'Đường ray' pháp lý mới cho con tàu Báo chí Việt Nam
Trong bối cảnh khoa học, công nghệ số và môi trường truyền thông thay đổi nhanh chóng, một số quy định của Luật Báo chí năm 2016 đã bộc lộ hạn chế, bất cập. Nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Luật Báo chí trở nên cấp thiết để các cơ quan báo chí phát triển hiệu quả, đảm bảo hoạt động đúng khuôn khổ pháp luật.
Phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Báo chí – Bộ Thông tin và Truyền thông xung quanh những định hướng để các cơ quan báo chí hoạt động tốt hơn, chuyên nghiệp hơn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn mới.
Bổ sung quy định về hoạt động của cơ quan báo chí trên không gian mạng
+ Thưa Cục trưởng, Bộ Thông tin và Truyền thông đang đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp cho báo chí có “đường ray” pháp lý rõ ràng hơn để vượt qua những khó khăn, thách thức, phát triển đa nền tảng trong quá trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, môi trường truyền thông số yêu cầu các biện pháp bảo vệ thông tin và chống lại các hình thức tấn công mạng, thông tin giả mạo… Theo ông, Luật Báo chí cần bổ sung các quy định cụ thể như thế nào để bảo đảm an ninh thông tin cũng như giúp cho báo chí hoạt động tốt hơn trên môi trường số?
- Cục trưởng Lưu Đình Phúc: Phòng chống tấn công mạng, thông tin giả mạo thì đã có các quy định của Luật An ninh mạng, quy định về an toàn thông tin, quy định quản lý nội dung thông tin trên Internet.
Để báo chí hoạt động tốt hơn trên môi trường số, ngoài các quy định pháp luật hiện hành, Luật Báo chí sửa đổi tới đây dự kiến bổ sung quy định về hoạt động của cơ quan báo chí trên không gian mạng. Mở rộng không gian hoạt động của báo chí lên không gian mạng để lan tỏa nội dung báo chí rộng hơn, sâu hơn, từ đó làm tốt công tác truyền thông chính sách và giải bài toán đa dạng nguồn thu của báo chí.
Để báo chí hoạt động tốt hơn trên môi trường số, ngoài các quy định pháp luật hiện hành, Luật Báo chí sửa đổi tới đây dự kiến bổ sung quy định về hoạt động của cơ quan báo chí trên không gian mạng. Mở rộng không gian hoạt động của báo chí lên không gian mạng để lan tỏa nội dung báo chí rộng hơn, sâu hơn, từ đó làm tốt công tác truyền thông chính sách và giải bài toán đa dạng nguồn thu của báo chí.
Bây giờ, báo chí mở kênh, tài khoản trên các nền tảng truyền thông xã hội xuyên biên giới, tiếp cận nhanh hơn, nhiều hơn với công chúng. Vì thế, nội dung báo chí trên không gian mạng cũng phải tuân thủ các quy định pháp luật về báo chí, quy định về tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; đưa ra các quy định quản lý chặt chẽ nội dung báo chí đưa lên không gian mạng.
Mạng xã hội sử dụng tin bài của cơ quan báo chí phải có thỏa thuận với cơ quan báo chí; không quy định trang thông tin điện tử tổng hợp là sản phẩm thông tin có tính chất báo chí để khắc phục tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp; mở rộng điều chỉnh đối với những hoạt động có ảnh hưởng đến báo chí của mạng xã hội, để khắc phục tình trạng “báo hóa” mạng xã hội.
Hình thành các cơ quan báo chí chủ lực quốc gia, đóng vai trò dẫn dắt
+ Về mô hình phát triển kinh tế của cơ quan báo chí, có ý kiến đề xuất, nên quy định theo hướng mở rộng hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật, chứ không chỉ hạn chế các lĩnh vực như Luật Báo chí hiện hành, để tạo điều kiện cho cơ quan báo chí có nguồn tài chính hỗ trợ cho hoạt động nội dung. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Cục trưởng Lưu Đình Phúc: Luật Báo chí hiện hành đã có quy định nguồn thu của cơ quan báo chí khá đa dạng, trong đó có thu từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ. Tuy nhiên, có những thứ doanh nghiệp được làm mà cơ quan báo chí chưa có quy định được làm, ví dụ như cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền thì chỉ doanh nghiệp được làm. Vấn đề là kinh doanh như thế nào, phạm vi đến đâu thì còn liên quan đến nhiều quy định khác.
Bây giờ, cần có quan điểm mới để báo chí phát triển đa nền tảng, đa dịch vụ. Ngay ở Trung Quốc, báo chí có hoạt động kinh doanh như doanh nghiệp, thậm chí có mảng kinh doanh được đưa lên cả sàn chứng khoán, thế nên họ có những cơ quan báo chí lớn, đi ra nước ngoài, làm trụ cột thông tin không chỉ ở trong nước.
