Đưa dệt thổ cẩm Xí Thoại 'vươn mình' khỏi buôn làng (kỳ 2)

KỲ 2: Thay 'áo mới' cho làng nghề

Người dân làng nghề dệt thổ cẩm Xí Thoại tự tin giới thiệu các sản phẩm dệt thổ cẩm cho khách hàng. Ảnh: NGÔ XUÂN

Người dân làng nghề dệt thổ cẩm Xí Thoại tự tin giới thiệu các sản phẩm dệt thổ cẩm cho khách hàng. Ảnh: NGÔ XUÂN

Trải qua chặng đường hàng trăm năm, làng nghề dệt thổ cẩm Xí Thoại đã được UBND tỉnh có quyết định công nhận vào cuối năm 2023. Đây không chỉ là sự tôn vinh và khẳng định những giá trị lịch sử - văn hóa của nghề truyền thống, mà còn ghi nhận nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương, các nghệ nhân và cộng đồng người dân Xí Thoại đối với việc duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Ba Na.

Đảng viên đi trước

Là một đảng viên cao tuổi, người gắn bó phần lớn cuộc đời với vùng đất Xí Thoại, già làng La Chí Thái là người luôn kiên trì động viên, gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của người dân tộc Ba Na thôn Xí Thoại, trong đó việc khôi phục, bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm là điều mà ông luôn canh cánh và trăn trở.

Năm nay đã bước qua tuổi 84, nhưng già làng La Chí Thái chưa bao giờ vắng mặt trong các hoạt động cộng đồng của người dân tộc Ba Na thôn Xí Thoại. Ông tâm sự: Cùng với nghệ thuật trống đôi - cồng ba - chiêng năm, nghề dệt thổ cẩm đã gắn bó và trở thành một nét đẹp truyền thống, bản sắc văn hóa của người dân tộc Ba Na ở thôn Xí Thoại. Thế nhưng, có những thời điểm vì đời sống khó khăn, người dân nơi đây gần như lãng quên mất những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc mình. Bản thân tôi thấy rất lo lắng, xót xa nên luôn động viên bà con, các con cháu nỗ lực gìn giữ cho con cháu đời sau.

Đầu xuân Giáp Thìn 2024, tại nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Xí Thoại, UBND tỉnh tổ chức Lễ hội trống đôi, cồng ba, chiêng năm và công bố quyết định công nhận làng nghề dệt thổ cẩm Xí Thoại là làng nghề truyền thống của tỉnh. Đây là niềm vui, mong mỏi của hơn 600 người dân thôn Xí Thoại trong một thời gian dài.

Cô La Thị Hát, bày tỏ: Đây là kết quả sau những nỗ lực không mệt mỏi của chính quyền địa phương cũng như các nghệ nhân, người cao tuổi trong thôn. Là một thành viên của tổ sản xuất, cùng góp sức trong việc gìn giữ và lưu truyền nghề dệt, tôi thực sự cảm thấy rất hạnh phúc, tự hào vì góp một phần bé nhỏ trong việc gìn giữ nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình.

“Bây giờ, cả nghệ thuật trống đôi, cồng ba, chiêng năm và nghề dệt thổ cẩm đều đã được khôi phục và công nhận, bà con ai nấy đều phấn khởi. Đây là kết quả của cả một quá trình mà Đảng, chính quyền các cấp đã định hướng, chung tay cùng bà con mình để bảo tồn và phát huy tốt những giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và người Ba Na nói riêng”, già làng La Chí Thái tâm đắc.

Diện mạo mới của làng nghề

Ngay sau khi được công nhận, làng nghề dệt thổ cẩm Xí Thoại đã có những bước “lột xác” ngoạn mục. Tổ dệt thổ cẩm Xí Thoại phát triển lên 40 hộ tham gia, chia thành 2 tổ sản xuất. UBND xã Xuân Lãnh phân công 1 cán bộ phụ trách làng nghề, thường xuyên gắn bó, lắng nghe và luôn sẵn sàng hỗ trợ bà con làng nghề giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động. Đồng thời tạo điều kiện cho người dân làng nghề sử dụng tạm thời Nhà văn hóa thôn Xí Thoại làm nơi trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Đây cũng là nơi để các chị em nghệ nhân sinh hoạt, sản xuất cũng như quảng bá, giới thiệu sản phẩm khi có các đoàn khách đến tham quan.

Chị Lù Minh Uyển, dân tộc Thái, là một đảng viên, cán bộ trẻ được giao phụ trách làng nghề dệt Xí Thoại. Với ưu thế của một người trí thức trẻ, năng động, chị Uyển đã vận động, hướng dẫn bà con làng nghề tận dụng các kênh mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm cũng như cách kết nối với các khách hàng tiềm năng. Chị Uyển cho biết: Chúng tôi đã lập trang facebook “Thổ cẩm Xí Thoại” để giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề; thiết kế tờ rơi, bảng giới thiệu và chào giá sản phẩm, ứng dụng QR Code trong thanh toán và giới thiệu sản phẩm…. Đặc biệt, trang facebook này hoạt động bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh để mở rộng phạm vi cung cấp thông tin cho các khách hàng tiềm năng. Thực tế, chúng tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực và cả các đơn hàng thông qua trang facebook “Thổ cẩm Xí Thoại”.

