Đưa ra giải pháp để phát triển Ngành lý luận, phê bình sân khấu hiện nay

Sáng 11/6, tại Hà Nội, Hội sân khấu Hà Nội tổ chức Hội thảo chủ đề 'Thực trạng và giải pháp của lý luận phê bình sân khấu hôm nay'.

Ngành lý luận, phê bình sân khấu là ngành khó...

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, PGS. TS Trần Trí Trắc cho rằng, lý luận, phê bình sân khấu - là một chuyên ngành đặc biệt. Đặc biệt vì nó mang trong mình cả tư duy hình tượng lẫn tư duy lôgic. Nếu không có khả năng tư duy hình tượng thì nhà lý luận, phê bình sân khấu sẽ thấu hiểu, đồng hành làm sao với sáng tạo của các nghệ sĩ, để rút ra những quy luật khách quan thuyết phục nghệ sĩ. Cho nên, nhà lý luận, phê bình sân khấu cũng là “nghệ sĩ” như mọi nghệ sĩ, để có tiếng nói của nghệ sĩ bằng tư duy lôgic trong các hình tượng nghệ thuật sân khấu.

Năng khiếu bẩm sinh của nhà lý luận, phê bình sân khấu không chỉ ở khả năng phát hiện, phản biện, lý giải, mà còn cả tính trung thực. Tính trung thực này đòi hỏi nhà lý luận, phê bình sân khấu không biết cong lưng, uốn gối, khuất phục trước cường quyền, tiền bạc để nói “nửa sự thật” làm vừa lòng nghệ sĩ non kém, tầm thường. Bởi vì, họ nói “nửa sự thật” là tự hủy diệt chính mình.

 PGS. TS Trần Trí Trắc phát biểu khai mạc và trình bày tham luận tại hội thảo.

PGS. TS Trần Trí Trắc phát biểu khai mạc và trình bày tham luận tại hội thảo.

"Ngành lý luận, phê bình sân khấu là ngành khó và trở thành một nhà lý luận, phê bình sân khấu lại càng khó hơn. Nghệ thuật sân khấu hôm nay và mai sau không thể không có lý luận, phê bình sân khấu và thiếu lý luận, phê bình sân khấu - là một khiếm khuyết lớn của tất cả những ai tạo nên nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam", PGS. TS Trần Trí Trắc nhấn mạnh.

PGS. TS Trần Trí Trắc đưa ra ví dụ ở Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam có một Ban Lý luận, Phê bình sân khấu (không lương), nhưng lại mang chức năng: tư vấn cho Ban Chấp hành Hội về thực hiện Điều lệ Hội. Ngay Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương cũng chỉ là cơ quan mang chức năng: Hội chính trị nghề nghiệp xã hội – tư vấn cho Ban Tuyên giáo Trung ương, chứ không mang chức năng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật.

"Nhà nước hãy chọn một đầu việc trong muôn vàn nhiệm vụ phục hưng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nói chung và nghệ thuật sân khấu nói riêng để thực hiện một cách thiết thực (như đào tạo đội ngũ lý luận, phê bình sân khấu chuyên nghiệp để làm nghề chuyên nghiệp, vì không có nhà lý luận, phê bình chuyên nghiệp thì mọi lời bàn về lý luận, phê bình sân khấu sẽ trở thành vô duyên, vô lý!); giao cho một cơ quan, tổ chức cụ thể với không gian, thời gian nhất định thực hiện và có kiểm tra, có chính sách, có tổng kết, có hiệu quả cụ thể", PGS. TS Trần Trí Trắc nói thêm.

Cần có những nhà hoạt động sân khấu rành về Lý luận Phê bình

Trình bày vài nét về mối quan hệ giữa lý luận phê bình sân khấu với nghệ thuật biểu diễn, NSND. Bùi Thanh Trầm cho biết: "Chế độ nhuận bút dành cho phê bình văn học, nghệ thuật cũng là một trong những yếu tố khách quan ảnh hưởng đến công tác phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay. Học phê bình văn học, nghệ thuật đã khó, đi xin việc cũng không dễ dàng (nhiều người học lý luận-phê bình văn học, nghệ thuật phải làm trái nghề), đồng lương có lẽ cũng chẳng nhiều nhặn gì nếu so với các công việc khác trong xã hội. Vì vậy, chỉ những ai thực sự yêu nghề mới theo nghề".

Từ đó, NSND. Bùi Thanh Trầm đề xuất một số giải pháp sau: Một là, về quản lý, các cán bộ quản lý phải thấy rõ tầm quan trọng của lý luận phê bình văn học, nghệ thuật có giá trị, có chất lượng để có khả năng tổ chức hoạt động cuốn hút công chúng, dẫn dắt để họ phát huy năng lực và có tác động tới sáng tác. Đó là cách triển khai nhiệm vụ chính trị có hiệu quả nhất.

 Quang cảnh hội thảo sáng nay.

Quang cảnh hội thảo sáng nay.