Khi mà Nhà nước không thể hỗ trợ được hết thì cần hỗ trợ cái lớn để đóng vai trò dẫn dắt, giữ nhịp định hướng. Muốn có cơ quan báo chí lớn thì cùng với cơ chế quản lý nội dung như hiện nay, đòi hỏi mảng kinh doanh phải có cơ chế vận hành như của doanh nghiệp, theo thị trường thì mới bắt kịp thực tiễn phát triển hiện nay.
Luật Báo chí là hành lang pháp lý quan trọng để báo chí phát huy quyền tự do ngôn luận của báo chí, đồng thời để hạn chế việc sử dụng quyền này xâm hại đến lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Các quy định về quản lý vì thế cần được thể chế trong luật để đảm bảo công cụ quản lý hiệu quả. Cái còn thiếu hiện nay là chúng ta phải nhìn thấy được xu hướng thông tin trong một biển thông tin để định hướng, điều tiết, xử lý tốt để hạn chế vi phạm.
+ Một trong những nội dung đề xuất rất mới về sửa đổi Luật Báo chí và đang nhận được sự quan tâm của dư luận, đó là phát triển mô hình tập đoàn báo chí với mục tiêu hình thành được các cơ quan báo chí lớn, có đủ nguồn lực để đóng vai trò dẫn dắt, làm trụ cột định hướng thông tin. Vậy, cơ chế hoạt động, liên kết giữa các cơ quan báo chí trong “tập đoàn báo chí” sẽ như thế nào để có thể ổn định phát triển và vươn tầm ra quốc tế, thưa ông?
- Cục trưởng Lưu Đình Phúc: Đúng là mục tiêu của chính sách là hình thành được các cơ quan báo chí lớn, có đủ nguồn lực để đóng vai trò dẫn dắt, làm trụ cột định hướng thông tin. Vì đang trong quá trình thông qua chính sách sửa luật nên nhiều vấn đề mới còn phải được bàn thảo, đánh giá một cách thấu đáo.
Từ thực tiễn quản lý, tôi thấy là, Trung Quốc từ những năm 1996, họ đã thí điểm thành lập tập đoàn báo in, nay đã có trên 60 tập đoàn báo chí ở Trung ương và địa phương. Chúng tôi có khảo sát và thấy rằng, các tập đoàn báo chí như Tập đoàn báo in Quảng Châu, Tập đoàn Bắc Kinh nhật báo, Tập đoàn báo in Thẩm Quyến, Tập đoàn báo in Văn hội Tân dân... đều hoạt động và kinh doanh tốt, quán triệt nguyên tắc lấy nghề làm báo là chính, phục vụ Đảng và Nhân dân, kết hợp hiệu quả xã hội và văn hóa, trong đó hiệu quả xã hội là hàng đầu, cạnh tranh với các tập đoàn truyền thông của thế giới.
Mô hình của tập đoàn báo chí ở Trung Quốc là lấy một tờ báo lớn, có ảnh hưởng chính trị, ảnh hưởng xã hội, có thương hiệu, làm hạt nhân, các tờ báo con và các đơn vị kinh tế tạo thành một hệ sinh thái, liên kết theo dạng vòng tròn đồng tâm, trong đó, bao gồm cả bộ phận nội dung và bộ phận kinh doanh.
Chẳng hạn như Tập đoàn báo in Quảng Châu, ngoài tờ Quảng Châu nhật báo là tờ báo chính, tập đoàn còn sở hữu 14 tờ báo con khác, với nội dung đa dạng, như: Báo bóng đá, Báo giao thông du lịch, Quảng Châu văn trích báo, Báo giáo dục trẻ em hiện đại, Báo người cao tuổi... Bộ phận kinh doanh gồm công ty quảng cáo, công ty phát hành, công ty phát triển bất động sản, trung tâm phục vụ báo chí cho khách hàng trong và ngoài nước, trung tâm in ấn...
Thực tiễn báo chí ở ta có nhiều tương đồng với bạn, nhưng họ đã đi trước chúng ta gần 3 thập kỷ. Và kết quả như chúng ta thấy là họ hình thành được những tập đoàn báo chí lớn mạnh, có kênh truyền hình đi ra quốc tế, thậm chí họ sở hữu cả những ấn phẩm báo chí nước ngoài. Quản lý chặt nội dung nhưng kinh doanh thì quy định rất linh hoạt và thị trường. Tất nhiên, điều kiện mỗi nước khác nhau, nhưng đã đến lúc chúng ta có tầm nhìn rộng hơn về vấn đề này.
