Dựng nêu đón Tết Nguyên đán ở hoàng cung
Sáng 22/1 (23 tháng chạp âm lịch), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tái hiện lễ dựng nêu đón Tết bên trong Hoàng cung Huế theo đúng lễ nghi cung đình dưới triều Nguyễn.
Trong đời sống cung đình xưa, lễ dựng nêu (hay còn gọi là Thướng Tiêu) như để báo hiệu ngày Tết đã tới. Chữ Tiêu trong Thướng tiêu có nghĩa là “ngọn cây” nơi cao nhất dễ nhìn thấy. Trước ngày Tết, triều đình làm lễ Thướng tiêu tức lễ “lên nêu” để đánh dấu cho biết ngày Tết đã tới. Mục đích ban đầu để mừng ngày Tết, rồi sau đó cúng những Thần linh để phù hộ cho người nhà được bình an, cầu tổ tiên phù hộ cho con cháu, ngoài ra còn để trừ tà ma gây hại. Triều đình dựng nêu cũng để cầu cho mưa thuận gió hòa, cho dân chúng làm ăn thuận lợi.
Ngày nay, nghi lễ này được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tái hiện lại thường niên vào mỗi dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Lễ dựng nêu bắt đầu với các nghi tiết tại Triệu Tổ Miếu, sau đó là nghi thức rước nêu. Đoàn người gồm quân lính, kèn nhạc, cờ lọng… cùng rước một cây nêu dài hơn 15m đi từ cửa Hiển Nhơn đến Ngọ Môn, qua điện Thái Hòa rồi dừng lại tại Thế Tổ Miếu và thực hiện lễ dựng nêu với các nghi tiết tương tự.
Buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm kèm lễ nhạc cung đình nên thu hút rất đông du khách tham quan Hoàng cung Huế tham gia. Nêu sẽ được treo đến ngày mùng 7 tháng giêng âm lịch và triều đình sẽ làm lễ hạ nêu, bắt đầu cho một năm làm việc mới.
Không chỉ phổ biến ở Cố đô Huế, khắp mọi miền đất nước ngày nay vẫn còn duy trì tục lệ này, đó thật sự là một nét đẹp trong truyền thống tâm thức người Việt.