Sáng ngày 22/1 (tức 23 tháng Chạp), nhiều gia đình đã làm lễ tiễn ông Công, ông Táo về trời. Đây là một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam được lưu truyền trong dân gian từ nhiều đời nay.
Sau khi tiễn ông Công, ông Táo về trời, người dân đã đưa vàng mã ra trước cửa nhà đốt.
Theo ghi nhận của PV, sáng ngày 22/1, dọc nhiều tuyến đường thuộc trung tâm của Thủ đô Hà Nội đã "đỏ lửa" bởi vàng mã.
Các vật dụng được chuẩn bị cho ông Táo về trời như tiền vàng mã, mũ, áo, hia, cá chép giấy… được mang ra đốt.
Hầu hết người dân đều đốt ngay tại trên vỉa hè trước cửa nhà.
Đa phần mọi người ý thức trong việc phòng chống cháy nổ và đều chuẩn bị các dụng cụ làm bằng vật liệu không cháy như thùng kim loại (sắt, inox), thau... để chứa vàng mã khi đốt.
Nhiều khách du lịch nước ngoài lạ lẫm trước phong tục này.
Trên mâm cỗ cúng nói chung và ngày lễ Tết nói riêng, vàng mã là thứ không thể thiếu đối với nhiều gia đình. Đây cũng là phong tục đã tồn tại lâu đời của người dân Việt Nam.
Tuy nhiên, theo chuyên gia, nhiều người đang lạm dụng đốt vàng mã do chưa hiểu biết về phong tục cúng lễ của nước ta.
Đốt vàng mã xưa nay được xem như cách ứng xử của "người trần" đối với "người âm".
Để đảm bảo an toàn phòng tránh cháy nổ, Công an TP Hà Nội cũng khuyến cáo người dân không đốt vàng mã ở những nơi cấm như: chợ, trung tâm thương mại, nơi có vật liệu dễ cháy...
Ngoài ra, khi đốt vàng mã phải có người trông coi; đúng nơi quy định, tránh xa những nơi có vật dễ cháy; không đốt quá nhiều vàng mã, nhất là các loại vàng mã có khối lượng lớn.
Đốt vàng mã trong các dụng cụ làm bằng vật liệu không cháy như thùng kim loại (sắt, inox), lư đồng, bê tông, nhà xây bằng gạch... có nắp đậy kín để tránh tàn lửa bay ra xung quanh, đồng thời phải chờ vàng mã cháy hết, dùng nước vẩy lên tro.
Quang Hùng