Theo tôi, tập đoàn báo chí ở ta là đơn vị sự nghiệp công lập, không phải tập đoàn kinh tế, nhưng nên được cấp vốn, giao tài sản; có hoạt động kinh doanh, tách biệt với hoạt động sản xuất nội dung, tạo nguồn thu từ kinh doanh để phục vụ hoạt động báo chí (kinh doanh để làm báo); tập đoàn báo chí có thể có nhiều cơ quan báo chí; có thể góp vốn vào doanh nghiệp.
Thực tế thì nhiều cơ quan báo chí chủ lực hiện đã có các hoạt động cung cấp dịch vụ mang tính kinh doanh để có nguồn thu hỗ trợ hoạt động báo chí. Việc cho phép tổ chức theo mô hình Tập đoàn báo chí với các cơ quan báo chí lớn, đủ điều kiện sẽ giúp cho cơ quan báo chí có thêm nguồn thu khác để phục vụ hoạt động báo chí; mặt khác, tách bạch chức năng làm kinh tế và chức năng báo chí, để đảm bảo hoạt động báo chí được đúng định hướng, không bị thương mại hóa và để hình thành các cơ quan báo chí chủ lực quốc gia.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nhà báo Việt Nam
+ Đạo đức báo chí là cốt lõi của hoạt động báo chí, nếu không có đạo đức thì không thể xây dựng một nền báo chí nhân văn, vì con người. Vậy, điểm cốt lõi định hướng trong việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho phóng viên và lãnh đạo các cơ quan báo chí được thể hiện như thế nào trong việc sửa đổi Luật Báo chí, thưa Cục trưởng?
- Cục trưởng Lưu Đình Phúc: Đạo đức nghề báo là vấn đề cốt lõi để công chúng ở lại với báo chí. Nâng cao đạo đức nghề nghiệp người làm báo là một trong những chính sách quan trọng khi xem xét sửa luật lần này.
Dự kiến, sẽ bổ sung các quy định về điều kiện được cấp thẻ nhà báo để nâng cao hơn nữa chất lượng người làm báo, như cấp thẻ nhà báo lần đầu phải qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, đạo đức nghề nghiệp do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức; nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nhà báo Việt Nam trong việc theo dõi, giám sát, kiểm tra kết luận hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người làm báo nói chung; xử lý vi phạm đối với hội viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với vi phạm đạo đức của người làm báo không phải hội viên.
Vì hiện nay chưa có quy định nêu trên, dẫn đến hiệu quả xử lý vi phạm trong thực tế còn chưa tương xứng với vai trò, vị thế của Hội Nhà báo Việt Nam; hay bổ sung quy định mới quy định về tác nghiệp báo chí của những người hoạt động báo chí mà chưa được cấp thẻ nhà báo, vì Luật Báo chí hiện hành chỉ quy định quyền và nghĩa vụ của nhà báo mà chưa có quy định cho phóng viên, những người chưa được cấp thẻ nhà báo.
Định hướng, điều tiết, xử lý tốt thông tin để hạn chế vi phạm
+ Ông có thể cho biết những thay đổi lớn nào sẽ được đề xuất áp dụng trong công tác quản lý hoạt động báo chí khi sửa đổi Luật?
- Cục trưởng Lưu Đình Phúc: Luật Báo chí là hành lang pháp lý quan trọng để báo chí phát huy quyền tự do ngôn luận của báo chí, đồng thời để hạn chế việc sử dụng quyền này xâm hại đến lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Các quy định về quản lý vì thế cần được thể chế trong luật để đảm bảo công cụ quản lý hiệu quả. Cái còn thiếu hiện nay là chúng ta phải nhìn thấy được xu hướng thông tin trong một biển thông tin để định hướng, điều tiết, xử lý tốt để hạn chế vi phạm.
Do đó, Nhà nước cần bổ sung quy định về đầu tư công cụ số để cơ quan quản lý thực hiện tốt việc giám sát; bổ sung quy định yêu cầu cơ quan báo chí phải kết nối trực tuyến với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí để quản lý thấy được xu hướng thông tin chung; quy định về hoạt động của báo chí trên không gian mạng; quy định về điều kiện cấp thẻ nhà báo, thu hồi giấy phép hoạt động báo chí khi báo chí không đảm bảo điều kiện, có hành vi vi phạm nhiều lần và việc xử lý việc chấm dứt hoạt động của cơ quan báo chí khi đã bị thu hồi giấy phép; quy định rõ thế nào là báo, thế nào là tạp chí.
Chúng tôi cũng dự kiến đề xuất tăng cường phân cấp quản lý cho địa phương để giúp nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo trách nhiệm quản lý được xuyên suốt.
+ Xin trân trọng cảm ơn Cục trưởng về những trao đổi trên!
Nguyễn Hường (Thực hiện)