Đưa lễ hội Chol Chnam Thmay của người Khmer trong hành trình du lịch di sản
Sáng 25.11, tại hội trường Thành ủy Tây Ninh, hơn 50 nghệ nhân, người thực hành, học viên là đồng bào Khmer ở các huyện Châu Thành, thị xã Hòa Thành và thành phố Tây Ninh đến dự buổi tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể 'Lễ hội Chol Chnam Thmay của người Khmer trong hành trình du lịch di sản thành phố Tây Ninh, Châu Thành và Hòa Thành'. Chương trình do Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh tổ chức.
Tại đây, học viên được các báo cáo viên chia sẻ về ý nghĩa của việc gìn giữ văn hóa dân tộc; có định hướng trong việc giới thiệu, quảng bá đặc sản của địa phương, dân tộc gắn liền với phát triển du lịch trong thời gian tới như ẩm thực, không gian văn hóa…
Các học viên cũng được trang bị những kỹ năng nhằm tự phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của cộng đồng nơi họ cư trú như: nhận diện, phân tích, lựa chọn để tự giới thiệu các di sản văn hóa mà chính họ là chủ thể. Trong đó, nổi bật nhất là kỹ thuật photovoice – cộng đồng tự kể các câu chuyện văn hóa của chính mình…
Sau khi tập huấn, cộng đồng dân tộc Khmer sẽ cùng nhau truyền dạy, thực hành các bước thực hiện lễ hội Chol Chnam Thmay ngay tại Nhà văn hóa dân tộc địa phương. Việc truyền dạy do các già làng, những người uy tín trong cộng đồng hướng dẫn lại các bước cho đồng bào được hiểu rõ hơn về cách thực hiện nghi thức của lễ hội.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang- Trưởng Phòng Quản lý di sản (Cục Di sản Văn hóa) chia sẻ về ý nghĩa của dự án.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang- Trưởng Phòng Quản lý Di sản (Cục Di sản Văn hóa) chia sẻ về ý nghĩa của dự án
Ông Nguyễn Nam Giang- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, qua việc triển khai sẽ giúp cộng đồng dân tộc Khmer tự hào hơn về giá trị di sản đang nắm giữ để tiếp tục bảo vệ và phát huy; cộng đồng tích cực trao truyền, chia sẻ tri thức, kỹ năng chế tác và sử dụng nhạc cụ trong các nghi lễ, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng; xây dựng thành điểm đến du lịch để kết nối tạo hành trình du lịch di sản mang lại những lợi ích thiết thực, hỗ trợ đời sống cho cộng đồng chủ thể.
Các sản phẩm ghi âm, ghi hình và câu chuyện văn hóa của cộng đồng được mọi người tự ghi thu lại trong quá trình truyền dạy tại cộng đồng sẽ được Dự án biên tập và biến thành các sản phẩm trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.