Đua nhau mở rộng mặt bằng bán lẻ

Dù sức mua trên thị trường bán lẻ chưa thật sự tăng trưởng mạnh, song các nhà bán lẻ vẫn cạnh tranh gay gắt bằng việc đua nhau mở rộng mặt bằng.

Các trung tâm thương mại, siêu thị lớn tại TPHCM liên tục ra mắt và thu hút lượng lớn người tiêu dùng.

Các trung tâm thương mại, siêu thị lớn tại TPHCM liên tục ra mắt và thu hút lượng lớn người tiêu dùng.

Mặt bằng bán lẻ: Kênh đầu tư hấp dẫn

Mặt bằng bán lẻ tại TPHCM nói riêng và cả nước nói chung đang là một phân khúc đầu tư rất hiệu quả và có công suất hoạt động cao. Tại thị trường TPHCM và Hà Nội, mỗi thành phố có khoảng 1,5 triệu m2 diện tích bán lẻ cho thuê. Đặc biệt, công suất mặt bằng bán lẻ luôn hoạt động trên 90% trong nhiều năm qua. Điều này chứng tỏ mô hình trung tâm thương mại quy mô lớn vẫn đang giữ sức hút. Lý do, bất chấp nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu dùng của người dân vẫn được hỗ trợ bởi lãi suất thấp, tăng trưởng kinh tế cải thiện, thuế VAT giảm từ 10% xuống 8%...

Ghi nhận hiện nay, mảng đầu tư vào trung tâm thương mại quy mô lớn đang thu hút sự quan tâm và nguồn lực của nhiều gương mặt cả trong và ngoài nước như Vincom, Aeon Mall, Central Retails... hay trong tương lai dự kiến có thêm Central Pattana, thành viên khác của Central Group. Chỉ trong tháng 6/2024, Vincom Retail khai trương 3 trung tâm thương mại tại 3 tỉnh - thành.

Cụ thể, đầu tháng 6, trung tâm thương mại Vincom Megamall Grand Park tại TP Thủ Đức (TPHCM) khai trương kỹ thuật với tổng diện tích sàn là 45.255m2. Đến cuối tháng 6, hai trung tâm thương mại của Vincom Retail cũng ra mắt tại 2 tỉnh phía Bắc. Mới đây, Co.opmart Phạm Thế Hiển (quận 8) cũng ra mắt người tiêu dùng với diện tích kinh doanh gần 2.500m2. Siêu thị này cung cấp gần 20.000 mặt hàng nhu yếu gồm thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, hóa mỹ phẩm, thời trang và đồ gia dụng cùng nhiều dịch vụ tiện ích.

Co.opmart Phạm Thế Hiển là siêu thị thứ 44 trong tổng số hơn 800 điểm bán lớn nhỏ tại TPHCM của Saigon Co.op. Đối với nhà phân phối ngoại, Aeon xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm lớn thứ hai, bên cạnh Nhật Bản nên tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đầu tư. Vừa qua, Aeon thông báo khởi công trung tâm thương mại Aeon tại thành phố Tân An, Long An.

Đây chính là đại siêu thị thứ 8 của Tập đoàn Aeon tại Việt Nam và đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo JLL Việt Nam (đơn vị nghiên cứu thị trường), diện tích bán lẻ cho thuê tại TPHCM được mở rộng thêm 32.000m2 sàn từ các dự án trung tâm thương mại trong quý 2/2024. Tổng nguồn cung diện tích cho thuê tại khu vực cả trong và ngoài trung tâm là hơn 650.000m2 sàn. Tỷ lệ để trống của trung tâm thương mại ngoài trung tâm thành phố giảm xuống 4,2%, dù tỷ lệ trống tại khu trung tâm tăng nhẹ 1,4% theo quý. JLL Việt Nam dự báo, mặt bằng bán lẻ sẽ được lấp đầy vào cuối năm nhờ nhu cầu mạnh mẽ và bền vững đối với trung tâm thương mại tại trung tâm.

