Một Đông Anh mới - Tư duy mới, vận hành mới, động lực mới

Sau khi chính thức sáp nhập các đơn vị hành chính từ ngày 1-7-2025, xã Đông Anh - đơn vị hành chính mới thuộc thành phố Hà Nội đã nhanh chóng ổn định bộ máy, tổ chức lại hệ thống chính trị tinh gọn, đồng bộ và hiệu quả.

Đây không chỉ là sự thay đổi về mặt địa giới hành chính, mà còn là bước chuyển căn bản về tư duy phát triển, tạo nền tảng vững chắc để Đông Anh bứt phá mạnh mẽ, trở thành đô thị hiện đại phía Bắc Thủ đô. Những kết quả nổi bật trong xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh và nâng cao chất lượng sống của người dân đã chứng minh tính đúng đắn, kịp thời và hiệu quả của mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Tổ chức lại để tăng tốc

Cổ Loa - một chứng tích lịch sử của người dân xã Đông Anh, nguồn lực cho sự phát triển ở kỷ nguyên mới. Ảnh: Quang Thái

Cổ Loa - một chứng tích lịch sử của người dân xã Đông Anh, nguồn lực cho sự phát triển ở kỷ nguyên mới. Ảnh: Quang Thái

Sáp nhập không đơn thuần là bài toán hành chính, mà còn là phép thử lớn cho năng lực lãnh đạo, tổ chức và sự thích ứng của cả hệ thống chính trị. Xã Đông Anh có quy mô gần 49 km², dân số hơn 118.000 người, là một trong những xã lớn nhất Thủ đô về diện tích và dân số. Thách thức đầu tiên chính là làm sao vận hành bộ máy hiệu quả trong bối cảnh thay đổi quy mô, địa bàn quản lý và cơ cấu tổ chức.

Đảng bộ xã Đông Anh với 142 chi, Đảng bộ trực thuộc, hơn 5.360 đảng viên đã thể hiện rõ vai trò “hạt nhân chính trị” trong quá trình tái tổ chức. Ngay từ khi triển khai sáp nhập, xã đã xác định xây dựng Đảng là khâu then chốt. Công tác chính trị, tư tưởng được đẩy mạnh, lấy “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” làm nền tảng để củng cố niềm tin, thống nhất hành động. Điều đáng chú ý là sự chuyển biến trong tư duy lãnh đạo từ điều hành hành chính sang quản trị công hiện đại, minh bạch và hướng đến phục vụ nhân dân.

Bộ máy chính quyền được tinh gọn theo hướng rõ việc, rõ trách nhiệm, giảm tầng nấc trung gian, nhưng tăng hiệu quả vận hành. Chính quyền xã hoạt động linh hoạt, chủ động xử lý các vấn đề phát sinh sau sáp nhập; đồng thời, phát huy vai trò điều phối liên thông giữa các đơn vị mới được hợp nhất, bảo đảm không gián đoạn các dịch vụ công. Các phòng, ban chuyên môn chuyển sang quản trị theo mô hình đa chức năng, ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết.

Hạ tầng - một bước đột phá của xã Đông Anh. Ảnh: Thu Hằng

Hạ tầng - một bước đột phá của xã Đông Anh. Ảnh: Thu Hằng

HĐND xã Đông Anh thể hiện vai trò giám sát chặt chẽ, đồng hành, nhưng không buông lỏng. Các nghị quyết chuyên đề được ban hành kịp thời, sát thực tiễn, tạo hành lang pháp lý để chính quyền hành động linh hoạt. Tỷ lệ giải quyết đơn thư, kiến nghị của người dân đạt hơn 96%, là minh chứng rõ ràng cho sự hoạt động hiệu quả của bộ máy sau sáp nhập.

Không chỉ đổi mới trong tổ chức, Đông Anh còn đổi mới trong phong cách lãnh đạo. Phương thức làm việc của cấp ủy được đổi mới theo hướng khoa học, gần dân, trọng thực chất. Đội ngũ cán bộ, công chức được lựa chọn, bố trí đúng người, đúng việc, nhiều cán bộ trẻ, có năng lực, bản lĩnh được tin tưởng giao trọng trách, thể hiện bước đột phá trong công tác cán bộ.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đóng vai trò “cầu nối” giữa chính quyền với nhân dân. Hàng loạt mô hình mới được triển khai hiệu quả, như: “Tổ chuyển đổi số cộng đồng”, “Chi hội tự quản an ninh”, “Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp”..., tạo sự đồng thuận cao và lan tỏa tinh thần tự quản trong cộng đồng.

