Đức nâng mức tiêu thụ khí đốt quốc gia lên tình trạng 'nguy cấp'
Mặc dù các cơ sở dự trữ khí đốt của Đức đã đạt 100% công suất chứa từ đầu mùa Đông, tuy nhiên, thời tiết giá lạnh bất thường trong tháng 12 đang đe dọa mục tiêu tiết kiệm 20% lượng tiêu thụ.
Nhiệt độ băng giá trong những tuần qua đã buộc Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức phải nâng mức tiêu thụ khí đốt quốc gia từ “căng thẳng” lên “nguy cấp” trong bối cảnh nguồn cung khí đốt của Đức bị cắt giảm liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine, buộc nước này phải tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế và theo dõi chặt chẽ hơn nguồn cung cho mùa Đông.
Mặc dù các cơ sở dự trữ khí đốt của Đức đã đạt 100% công suất chứa từ đầu mùa Đông, tuy nhiên, thời tiết giá lạnh bất thường trong tháng 12 đang đe dọa mục tiêu tiết kiệm 20% lượng tiêu thụ so với những năm trước. Tuần trước, nhiệt độ trung bình trong cả nước lạnh hơn 2,7 độ C so với cùng thời điểm những năm trước, đã khiến việc sử dụng khí đốt tăng lên đột biến và tiết kiệm năng lượng chỉ đạt 12% so với mục tiêu đặt ra.
Vì vậy, trong Kế hoạch Khẩn cấp về Khí đốt, Cơ quan Mạng lưới Liên bang đã nâng mức tiêu thụ khí đốt từ “căng thẳng” lên “nguy cấp” hồi tuần trước. Tiêu thụ gas là một trong năm chỉ số được cơ quan này sử dụng để theo dõi tình hình tình hình năng lượng.
Trước đó, theo số liệu của Cơ quan dự báo thời tiết Đức (DWD), tháng 9 tương đối mát mẻ, trong khi tháng 10 và tháng 11 ấm hơn mức trung bình, điều này giúp các cơ sở dự trữ khí đốt đạt 100% công suất chứa trước thời hạn. Tuy nhiên, với nền nhiệt trung bình trên trong tháng 12 là âm 1,4 độ C, Đức trở thành nước có mùa Đông lạnh nhất kể từ năm 2010 so với mức trung bình dài hạn.
Tuy nhiên, trong những ngày tới, nhiệt độ sẽ tăng trở lại trên khắp cả nước và đến cuối tuần, dự kiến khu vực sẽ có nhiệt độ trung bình từ 12 đến 15 độ C.
Trong khi đó, Trung tâm Truyền thông Khoa học (SMC) dự báo Đức có thể vượt qua mùa Đông nếu đạt mục tiêu tiết kiệm 20% khí đốt, lượng nhập khẩu không giảm quá nhiều và mùa Đông cũng không trở nên quá lạnh.
Theo dự báo đầu tiên và có phần bi quan, dự trữ khí đốt của Đức có thể trống rỗng vào đầu tháng 3/2023 nếu mức tiêu thụ giống mức trung bình ghi nhận trong giai đoạn 2018 - 2021 và Đức trải qua một mùa Đông lạnh giá. Các tính toán chỉ ra rằng, chỉ khi nhiệt độ vừa phải trong mùa Đông và dự trữ khí đốt vẫn được duy trì, Đức mới có thể vượt qua mùa Đông mà không phải tiết kiệm.
Trong kịch bản thứ hai, Đức có cơ hội tốt hơn để vượt qua mùa Đông mà không bị thiếu năng lượng nếu khí đốt tiêu thụ ít hơn 10% so với những năm trước. Nhưng cũng với điều kiện tiên quyết là mùa Đông không quá lạnh và tỷ lệ khí đốt nhập khẩu so với xuất khẩu vẫn gần như trong những tháng gần đây.
Trong kịch bản thứ ba, Đức sẽ trải qua mùa Đông không bị thiếu khí đốt, ngay cả khi mùa Đông lạnh giá và lượng khí đốt được sử dụng ít hơn 20% so với những năm trước. Nếu Đức rơi vào tình trạng thiếu khí đốt nghiêm trọng, bộ kinh tế có thể tuyên bố một cuộc khủng hoảng ở cấp độ “khẩn cấp”./.