Đừng quá hoang mang với cúm mùa

Hiện dịch cúm mùa không bùng phát tại Đồng Nai. Tại các bệnh viện trong tỉnh chưa có trường hợp bệnh cúm nặng, mà bệnh nhân chỉ bị cúm nhẹ, chủ yếu khám điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, do quá lo ngại trước thông tin về diễn biến dịch cúm mùa tại miền Bắc đang gia tăng, rất nhiều người dân trong tỉnh đã đổ xô đi tiêm vaccine ngừa cúm mùa tại các cơ sở y tế, dẫn đến tình trạng quá tải.

Bác sĩ chuyên khoa I PHAN VĂN PHÚC, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Bác sĩ chuyên khoa I PHAN VĂN PHÚC, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Bác sĩ chuyên khoa I PHAN VĂN PHÚC, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (thuộc Sở Y tế), lưu ý người dân đừng lo lắng quá trước dịch bệnh cúm mùa, nhưng cũng không lơ là, chủ quan.

* Cúm mùa năm nay có gì khác với mọi năm, vì sao lại gia tăng nhanh ở một số nơi, thưa ông?

- Hiện nay, bệnh cúm tại Việt Nam không ghi nhận biến chủng mới, vẫn là cúm A chủ yếu gây dịch bệnh ở người và động vật, thường nguy hiểm hơn (ví dụ: H1N1, H3N2); cúm B chỉ lây lan ở người và gây bệnh nhẹ hơn…

Mỗi năm, cúm mùa đều xuất hiện theo chu kỳ và năm nay không có gì khác thường. Tuy nhiên, do năm nay thời tiết lạnh hơn, độ ẩm cao hơn, đặc biệt là ở miền Bắc, tạo điều kiện cho virus tồn tại lâu hơn ngoài môi trường. Đây cũng là tác nhân khiến số ca mắc tăng lên.

* Ông có ý kiến gì về việc gần đây rất đông người dân cùng lúc đi tiêm vaccine ngừa cúm?

- Cúm mùa là một trong những bệnh lý nguy hiểm, thế nhưng hiện nay người dân vẫn còn chủ quan chưa quan tâm đúng mức. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025, số lượng người đến các cơ sở y tế để tiêm vaccine ngừa cúm tăng gấp nhiều lần so với trước đó. Nguyên nhân có thể là người dân lo ngại trước thông tin về diễn biến dịch cúm mùa tại miền Bắc..., nhất là khi có ca tử vong do nhiễm cúm tại Nhật Bản cũng khiến nhiều người lo lắng đi tiêm vaccine phòng bệnh. Đúng ra nên tiêm ngừa cúm hàng năm, nhất là đối với những người thuộc nhóm nguy cơ (người có hệ miễn dịch yếu như trẻ nhỏ, người cao tuổi và người có bệnh nền). Việc tiêm ngừa giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và biến chứng. Nếu lo lắng, bất kỳ ai cũng có thể tiêm vaccine ngừa cúm để bảo vệ sức khỏe.

Sau khi tiêm vaccine, cơ thể thường mất khoảng 2-4 tuần để sản sinh ra lượng kháng thể cần thiết. Vì vậy, cần chủ động tiêm vaccine sớm, tiêm đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo để tạo miễn dịch tốt nhất, hạn chế bỏ lỡ lịch tiêm hoặc để bùng dịch mới đi tiêm sẽ không kịp để vaccine phát huy khả năng bảo vệ tốt nhất.

“Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà, mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời” - bác sĩ chuyên khoa I PHAN VĂN PHÚC, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, lưu ý.

* Khi nghi ngờ mắc bệnh cúm hay tiếp xúc người bệnh cúm, nên xử trí như thế nào? Các triệu chứng của bệnh là gì, thưa bác sĩ?

- Bệnh cúm, nhất là cúm nhóm A, dễ lây nhiễm, vì vậy bệnh nhân nên được cách ly, hạn chế tiếp xúc với người khác. Người dân nên đeo khẩu trang khi tiếp xúc bệnh nhân nghi ngờ có cúm. Điều quan trọng là tiêm vaccine để dự phòng cúm hàng năm. Khi mắc bệnh không nên không quá lo lắng, mà phải có phương án xử trí hợp lý.

Nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiêm vaccine ngừa cúm mùa cho người dân. Ảnh: K.Liễu

Nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiêm vaccine ngừa cúm mùa cho người dân. Ảnh: K.Liễu

Khi bị nhiễm virus cúm, người khỏe mạnh có hệ miễn dịch tốt thì các biểu hiện cúm thường nhẹ như: sổ mũi, ngạt mũi, hắt hơi, ho, đau người, sốt và nếu được nghỉ ngơi, giữ ấm, ăn uống đầy đủ, uống thuốc cảm cúm thông thường thì thường tự khỏi, không phải nhập viện.

Tuy nhiên, nếu không được theo dõi và chăm sóc đúng cách thì bệnh có thể diễn biến nặng hơn. Nhất là với những người có hệ miễn dịch yếu mang bệnh nền, bệnh mạn tính hoặc người cao tuổi thì virus sẽ tấn công mạnh vào hệ hô hấp và gây ra những biến chứng như: viêm phổi, bội nhiễm các vi khuẩn, viêm cơ tim, suy hô hấp nặng, suy đa tạng có thể phải thở máy, lọc máu…

Vì vậy, khi mắc cúm, người bệnh cần chăm sóc sức khỏe đúng cách. Ngủ đủ giấc, uống đủ nước, ăn uống đầy đủ và hạn chế ra ngoài khi trời lạnh. Nếu sốt cao, khó thở hoặc mệt mỏi kéo dài, cần đi khám để được theo dõi kịp thời.

* Cần làm gì để chủ động phòng, chống bệnh cúm thưa ông?

- Người dân cần thực hiện các biện pháp sau để phòng, chống bệnh cúm: che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

Chú ý, đeo khẩu trang tại nơi tập đông người, nơi công cộng, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Đặc biệt, không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Tiêm vaccine phòng bệnh, thực hiện lối sống lành mạnh; ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm; tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

* Xin cảm ơn ông!

Kim Liễu (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/ban-doc/202502/dung-qua-hoang-mang-voi-cum-mua-8b76ed4/