“Miếng bánh lớn” cần tầm nhìn bền vững

Trong bức tranh tổng thể chung, nhiều đơn vị bày tỏ lạc quan với nền kinh tế trong năm 2025. Đại diện Savills Việt Nam dự báo, tiêu dùng tại TPHCM sẽ tăng 8,4% vào năm sau. Bán lẻ hiện đại tại thành phố sẽ chiếm 50% thị phần các kênh bán lẻ. Do đó, ngành bán lẻ sẽ có nhiều cơ hội phục hồi, phát triển và mặt bằng bán lẻ tiếp tục được mở rộng.

Trước sự phát triển mạnh của thị trường bán lẻ, bà Nguyễn Cao Ngọc Dung - Quản lý cao cấp phụ trách phát triển thị trường cho dịch vụ về đo lường bán lẻ tại NielsenIQ Việt Nam nhận định: “Bán lẻ Việt Nam đang cạnh tranh khốc liệt. Tiếp cận mua sản phẩm ở kênh bán lẻ hiện nay quá đơn giản. Vì bán lẻ hiện đại liên tục mở rộng, ở một khu dân cư nhưng người tiêu dùng có thể trải nghiệm 3 - 4 loại dịch vụ bán lẻ ”.

Mặc dù đánh giá cao tiềm năng phát triển của ngành bán lẻ nhưng có nhiều yếu tố quan trọng buộc các nhà phát triển cần chú ý để các trung tâm thương mại phát triển bền vững. Các chuyên gia cho rằng, bán lẻ đang cạnh tranh khốc liệt, tuy nhiên mỗi chủ đầu tư đều có những thế mạnh riêng. Chủ đầu tư trong nước có thế mạnh lớn nhất là sự hiểu biết về người tiêu dùng cũng như quỹ đất hiện có của chủ đầu tư.

Ngược lại, chủ đầu tư nước ngoài cũng có những điểm mạnh và chiến lược riêng. Đa phần nhà đầu tư nước ngoài là đơn vị bán lẻ lâu năm và có tiếng trong thị trường khu vực, vì vậy khi vào thị trường Việt Nam vẫn giữ nguyên thế mạnh đó. Ngoài ra, kinh nghiệm và thương hiệu đóng vai trò lớn trong việc phát triển và vận hành của nhà bán lẻ nước ngoài. Ngược lại, đối với nhà phân phối trong nước thế mạnh chủ yếu là quỹ đất. Quỹ đất giúp doanh nghiệp bao phủ trong lĩnh vực bán lẻ.

Một thực tế khác cho thấy, mỗi nhà bán lẻ chuyên nghiệp sẽ tạo ra cách vận hành khá đặc thù và nhất quán. Qua nghiên cứu với mô hình hoạt động của các trung tâm thương mại, bà Từ Thị Hồng An - Giám đốc Cấp cao Bộ phận cho thuê thương mại Savills TPHCM nhận thấy, có sự dịch chuyển trong ngành hàng để phù hợp hơn với nhu cầu thực tế của người tiêu dùng. Đó là sự gia tăng tỷ trọng các ngành hàng về ăn uống, trong khi đó ngành hàng thời trang có xu hướng giảm. “Sự phát triển đa dạng của các kênh bán hàng khác như: giải trí, chăm sóc sức khỏe... ở trong một số trung tâm thương mại đáp ứng nhu cầu thực tế của người tiêu dùng” - bà An đánh giá.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 8 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4,148.4 ngàn tỷ đồng, tăng 8.5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 10.3%). Doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương như sau: Quảng Ninh tăng 10.6%; Hải Phòng tăng 9.3%; Cần Thơ tăng 7.7%; Đà Nẵng tăng 7.6%; TPHCM tăng 6.8%, Hà Nội tăng 6.3%.

THANH GIANG

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dua-nhau-mo-rong-mat-bang-ban-le-10289522.html