Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội: Nguy cơ trễ hẹn do thiếu mặt bằng
Đặt mục tiêu tháng 4/2021 sẽ đưa đoạn tuyến trên cao vào khai thác sử dụng trước, tuy nhiên đến thời điểm này, Dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) Nhổn - Ga Hà Nội vẫn đang rất chật vật, có nguy cơ chậm trễ thêm vì thiếu mặt bằng.
Chồng lấn khắp nơi
Dự án tuyến ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội đã được xác định chia tách thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1, sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng đoạn tuyến trên cao Nhổn - Kim Mã với tổng chiều dài trên 8km. Giám đốc dự án của nhà thầu Posco E&C Lee Hwang Se cho biết, hiện tiến độ các nhà ga trên cao đã đạt khoảng 80%, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc về GPMB tại các nhà ga: S4, 5, 7, 8.
Theo số liệu do Posco E&C cung cấp, riêng đoạn tuyến trên cao, có tới 55 nhà dân, 1 trụ sở cơ quan, và 1 tòa chung cư đang chồng lấn vào chỉ giới Dự án ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội. Ví dụ, tại vị trí ES 3, 4, nhà ga S7 (quận Cầu Giấy), không thể thi công vì biên GPMB tồn tại ít nhất 16 nhà, cửa hàng chồng lấn, nếu thi công sẽ bị bịt kín cửa ra vào. Tại ga S4, vị trí thang ES 1, 2 (quận Bắc Từ Liêm) đang vướng khoảng 19 nhà dân, cửa hàng chồng lấn vào phạm vi của Dự án...
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Lee Hwang Se lý giải, một số vị trí nhà dân, cơ quan, chung cư cao tầng hiện đang chồng lần với chỉ giới đường đỏ tuyến QL32, mà chỉ giới đó cũng đồng thời là chỉ giới đường đỏ của Dự án ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội. Ông Lee Hwang Se dẫn chứng, như tại ga S7, phía bên phải tuyến, ở vị trí móng thang ES số 4 đang vướng số nhà 269 đường Cầu Giấy, chồng lấn với chỉ giới đường đỏ lên tới 1,5m. Móng thang ES số 3 thì xung đột với ngõ 279; nhà số 275 lại có tầng 1 chìa ra che lấp vị trí đặt móng thang, các tầng trên, đều lấn vào vùng không gian xây dựng từ 40cm trở lên.
“Chúng tôi đã đề xuất với Chủ đầu tư và TP Hà Nội giải quyết những vướng mắc về GPMB. Nhưng đã rất lâu rồi vẫn chưa có tiến triển để thúc đẩy tiến độ thi công dự án. Nếu không GPMB kịp vào thời điểm này, chúng tôi không thể cam kết hoàn thành dự án theo tiến độ đã đề ra là hoàn thành tất cả hệ thống thang nối vào nhà ga vào cuối năm 2020” - ông Lee Hwang Se trần tình.
Ai quản lý mốc giới?
Phó trưởng Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu cho biết: “UBND TP đang chỉ đạo rất quyết liệt, yêu cầu chúng tôi phải bảo đảm bàn giao được mặt bằng theo đúng tiến độ của nhà thầu. Tuy nhiên, hiện có một số vị trí, do trải qua nhiều thời kỳ tách - nhập của các quận huyện nên cần xác định lại mốc giới. Chúng tôi đang tích cực cùng với địa phương tháo gỡ vấn đề này”.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy Nguyễn Việt Trung lại khẳng định, không được Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội bàn giao mốc giới hay có ý kiến gì về việc nhà dân lấn qua mốc chỉ giới. Trong khi đó, ngày 28/2 vừa qua, UBND quận Cầu Giấy có Văn bản số 42/BC - UBND báo cáo UBND TP Hà Nội về việc này. Trong đó nêu rõ, các nội dung vướng mắc về mặt bằng, “Chủ đầu tư (Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội - PV) đã liên hệ làm việc với các đơn vị liên quan, đến nay chưa giải quyết được do chưa có mốc giới do Sở TN&MT bàn giao trên thực địa”.
Riêng với vị trí thi công các nhà ga: S5, S7, đại diện nhà thầu Posco E&C cho biết, UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo, trước ngày 25/3/2020, các sở: TN&MT, QH - KT, Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội phải hoàn thành việc xác định, bàn giao mốc chỉ giới cho dự án tại hiện trường. Tuy nhiên, đến nay, tất cả vẫn dậm chân tại chỗ. đơn vị thi công vẫn chưa tể triển khai.
Quyết liệt hơn nữa
Tuyến ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội là dự án đầu tiên TP thí điểm thực hiện, khởi công từ tháng 9/2010, dự kiến ban đầu sẽ hoàn thành vào tháng 9/2017. Vậy nhưng, sau nhiều năm rơi vào bế tắc, đến năm 2016, dự án mới bắt đầu có những bước chuyển mạnh mẽ về tiến độ, mang đến hi vọng sớm có một tuyến ĐSĐT hiện đại, hữu ích cho Nhân dân Thủ đô.
Song dù đã trải qua rất nhiều khó khăn, trắc trở, đến nay dự án vẫn có nguy cơ tiếp tục chậm trễ, khó lòng đáp ứng được sự kỳ vọng của người dân TP. Trong tất cả các vấn đề khó khăn đó, vướng mắc GPMB đang là thách thức lớn nhất. Ông Lee Hwang Se khẳng định, nếu không được bàn giao mặt bằng thi công các nhà ga trên cao vào thời điểm này, sẽ khó mà kịp hoàn thành, đưa vào khai thác đoạn tuyến trên cao trước tháng 4/2021.
Ông Lê Trung Hiếu chia sẻ: “Chúng tôi và các địa phương, sở, ngành liên quan đều đang rất cố gắng. Nhất là việc xác định lại, bàn giao mốc giới dự án trên hiện trường”. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, với vài chục hộ dân đang chồng lấn như vậy, không dễ để xử lý, thu hồi, GPMB trong ngày một, ngày hai. Các chuyên gia cho rằng, UBND TP Hà Nội cần đôn đốc quyết liệt hơn nữa, nhằm tháo gỡ các vướng mắc, về mặt bằng cho dự án; đồng thời Hà Nội cũng cần làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan nếu có tình trạng người dân tự ý xây nhà chồng lấn lên chỉ giới đường đỏ, để hạn chế các vi phạm về sau.