Đưa vào khai thác 10,4 km dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành
Ngày 7/2, tại trạm thu phí Bến Lức - Long Thành, tỉnh Đồng Nai, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tổ chức Lễ thông xe đưa vào khai thác một số đoạn tuyến thuộc Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành với tổng chiều dài 10,4 km.
Theo đó, đoạn phía Tây dài 3,4 km từ cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) - Trung Lương (nút giao Mỹ Yên thuộc địa phận huyện Bến Lức, Long An) đến Quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh, TP.HCM).
Đoạn phía Đông dài 7 km qua tỉnh Đồng Nai, từ nút giao Phước An (xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) đến Quốc lộ 51 (xã Phước Thái, huyện Long Thành).
Trước đó, vào ngày 23/1 nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, VEC đã đưa hai đoạn tuyến trên vào khai thác tạm.
![Các đại biểu làm nghi thức thông xe hai đoạn tuyến thuộc cao tốc Bến Lức - Long Thành.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_310_51422108/5e7052e46baa82f4dbbb.jpg)
Các đại biểu làm nghi thức thông xe hai đoạn tuyến thuộc cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Phát biểu tại Lễ thông xe, ông Trương Việt Đông - Chủ tịch Hội đồng thành viên VEC khẳng định, trong thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các khó khăn, vướng mắc của dự án về nguồn vốn do một số thay đổi về cơ chế chính sách, quy định pháp luật đã được tháo gỡ kịp thời. Nhờ đó, dự án tiếp tục được bố trí vốn, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án để về đích đúng kế hoạch.
Theo kế hoạch, đoạn tuyến phía Tây (đoạn từ Km3+420 ÷ Km21+739,5) và đoạn tuyến phía Đông (đoạn từ Km35+900 ÷ Km50+530) dự kiến cũng hoàn thành thi công trước ngày 30/4/2025.
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ thông xe, ông Nguyễn Ngọc Cảnh - Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá, việc đưa vào khai thác tạm thời hai đoạn tuyến thuộc Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành không chỉ đánh dấu mốc quan trọng trong nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, mà còn được xem như cánh én mùa xuân, kỳ vọng một năm đầy khởi sắc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, sản xuất kinh doanh của VEC.
Đặc biệt, sau khi Tổng công ty được xem xét, chấp thuận việc tăng vốn điều lệ Công ty mẹ lên gần 40 nghìn tỷ đồng, sẽ là bàn đạp cho VEC phát huy nội lực, bước vào kỷ nguyên vươn mình cùng dân tộc.
![Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành là công trình trọng điểm quốc gia thuộc trục cao tốc Bắc - Nam, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có tổng chiều dài 57,8 km.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_310_51422108/a0ceae5a97147e4a2705.jpg)
Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành là công trình trọng điểm quốc gia thuộc trục cao tốc Bắc - Nam, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có tổng chiều dài 57,8 km.
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh cũng đề nghị VEC ngay sau Lễ thông xe với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “3 ca, 4 kíp”, tiếp tục khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực lớn, quyết tâm cao, phấn đấu đưa phần còn lại của đoạn tuyến phía Đông và phía Tây Dự án vào khai thác trước ngày 30/4 năm nay, tiến tới thông xe toàn tuyến vào năm 2026.
Đồng thời với vai trò là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, thay mặt Lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh biểu dương những nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể lãnh đạo và toàn thể cán bộ, nhân viên, người lao động VEC trong nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành và đưa Dự án vào khai thác, đảm bảo tiến độ, chất lượng, đáp ứng lòng mong mỏi của người dân.
Được biết, dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành là công trình trọng điểm quốc gia thuộc trục cao tốc Bắc - Nam, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có tổng chiều dài 57,8 km, đi qua 3 tỉnh, thành phố, trong đó tỉnh Long An (2,7 km), TP.HCM (26,4 km) và Đồng Nai (28,7 km), tổng mức đầu tư là 29.587 tỷ đồng, Dự án sử dụng các nguồn vốn: vay JICA, vay ADB, vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước và vốn VEC thu xếp.
Sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ kết nối giao thông Miền Tây và Vùng Đông Nam Bộ, giảm áp lực đáng kể cho giao thông trong Vùng, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là vùng Đông Nam Bộ.