Lễ công bố quyết định công nhận Làng nghề dệt thổ cẩm Xí Thoại. Ảnh: THIÊN LÝ

Lễ công bố quyết định công nhận Làng nghề dệt thổ cẩm Xí Thoại. Ảnh: THIÊN LÝ

Chị Trần Thị Lụi, 36 tuổi, là thành viên trẻ tuổi nhất của Tổ dệt thổ cẩm Xí Thoại đã được hướng dẫn cách giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề cũng như cách tiếp cận, xử lý thông tin khách hàng. Với sự hỗ trợ tích cực của công nghệ thông tin, hoạt động của làng nghề ngày càng trơn tru, đơn giản và hiệu quả hơn. “Bình thường, chị em chúng tôi vẫn đi làm nương, làm rẫy. Khi có đơn hàng, chúng tôi sẽ tập trung lại thảo luận, lựa chọn mẫu mã, hoa văn rồi cùng nhau dệt theo mẫu khách đặt hàng. Hiện nay, nghề dệt thổ cẩm truyền thống không chỉ phải cạnh tranh với các sản phẩm dệt bằng máy, mà còn phải cạnh tranh với các làng nghề khác. Do vậy, nếu mình không tự thay đổi, không thường xuyên làm mới mình thì rất khó để tồn tại”, chị Lụi bày tỏ.

Không chỉ làm mới về hình thức, người dân làng nghề dệt thổ cẩm Xí Thoại còn chịu khó học hỏi, sáng tạo thêm nhiều mẫu mã, sản phẩm mới để đáp ứng thị hiếu của khách hàng. Nghệ nhân La O Thị Tím, cho biết: Trước đây, sản phẩm dệt thổ cẩm của người dân Xí Thoại chủ yếu là váy áo, khăn, chăn… phục vụ đời sống hàng ngày của bà con. Khách đến thăm làng nghề chủ yếu là tham quan, rất ít người mua sản phẩm. Năm 2023, tôi cùng một số nghệ nhân dệt thổ cẩm của thôn Xí Thoại được giới thiệu đi học tập, làm mới cách dệt, tạo thêm nhiều sản phẩm mới cho làng nghề. Hiện nay, làng nghề dệt thổ cẩm Xí Thoại đã làm được 20 sản phẩm, như móc chìa khóa, túi xách, ví tiền, túi đựng điện thoại, túi dây rút, túi sò, khăn choàng… với giá từ 15.000 đồng đến 3 triệu đồng/sản phẩm. Những sản phẩm của làng nghề đang được rất nhiều khách mua làm quà tặng và sử dụng.

Vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương

Để phát triển làng nghề một cách bền vững, con người luôn là yếu tố tiên quyết; đồng thời phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền địa phương.

Là người trực tiếp đồng hành với người dân Xí Thoại trong quá trình bảo tồn, gìn giữ và phát triển làng nghề dệt thổ cẩm, ông Võ Trọng Nam, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lãnh chia sẻ: Đảng ủy xã Xuân Lãnh thường xuyên định hướng, tuyên truyền để mỗi người dân làng nghề trở thành một tuyên truyền viên, hướng dẫn viên giới thiệu, quảng bá sản phẩm của làng nghề đến với du khách. Mỗi người dân nâng cao ý thức bảo vệ tốt môi trường làng nghề; xây dựng hình ảnh làng nghề thân thiện, mến khách và chuyên nghiệp.

Để đạt được mục tiêu đó, Đảng ủy, HĐND, UBND xã Xuân Lãnh đã có nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động và kế hoạch tổ chức vận động toàn dân thực hiện theo từng năm. Trong đó, xác định công tác tuyên truyền là một trong những khâu quan trọng nhằm nâng cao nhận thức về mục tiêu, ý nghĩa của chương trình; nâng cao ý thức trách nhiệm của từng người dân và cả hệ thống chính trị nhằm tạo sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân với khẩu hiệu hành động: “Chung sức, chung lòng khôi phục và phát triển làng nghề dệt thổ cẩm Xí Thoại”. Cán bộ, đảng viên được phân công theo dõi, quản lý làng nghề, thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân về các vấn đề liên quan đến phát triển làng nghề, kịp thời tham mưu với lãnh đạo địa phương hỗ trợ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc.

“Với những nỗ lực của người dân và cả hệ thống chính trị, làng nghề dệt thổ cẩm Xí Thoại đã khoác lên mình một bộ mặt hoàn toàn mới. Mỗi người dân Xí Thoại đều đang dốc sức, đồng lòng nâng cao trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của ông cha để lại. Cùng với đó là việc gìn giữ và bảo tồn các sắc màu lễ hội truyền thống, nghệ thuật trống đôi, cồng ba, chiêng năm và những điệu múa xoang uyển chuyển của các cô gái, chàng trai Ba Na. Một không gian văn hóa truyền thống đặc sắc đã được người dân Xí Thoại gìn giữ, bảo tồn và phát triển đúng hướng. Đó không chỉ là niềm kiêu hãnh, tự hào của người đồng bào dân tộc Ba Na thôn Xí Thoại, mà còn là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và người dân xã Xuân Lãnh”, ông Võ Trọng Nam khẳng định.

Với những nỗ lực của người dân và cả hệ thống chính trị, làng nghề dệt thổ cẩm Xí Thoại đã khoác lên mình một bộ mặt hoàn toàn mới. Mỗi người dân Xí Thoại đều đang dốc sức đồng lòng, nâng cao trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của ông cha để lại.

Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lãnh Võ Trọng Nam

KỲ CUỐI: Vươn ra thị trường lớn

NGÔ XUÂN - THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/76/320256/dua-det-tho-cam-xi-thoai--vuon-minh--khoi-buon-lang-ky-2.html