Dựng nền tảng pháp lý cho mô hình hải quan số

Việc triển khai xây dựng thành công mô hình quản lý hải quan thông minh, hải quan số là một nhiệm vụ trọng tâm đang được Tổng cục Hải quan tập trung trong thời điểm hiện nay. Để thành công, việc đầu tiên cần làm chính là hoàn thiện cơ sở pháp lý.

Phát sinh vướng mắc không còn phù hợp

Hiện nay, việc triển khai thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan và kiểm soát hải quan đang được thực hiện theo Nghị định số 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hải quan về vấn đề này và Nghị định số 59/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08.

Để đáp ứng các mục tiêu đặt ra khi xây dựng mô hình hải quan thông minh, hải quan số, 2 văn bản trên đã đến lúc cần sửa đổi, bổ sung.

Theo ông Đào Duy Tám - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan, một số vướng mắc đã bộc lộ sau một thời gian thực hiện khiến một số quy định không còn phù hợp với thực tế công tác quản lý hiện nay, hoặc chồng chéo với các quy định mới được ban hành.

Ngành Hải quan chủ động đề xuất sửa đổi các quy định nhằm đáp ứng các mục tiêu xây dựng mô hình hải quan thông minh, hải quan số. Ảnh: Hồng Vân

Đặc biệt hiện nay, thực hiện Quyết định số 97/QĐ-BTC ngày 26/1/2021 của Bộ Tài chính về việc phê duyệt chủ trương thuê dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) thực hiện hải quan số, Tổng cục Hải quan đang xây dựng mô hình quản lý hải quan thông minh, hải quan số gắn với triển khai Đề án Tái thiết kế hệ thống công nghệ tổng thể ngành Hải quan và khung Chiến lược phát triển hải quan trên cơ sở quản lý tập trung, ứng dụng những thành tựu công nghệ mới, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu quản trị thông minh, tạo thuận lợi thương mại, khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ, trao đổi dữ liệu hải quan với các bên liên quan.

Do vậy, việc tiến hành sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08 và Nghị định số 59 càng trở nên quan trọng. Nghị định sửa đổi sẽ kế thừa các nội dung hiện đang thực hiện ổn định, không có vướng mắc phát sinh; bổ sung các nội dung sửa đổi nghị định gốc là Nghị định số 08.

Dự thảo nghị định được xây dựng sẽ thống nhất các nội dung trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành như: Luật Quản lý thuế; Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế; Nghị định số 85/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 quy định thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Cùng với đó là Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/1/2021; Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế; Nghị định số 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Đồng thời, việc sửa đổi nghị định cũng giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, đảm bảo tính minh bạch trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh phương tiện vận tải và phù hợp với xu hướng tổ chức các sự kiện thể thao, văn hóa lớn mang tầm cỡ quốc tế tại Việt Nam; Khung tiêu chuẩn về an ninh an toàn SAFE của Tổ chức Hải quan thế giới.

Còn nhiều việc phải làm

Với tinh thần trên, Tổng cục Hải quan đã hoàn thiện dự thảo tờ trình Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành.

Ông Đào Duy Tám cho biết, sau khi dự thảo nghị định được ký ban hành, Cục Giám sát quản lý về hải quan sẽ khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện, trình lãnh đạo Tổng cục, lãnh đạo Bộ ký ban hành dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2015/TT-BTC; quyết định thay thế Quyết định số 1966/QĐ-TCHQ về ban hành quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Cùng với đó là Quyết định số 1810/QĐ-TCHQ ngày 15/6/2018 về ban hành quy trình kiểm tra, tham vấn và xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong quá trình làm thủ tục hải quan; Quyết định 1921/QĐ-TCHQ ngày 28/6/2018 về ban hành quy trình phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Quyết định số 2999/QĐ-TCHQ ngày 6/9/2017 về ban hành quy chế kiểm định, phân tích hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Ngoài ra, do dự thảo nghị định có một số nội dung thay đổi về thủ tục hải quan và chính sách quản lý so với quy định hiện hành, nên Cục Giám sát quản lý về hải quan sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc cơ quan Tổng cục để tổ chức hội thảo tập huấn giới thiệu cho công chức hải quan và doanh nghiệp để thống nhất thực hiện, tránh các vướng mắc phát sinh khi nghị định có hiệu lực thi hành.

Áp dụng quản lý thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan theo chuỗi

Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 đưa ra mục tiêu về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, sẽ áp dụng phương pháp quản lý theo chuỗi: Triển khai mô hình quản lý chuỗi cung ứng tích hợp theo hướng dẫn tại Khung an ninh và tạo thuận lợi thương mại (SAFE) của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO); quản lý theo chuỗi giá trị đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về Hải quan đối với toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đồng thời, nghiên cứu, từng bước triển khai thực hiện bảo hiểm bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; tái thiết kế hệ thống quy trình thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan làm cơ sở để xây dựng mô hình Hải quan số theo kiến trúc chính phủ số, hải quan thông minh theo khuyến nghị của WCO với mức độ số hóa và tự động hóa ngày càng cao.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dung-nen-tang-phap-ly-cho-mo-hinh-hai-quan-so-108605.html