Kết quả bước đầu đã chứng minh: Mô hình chính quyền địa phương hai cấp không chỉ là cải cách hành chính, mà là một bước ngoặt về quản trị công, là điều kiện cần thiết để xã Đông Anh bước vào giai đoạn phát triển đô thị hóa nhanh và bền vững.

Kiến tạo nền tảng đô thị văn minh, hiện đại

Sau sáp nhập, xã Đông Anh không chỉ đổi mới bộ máy, mà còn bật dậy mạnh mẽ về phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thương mại, dịch vụ tăng trưởng vượt bậc, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao phát triển ổn định, tạo nền tảng bền vững cho chuyển đổi sang mô hình đô thị.

Nhà văn hóa xã Đông Anh. Ảnh: Thu Hằng

Nhà văn hóa xã Đông Anh. Ảnh: Thu Hằng

Tổng thu ngân sách 5 năm đạt hơn 23.000 tỷ đồng - con số ấn tượng, phản ánh năng lực quản lý tài chính công hiệu quả và khả năng huy động nguồn lực xã hội hóa. Đặc biệt, hơn 1.100 dự án đầu tư được triển khai, tổng vốn gần 49.000 tỷ đồng, tập trung vào hạ tầng kỹ thuật, giao thông, trường học, y tế, khu đô thị và không gian công cộng, đã làm thay đổi cơ bản diện mạo đô thị Đông Anh.

Thu nhập bình quân đầu người năm 2025 ước đạt 92,5 triệu đồng, tăng gần 50% so với năm 2020. Đây là minh chứng rõ rệt cho sự cải thiện chất lượng sống, đồng thời phản ánh thành công trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất, tạo việc làm bền vững, đặc biệt cho lao động nông thôn sau sáp nhập.

Văn hóa - xã hội phát triển đồng đều. Hệ thống trường học được đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa, với 31/33 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 18 trường đạt chuẩn mức độ 2. Cơ sở y tế đạt chuẩn quốc gia, an sinh xã hội được quan tâm toàn diện, không còn hộ nghèo, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm sâu. Đáng chú ý, mô hình “xã thông minh” được thử nghiệm với nhiều dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng số trong quản lý y tế, giáo dục, hành chính, tạo sự tiện lợi, minh bạch và tiết kiệm thời gian cho người dân.

Diện mạo nông thôn có bước chuyển mình mạnh mẽ: 7/7 xã cũ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt kiểu mẫu. Các tuyến đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa, điện chiếu sáng, cây xanh và biển báo giao thông được đầu tư đồng bộ, tạo nên không gian sống văn minh, hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc nông thôn truyền thống.

Xã Đông Anh cũng làm tốt công tác quốc phòng - an ninh, giữ vững an toàn tuyệt đối trong mọi tình huống. Các mô hình tự quản, camera giám sát an ninh, lực lượng bảo vệ dân phố, tổ dân phòng hoạt động hiệu quả, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Tuyển quân hằng năm luôn hoàn thành chỉ tiêu, chính sách hậu phương quân đội được thực hiện chu đáo.

Xã Đông Anh đang vươn mình, xứng đáng là đô thị trung tâm phía Bắc Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Thu Hằng

Xã Đông Anh đang vươn mình, xứng đáng là đô thị trung tâm phía Bắc Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Thu Hằng

Đặc biệt, đến thời điểm hiện tại, xã Đông Anh đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí thành lập phường, mở ra triển vọng rõ nét để từng bước hoàn thiện mô hình quản lý đô thị, đưa Đông Anh trở thành trung tâm phát triển mới phía Bắc Hà Nội. Không chỉ là sự thay đổi về hạ tầng hay chỉ số kinh tế, mà còn là sự trưởng thành về tư duy phát triển và chất lượng quản trị địa phương.

Sự kiện sáp nhập hành chính là bước ngoặt lớn với xã Đông Anh, nhưng chính tinh thần đoàn kết, đổi mới và quyết tâm hành động của cả hệ thống chính trị đã tạo nên kết quả đột phá. Mô hình chính quyền địa phương hai cấp, khi được tổ chức đúng hướng và vận hành hiệu quả, không chỉ giải quyết bài toán hành chính, mà còn mở ra con đường phát triển mới, năng động và bền vững.

Đông Anh hôm nay không chỉ là một xã sau sáp nhập, mà là một hạt nhân phát triển, là hình mẫu về tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực; về quản trị đô thị văn minh và đặc biệt là về năng lực huy động sức mạnh nhân dân trong xây dựng địa phương phát triển toàn diện. Đây là tiền đề quan trọng để xã Đông Anh vươn mình, xứng đáng là đô thị trung tâm phía Bắc Thủ đô Hà Nội.

Đỗ Minh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/mot-dong-anh-moi-tu-duy-moi-van-hanh-moi-dong-luc-moi-710646.html