Đừng để con em mình là hậu quả của việc do dự, chống đối tiêm vaccine

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Kiến Ngãi, Trưởng Khoa Dự phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương cảnh báo, nếu tiếp tục do tự tiêm vaccine và có thái độ 'anti' vaccine, thì hậu quả với trẻ em rất khôn lường.

Vaccine sởi. (Ảnh: BVCC)

Vaccine sởi. (Ảnh: BVCC)

Hà Nội ghi nhận một trường hợp tử vong do mắc sởi là bé gái 4 tuổi, có tiền sử chưa tiêm vaccine phòng sởi. Mặc dù đã 4 tuổi, nhưng trẻ mới chỉ được tiêm một liều vaccine viêm gan ngay sau sinh và một mũi vaccine BCG trong vài tuần sau đó. Tất cả các vaccine cần thiết để chống lại các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, trẻ đều không được tiêm.

Ghi nhận của phóng viên tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, nhiều bà mẹ chưa thật sự quan tâm đến lịch sử tiêm chủng của con. Có mẹ biết phải cho con đi tiêm sởi, nhưng mặc định là trẻ phải từ 9 tháng. Trong khi từ cuối năm 2024, Bộ Y tế đã cho phép vaccine có thể tiêm sớm từ 6 tháng tuổi đến dưới 9 tháng tuổi. Đây được tính là mũi sởi 0 tức mũi chống dịch, sau đó trẻ cần hoàn thành các mũi sởi tiếp theo theo phác đồ thông thường.

Trước thực tế bỏ rơi nhiều mũi tiêm chủng, bác sĩ nghi ngờ bệnh nhi là nạn nhân của tình trạng do dự hoặc chống đối vaccine.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), do dự vaccine là tình trạng chần chừ hoặc từ chối tiêm vaccine mặc dù vaccine đã có sẵn. Đây là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu.

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Kiến Ngãi phân tích, nguyên nhân phổ biến của do dự vaccine có thể kể đến gồm: Một bộ phận trong cộng đồng thiếu thông tin hoặc hiểu sai về vaccine như lo lắng về an toàn, tác dụng phụ, hay chưa bị thuyết phục về hiệu quả của vaccine; tâm lý chủ quan cho rằng bệnh truyền nhiễm hiện nay đã hiếm gặp hoặc không nguy hiểm; ảnh hưởng tiêu cực của truyền thông và mạng xã hội, từ những thông tin giả, thông tin sai lệch.

Bên cạnh đó, do dự vaccine có thể do những ảnh hưởng từ tôn giáo, văn hóa, niềm tin cá nhân (như quan điểm để mọi thứ diễn ra theo tự nhiên); hoặc từ một vấn đề cá nhân, riêng biệt nào đó làm họ mất niềm tin vào hệ thống y tế.

"Do dự vaccine làm cho bản thân cá thể không được tiếp nhận vaccine có nguy cơ nhiễm bệnh cao và nếu nhiễm bệnh sẽ có diễn biến nặng nề, điều trị khó khăn, thậm chí nguy hiểm tính mạng, nhất là khi gặp tác nhân gây bệnh nguy hiểm. Đối với cộng đồng, do dự vaccine làm giảm tỷ lệ bao phủ vaccine, tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh (thí dụ: sởi, ho gà, Covid-19…). Do dự vaccine là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây quá tải cho hệ thống y tế khi dịch bệnh quay lại", bác sĩ Ngãi cảnh báo.

Bệnh nhân mắc sởi nằm tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Bệnh nhân mắc sởi nằm tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Ngoài ra, có thực trạng là có những nhóm người trong cộng đồng hoàn toàn bác bỏ vaccine và tích cực tuyên truyền chống vaccine, thường dựa trên những thông tin sai lệch.

Đặc điểm và hành động của nhóm này là phủ nhận hoàn toàn hiệu quả của vaccine; lan truyền thuyết âm mưu (như vaccine gây tự kỷ, vô sinh, giảm dân số,…), đặc biệt là tận dụng mạng xã hội để gây ảnh hưởng xấu trong cộng đồng.

Chống đối vaccine là một tình trạng cực đoan hơn cả do dự vaccine và có tác động rất tiêu cực. Chính vấn đề này làm “lây lan” gia tăng sự do dự tiêm chủng trong cộng đồng. Chống đối vaccine là nguyên nhân gián tiếp gây ra các đợt bùng phát dịch bệnh.

Chuyên gia này nhấn mạnh, tình trạng do dự vaccine và chống đối vaccine đang là mối quan tâm toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ lệ tiêm chủng và sức khỏe cộng đồng.

Trên thế giới, theo báo cáo của UNICEF, trong hơn ba năm đại dịch Covid-19, có 67 triệu trẻ em trên toàn cầu bị bỏ lỡ một hoặc nhiều liều vaccine do gián đoạn dịch vụ tiêm chủng, hệ thống y tế quá tải và thông tin sai lệch.

Tại Việt Nam, hiện chưa có nhiều điều tra và nghiên cứu về tình trạng do dự hoặc chống đối vaccine. Nhưng thực tế, trên mạng xã hội có làn sóng “anti vaccine”. Trong đó, các nhóm kêu gọi không tiêm chủng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của cộng đồng.

Chuyên gia này nhấn mạnh, việc đối phó với tình trạng do dự và chống đối vaccine đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan y tế, truyền thông và cộng đồng để bảo đảm sức khỏe cho toàn dân. Cần xem xét đưa vấn đề do dự và chống đối vaccine như một vấn đề sao nhãng với sức khỏe và quyền lợi của trẻ em.

MẠNH TRẦN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dung-de-con-em-minh-la-hau-qua-cua-viec-do-du-chong-doi-tiem-vaccine-post868075.html