Rộn ràng ngày đưa ông Táo về trời
Ngày 23 tháng Chạp, không khí tết đã ngập tràn khắp các nẻo đường. Người người tất bật mua sắm, chuẩn bị mâm cúng đưa ông Công, ông Táo về trời. Đây không chỉ là ngày tiễn đưa các vị thần bếp lên chầu trời mà còn là dịp để mỗi gia đình sửa soạn lại tổ ấm đón một năm mới hạnh phúc.
Trong quan niệm của người Việt, ngày này, ông Công, ông Táo sẽ cưỡi cá chép chầu trời để thưa với Ngọc Hoàng về những điều đã xảy ra trong năm cũ, vì vậy mâm cúng thần cần đầy đủ để thể hiện lòng thành kính. Trong đó, lễ vật thường là giấy tiền vàng bạc, cá chép, bộ đồ đưa ông Táo, hoa tươi và các món cúng phổ biến như xôi, chè, gà luộc, thịt heo,...
Tại miền Nam, mâm cúng thường đơn giản với các món ăn hàng ngày và đi kèm thêm một dĩa bánh kẹo.
Chuẩn bị mâm cúng đưa ông Táo, bà Nguyễn Thị Tuyết Hoa (xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An, tỉnh Long An) chú trọng lựa chọn hoa quả tươi ngon, thực phẩm chất lượng.
Bà Hoa cho biết: “Năm nay, tôi chuẩn bị mâm cúng với trái cây, hoa vạn thọ, vàng mã và làm một mâm cơm để cúng đưa ông Táo. Mặc dù năm nay tết đến sớm, nhưng tôi vẫn tranh thủ thời gian để chuẩn bị tươm tất, cầu mong kết thúc năm cũ bình an và đón năm mới nhiều điều may mắn”.
Theo bà Hoa, năm nay, giá cả thực phẩm, hoa quả không tăng nhiều, các lễ vật cúng đưa ông Táo cũng không cần quá cầu kỳ, phức tạp mà quan trọng là lòng thành của người cúng.
Tại ấp Bình Thạnh 2, xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, gia đình bà Đỗ Thị Phượng cũng tổ chức ngày đặc biệt này với nhiều nghi thức trang trọng, bày tỏ lòng thành kính đến các vị thần linh bảo vệ gia đình trong suốt một năm qua.
Bà Phượng cho biết: “Ngày đưa ông Táo về trời không chỉ là nghi lễ tâm linh, mà còn là dịp để gia đình tụ họp, cùng nhau nhớ đến tổ tiên và ăn mừng những kỳ vọng mới cho năm sau. Từ 5 giờ sáng, tôi và các con cháu bắt đầu chuẩn bị mâm cúng. Trên bàn thờ gia tiên, gà luộc, xôi đậu, chè trôi nước, bánh chưng, bánh tét và mâm ngũ quả được bày biện cẩn thận”.
Khi mọi thứ đã sẵn sàng, bà Phượng thắp hương, khấn vái, cầu xin để gia đình được bình an, vạn sự tốt đẹp trong năm mới.
Bà Phượng cho biết, sau khi cúng xong thì rót rượu, hơn nửa nén nhang thì đốt giấy. Sau khi hoàn tất lễ cúng thì bà Phượng tắt đèn, không nhang khói, đến ngày giao thừa, thời điểm rước Táo quân mới bật đèn trở lại.
Sau nghi lễ, gia đình tổ chức bữa cơm sum họp. Con cháu quây quần bên nhau, nhớ lại những kỷ niệm đẹp và chia sẻ dự định cho năm mới.
Bà Phượng chia sẻ thêm: “Ngày đưa Ông Táo cũng như đón xuân, không chỉ là nghi thức tâm linh mà còn nhắc nhở chúng ta hãy sống đầy yêu thương, trách nhiệm và có niềm tin về một năm mới tốt đẹp hơn”.
Cúng ông Táo là một trong các chuỗi nghi lễ, phong tục đẹp của những ngày Tết Cổ truyền được gìn giữ, lưu truyền và nhắc nhớ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/ron-rang-ngay-dua-ong-tao-ve-troi-a189380.html