Đứng về phía nhân dân

Lúc lên nhận giải báo chí toàn quốc, một đồng nghiệp khi phỏng vấn đã hỏi chị rằng: “Trong quá trình viết những bài phóng sự điều tra hẳn là chị đã gặp rất nhiều hiểm nguy, đã không ít lần bị kẻ xấu đe dọa, gặp không ít những cạm bẫy được giăng sẵn. Vậy chị có khi nào nao núng hay không?”. Chị im lặng vài giây, mỉm cười nói: “Đứng về phía lẽ phải, về phía của nhân dân thì sẽ chẳng có gì sợ hãi”.

Thực ra, trong nghề báo, cái đáng sợ nhất chính là cám dỗ. Vì cơm áo gạo tiền luôn là gánh nặng đè lên vai mỗi người. Bạn bè làm báo mảng văn hóa, đi các sự kiện ra mắt sản phẩm được tiếp đón chu đáo. Riêng làm báo mảng phóng sự điều tra như chị, đi đến đâu cũng chỉ nhận được những ánh nhìn dè chừng, cảnh giác. Nếu có túi quà hay chiếc phong bì nào của tổ chức hoặc cá nhân mang tặng thì chớ có động vào. Bởi nó là cái bẫy hoặc cũng là đồng tiền hối lộ để bẻ cong ngòi bút. Nhìn bạn bè đổi xe, mua nhà chung cư, con cái được đầu tư học hành, hẳn sẽ có lúc chị cảm thấy chạnh lòng. Nhưng chưa bao giờ chị nghĩ đến việc kiếm tiền từ cái danh nhà báo. Chị muốn con cái được tự hào về mẹ. Muốn lòng mình được thanh thản ngủ một giấc bình yên sau một ngày vất vả làm nghề.

Nhưng thật ra, kể từ khi làm báo, chị chẳng mấy khi đặt lưng xuống là có thể ngủ ngon lành. Đêm với chị thường dài bởi cứ nhắm mắt là hình ảnh hàng ngàn hécta rừng phòng hộ bị lâm tặc tàn phá. Đó chính là thủ phạm gây ra tình trạng lũ quét và sạt lở vào mùa mưa khiến biết bao người dân điêu đứng, phải sống cảnh màn trời chiếu đất, mất mát, ly tan. Cũng có lúc, chị bị ám ảnh bởi thương tích trên người những đứa trẻ bị bảo mẫu bạo hành tại trường mầm non. Bởi ánh mắt hoảng loạn của cô gái vừa thoát khỏi đường dây buôn người qua biên giới. Bởi lòng tham của con người vì đồng tiền mà sẵn sàng tẩm ướp hóa chất vào rau, củ, thịt, cá rồi đem ra bày bán đầy ngoài chợ. Bởi lời cậy nhờ của những người dân mất đất. Bởi tiếng kêu cứu của cả trăm giáo viên bỗng dưng mất việc. Tất cả đã thôi thúc chị lên đường để tìm hiểu sự việc. Chị luôn chọn cách đứng về phía nhân dân, về phía những thân phận thấp cổ bé họng trong xã hội. Nơi chị từng đi qua bao giờ cũng để lại những dấu chân kiên định. Bạn bè, đồng nghiệp nể trọng lắm nhưng cứ cất lời khen ngợi là thể nào chị cũng bảo “có gì to tát đâu, ai cũng phải làm tốt công việc mà mình chọn”.

Thỉnh thoảng, chị vẫn nhận được vài cuộc điện thoại của những người từng là nhân vật trong bài viết của mình. Họ gọi để hỏi thăm sức khỏe chị và gia đình. Gọi vì đọc được bài phóng sự mới của chị. Gọi để báo tin vui cậu bé từng được chị cưu mang đã qua cơn bạo bệnh. Gọi để khoe cánh rừng từng bị tàn phá trơ trụi giờ đã thấy lại màu xanh của sự sống. Con sông từng bị ô nhiễm giờ đã dần trong lành trở lại. Gọi để cảm ơn chị đã mất bao tâm huyết kêu gọi cộng đồng quyên góp kinh phí làm đường cho đồng bào dân tộc miền núi xuống chợ, đến trường. Có ai đó gọi để mời chị về đi trên cây cầu mà chị từng từ chối để tên mình trên tấm biển cầu. Cũng có khi gọi để hỏi địa chỉ gửi biếu chị mấy chùm trái vải đầu mùa, ít măng rừng, vài ký trà mới sao. Một sáng sớm nào đó đến cơ quan, bác bảo vệ dúi vào tay chị túi rau quê, chục trứng gà, bảo “có ai đó gửi”. Cũng có khi nhân vật cũ chờ chị ở phòng khách của tòa soạn, bẽn lẽn nói “em có việc xuống phố, tìm qua đây chào chị một câu. Ba mẹ em vẫn nhắc đến chị luôn. Khi nào có dịp, em mời chị về ăn với ba mẹ em một bữa cơm đạm bạc. Ngày xưa nếu không có chị thì…”. Nói đến đấy thì mắt khách bỗng ầng ậc nước. Chị nắm chặt bàn tay bảo “thôi đừng nhắc chuyện ngày xưa nữa, kể chị nghe chuyện của bây giờ…”.

Nhà báo đi và viết những gì mắt thấy, tai nghe để nói lên sự thật, lan tỏa điều hay, nhân cái đẹp, dẹp cái xấu,… Chỉ vậy thôi cũng cảm thấy vui, hạnh phúc trong suốt chặng đường làm nghề./.

Vũ Thị Huyền Trang

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/dung-ve-phia-nhan-dan-a178017.html