Hai là, về đào tạo, cần tăng cường chất lượng đào tạo sinh viên, nhất là sinh viên các chuyên ngành nghệ thuật. Hiện nay, các trường nghệ thuật rất ít thí sinh đăng ký dự tuyển vào các lớp phê bình. Thậm chí, có những khóa, hễ thí sinh nào đăng ký dự tuyển là được học mà vẫn không đủ chỉ tiêu đào tạo. Riêng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh những năm gần đây đã không mở được chuyên ngành lý luận-phê bình vì không có thí sinh đăng ký dự tuyển.

Bên cạnh đó, đối với các phóng viên, biên tập viên đang công tác thì nên có quy chế đào tạo, nâng cao trình độ tại chỗ bằng cách tạo điều kiện cho đi học thêm văn bằng 2 hoặc các lớp ngắn hạn chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực mà họ phụ trách.

Ba là, cần thay đổi chế độ nhuận bút quá “bèo bọt” cho các bài phê bình, nghiên cứu văn học, nghệ thuật hiện nay.

Cũng tại hội thảo, tác giả Lê Quý Hiền cho rằng, hoạt động phê bình lý luận sân khấu hiện nay quả là khó. Các GS, TS chuyên nghiên cứu về sân khấu thường viết dài cho thấu đáo và chỉ đăng được trên tạp chí trong khi báo chí rất ngặt nghèo về số chữ, diện tích trên trang báo. Bài trong tạp chí khi ra dễ nguội khi vở diễn không còn diễn.

Các phóng viên sân khấu quá hiếm thường do tốt nghiệp trường báo chí về báo được tòa soạn phân công về ban VHNT mà kiến thức Lý luận Phê bình sân khấu hầu như ít được trang bị. Sẽ thường là những bài tóm tắt nội dung với những “NS A-B-C với lối diễn mượt mà, khai thác chiều sâu nội tâm nhân vật”, “Tác giả và đạo diễn đã gặp nhau trong ý tưởng”…rất chung chung mà không chỉ ra được mượt mà thế nào, khai thác chiều sâu nhân vật ra sao hoặc sự gặp nhau giữa tác giả -đạo diễn là gì chưa kể cần phát hiện ra thông điệp tác phẩm thông qua vở diễn vốn không nằm trong câu chữ nào tác tác phẩm.

Mặt khác, khác với văn học, điện ảnh, việc tiếp cận tác phẩm của nhà báo, nhà phê bình có phần thoải mái và không bị ràng buộc hơn trong lĩnh vực sân khấu. Thích và quan tâm thì mua sách, mua vé chứ chưa thấy nhà báo, nhà phê bình sự kiện nào mua vé vào xem ngoài giấy mời, lời mời. Đêm diễn không như sách trên quầy, tìm chả dễ nếu không có thông báo của bạn bè.

 TS.Trần Thị Minh Thu, khách mời trình bày tham luận tại hội thảo.

TS.Trần Thị Minh Thu, khách mời trình bày tham luận tại hội thảo.

"Các nhà sáng tạo và nhà báo, nhà phê bình như trong 1 làng, quen biết thân thiết nhau cả nên bài báo ra thấy tinh khen rất chung chung. Không biết vì nể nang nhau, vì thiếu hiểu biết Lý luận Phê bình sân khấu hay vì bệnh thành tích, viết chê 1 chút là nhà hát không mời, chưa kể bạn bè có khi không nhìn mặt nhau...", tác giả Lê Quý Hiền nói.

Một nguyên nhân thiếu vắng Lý luận Phê bình sân khấu hiện nay còn do hoàn cảnh, quan niệm các đơn vị sân khấu trọng về vở ăn khách với mục tiêu doanh thu. Một số (tuy không nhiều) sáng tạo vì thù lao hơn là vì nghệ thuật dẫn đến sự dễ dãi, mỳ ăn liền không như những vở diễn xưa dàn dựng cả đôi ba tháng, đạo diễn bàn cùng tác giả, phân tích nhân vật cùng diễn viên...

"Để lý luận phê bình Sân khấu thực sự có vai trò thiết nghĩ các đơn vị sân khấu, các hội đồng nghệ thuật cần có những nhà hoạt động sân khấu rành về Lý luận Phê bình, có trình độ, hiểu biết những vấn đề cơ bản của tác phẩm dưới góc độ khoa học và thực tiễn. Điều cần thiết nhất của Lý luận Phê bình sân khấu này là giúp ê kip sáng tạo bảo đảm đươc tính thống nhất của vở diễn, nhấn được thông điệp của tác phẩm...", tác giả Lê Quý Hiền nhấn mạnh.

Xuyên suốt hội thảo, các NSND, NSƯT, khách mời cùng nhau trình bày tham luận để đưa ra những quan điểm, thực trạng và giải pháp để tìm ra hướng đi mới cho sự phát triển của Lý luận phê bình sân khấu ngày nay và hướng đi cho sự phát triển của Hội Sân khấu Hà Nội.

Bài và ảnh: Trung Nguyễn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dua-ra-giai-phap-de-phat-trien-nganh-ly-luan-phe-binh-san-khau-hien-nay-post298843.html