Đường sắt tốc độ cao để bổ sung cho hệ thống vận tải chứ không phải cạnh tranh
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, việc phát triển hệ thống đường sắt tốc độ cao sẽ bổ sung cho hệ thống vận tải hiện nay chứ không phải cạnh tranh với hệ thống vận tải.
Giải quyết điểm nghẽn về logictic, vận tải hàng hóa Bắc - Nam
Thảo luận tại tổ sáng 13/11 về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn thành phố Hà Nội) đồng tình cần thiết đầu tư dự án này vì chúng ta có chiều dài đất nước theo chiều dọc với các vùng kinh tế trọng điểm, cần thiết có sự kết nối với các vùng kinh tế để tạo sự lan tỏa, tránh tình trạng tập trung vào một số thành phố lớn, còn các nơi khác nằm trên trục đó nhưng không phát triển được.
Theo đại biểu, điểm nghẽn hiện nay là vấn đề logistic, không hút được đầu tư phát triển, nên khi xây dựng xong tuyến này sẽ giải quyết điểm nghẽn về logictic, nhất là vận tải hàng hóa Bắc - Nam.
Hiện nay xuất khẩu hàng hóa đang nghiêng về 1 thị trường rất lớn, do đó phải đẩy mạnh thị trường sang khu vực châu Âu và Trung Đông. Cho nên không có con đường nào khác hơn là con đường về đường sắt. Phát triển đường sắt kết nối với hệ thống đường sắt của Bắc Á sẽ giải quyết được vấn đề xuất khẩu hàng hóa. “Tôi kỳ vọng phát triển đường sắt này để giải quyết vấn đề logictic, vận chuyển hàng hóa phục vụ xuất khẩu, kết nối được với quốc tế”, GS Hoàng Văn Cường nói.
Tuy nhiên ông Cường băn khoăn khi tuyến đường sắt đề xuất chỉ vận chuyển hành khách, còn hàng hóa chỉ là đa dụng trong trường hợp cần thiết, hàng hóa ùng hệ thống đường sắt cũ, nhưng hệ thống đường sắt cũ thì không kết nối liên thông được với quốc tế do khổ đường sắt là 1m43, đi đến một điểm nào đó sẽ phải dừng lại thì không còn giá trị. Hiện giờ hàng hóa đang phải vận chuyển trên đường bộ là chủ yếu.
Vì thế, đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị tuyến này là lưỡng dụng, bao gồm cả hàng hóa và hàng khách để giải quyết nhu cầu vận tải hàng cho liên thông quốc tế. Nếu không liên thông quốc tế sẽ là “cái bẫy” trong quá trình đầu tư.
Về phương thưc đầu tư để đạt được tiến độ, theo ông Cường, hiện cả 3 tuyến đường sắt đô thị đều kéo dài cả 10 năm mới hoàn thành, trong khi đó đường dây 500KV mạch 3 triển khai rất thần tốc.
Do đó phải làm chủ công nghệ, chúng ta phải là nhà đầu tư, nhà thầu chứ không thể đi thuê nhà thầu nước ngoài vào mua từng tuyến đó, xong vào thì người ta đầu tư. Nếu cứ tiếp tục đi thuê nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư thì không thể bảo đảm được.
Phải làm chủ công nghệ
Đại biểu nhấn mạnh, việc đầu tư không quan trọng công nghệ của nước nào nhưng phải chuyển giao công nghệ cho ta, và ta phải là nhà đầu tư, nắm được công nghệ thì mới giải quyết được 2 vấn đề là thời gian hoàn thành và quan trọng hơn là sẽ trở thành một ngành sản xuất của chúng ta, chứ bây giờ đi mua thiết bị, dự án thì khi hoàn thành xong lại tiếp tục lệ thuộc vào thiết bị, vận hành, sửa chữa. Như vậy trở thành gánh nặng, món nợ cho tất cả đời sau.
Đại biểu phân tích, việc chuyển giao công nghệ phụ thuộc lớn vào thị phần đường sắt. Nếu thị phần quá nhỏ thì không ai có đủ sức chuyển giao. Tuy nhiên thị phần đường sắt chúng ta hiện nay, nguyên đường sắt tốc độ cao đã gần 70 tỷ USD; hai đường sắt đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng phải 67 tỷ USD nữa. Như vậy mạng hệ thống thị phần của chúng ta đã là 150 tỷ USD. Đây là thị phần rất lớn, đủ khả năng để chuyển giao công nghệ.
“Chúng ta đã có bài học chuyển giao công nghệ rồi. Như Vinfast họ không phải là nhà sản xuất ô tô nhưng chuyển giao công nghệ và trở thành một nhà sản xuất ô tô. Cho nên chúng ta hoàn toàn đủ khả năng.
Tôi rất thiết tha trong Nghị quyết của Quốc hội phải ghi rõ đầu tư phải thực hiện được chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, và chúng ta phải làm chủ trong quá trình đầu tư đó để từ đó chúng ta đầu tư được toàn bộ các hệ thống đường sắt khác chứ không phải là đi mua các sản phẩm đó”, ông Cường nói.
Đại biểu cũng nhấn mạnh, việc phát triển hệ thống đường sắt tốc độ cao sẽ bổ sung cho hệ thống vận tải hiện nay chứ không phải cạnh tranh với hệ thống vận tải. Đường sắt tốc độ cao phải giải quyết được kết nối người dân ở các địa bàn không phải điểm hàng không mà đáp ứng được gần như hàng không thì mới giải quyết được bổ sung các phương tiện vận tải, chứ đừng so sánh và cạnh tranh với hàng không.
Trong phương án chạy tốc độ 350km không phải dừng ở tất cả các loại ga, mà chỉ dừng ở 1 số ga, nghĩa là “dừng nhảy cóc”. Vì thế, đại biểu đề nghị, trong Nghị quyết cần nói rõ phát triển hệ thống này để bổ sung cho các hệ thống phương tiện vận tải, giúp cho người dân tiếp cận được các địa bàn. Đây là vấn đề cần thiết đưa vào yêu cầu trong đầu tư dự án này.
Trình Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án khoảng 1.713.548 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD). So với tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách Trung ương, sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án vượt quá (bằng 114%) tổng vốn đầu tư công trung hạn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và tương đương 59,7% tổng mức vốn đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025.