hàng. Nhiều lúc người đặt đông quá, mình tôi làm không xuể. Con, cháu của tôi cũng được tập làm quen với khung dệt từ rất sớm. Ngày xưa, gần như các bé gái trong thôn đều được mẹ dạy cho nghề dệt, như một cách để gìn giữ văn hóa, nguồn cội của dân tộc mình. Ngày nay, không phải đứa trẻ nào cũng đam mê và có thể dệt thành thạo được như những người phụ nữ ngày trước.

Nguy cơ mai một, thất truyền

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế hàng hóa, các sản phẩm thủ công truyền thống nói chung, sản phẩm dệt thổ cẩm nói riêng dần mất đi tính cạnh trạnh, khó tìm đầu ra, khiến nhiều người bỏ quên khung dệt. Thay vì mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình, nhiều người quen dần với những bộ quần áo may sẵn của đồng bào người Kinh. Chỉ vào những dịp lễ hội mới thấy đàn ông, đàn bà, nam nữ thanh niên vận trang phục truyền thống. Và cũng chỉ còn những người phụ nữ lớn tuổi, những người thực sự tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm là còn giữ gìn và quyết tâm bảo vệ nghề truyền thống. Một thời gian dài, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Ba Na Xí Thoại đứng trước nguy cơ bị mai một.

Theo những nghệ nhân dệt thổ cẩm của thôn Xí Thoại, một trong những nguyên nhân khiến nghề dệt truyền thống bị mai một dần là do sản phẩm dệt thủ công rất khó cạnh tranh với sản phẩm dệt máy hàng loạt. Cô Nguyễn Thị Ry, chia sẻ: Tất cả các công đoạn của dệt thổ cẩm đều phải thực hiện thủ công vô cùng cầu kỳ, phức tạp. Phải mất vài tháng mới hoàn thành một bộ váy, áo truyền thống. Do vậy, giá thành sản phẩm khá cao, dao động từ 1-3 triệu đồng/sản phẩm. Trong khi đó, hiện trên thị trường có rất nhiều sản phẩm thổ cẩm được dệt bằng máy, với nhiều mẫu mã, hoa văn, kích thước rất đa dạng, giá thành thấp. Sản phẩm khó tiêu thụ nên người làm nghề dệt truyền thống rất khó để sống được với nghề.

Bên cạnh đó, việc học nghề, truyền nghề khó khăn cũng là một nguyên nhân khiến nghề dệt thổ cẩm có nguy cơ thất truyền. Theo cô La O Thị Ngọc, dệt thổ cẩm khó hơn rất nhiều so với việc dệt các loại vải khác vì phải nhớ từng con chỉ và hoa văn để thay các ống chỉ màu cho đúng. Nếu trong quá trình dệt có bị sai hay quên thì phải tháo ra và sửa ngay lại chỗ đó. Đặc biệt, đối với công đoạn vào khung, phối màu, tạo hoa văn, họa tiết cho sản phẩm thì đòi hỏi người thợ dệt phải tư duy thẩm mỹ, kỹ thuật cao. Do vậy, chỉ những người thợ có thâm niêm và có quá trình lao động lâu dài để tích lũy mới thực hiện được.

“Có thời điểm, thôn Xí Thoại chỉ còn vài ba người còn biết cách lên khung dệt, phối màu, hoa văn. Những cô gái trẻ bây giờ thường không còn đủ kiên nhẫn và chịu khó để tỉ mẩn với từng sợi chỉ, nên việc tìm người truyền nghề cũng rất khó khăn”, cô Ngọc thổ lộ.

Ông Hồ Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lãnh, cho biết: Trước nguy cơ nghề dệt thổ cẩm Xí Thoại bị mai một, thất truyền, năm 2000, Đảng ủy, UBND xã đã thành lập một tổ gồm 16 chị em giỏi nghề và đam mê với công việc dệt vải, thêu hoa. Tuy nhiên, tổ dệt này hoạt động không hiệu quả do rất khó tìm được đầu ra cho sản phẩm của làng nghề.

Theo ông Hải, để làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống không bị mai một, thì việc tạo nguồn thu nhập ổn định để người dân có thể sống được với nghề luôn là một bài toán khó của người dân cũng như chính quyền địa phương.

Có thời điểm, thôn Xí Thoại chỉ còn vài ba người còn biết cách lên khung dệt, phối màu, hoa văn. Những cô gái trẻ bây giờ thường không còn đủ kiên nhẫn và chịu khó để tỉ mẩn với từng sợi chỉ, nên việc tìm người truyền nghề cũng rất khó khăn.

Cô La O Thị Ngọc, nghệ nhân dệt thổ cẩm thôn Xí Thoại

KỲ 2: Thay “áo mới” cho làng nghề

NGÔ XUÂN - THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/436/320255/dua-det-tho-cam-xi-thoai--vuon-minh--khoi-buon-lang-ky-1.html