Đường Vành đai 3 TP.HCM bớt lo mặt bằng lại lo vật liệu
TP.HCM và các tỉnh đang nỗ lực để đến tháng 6/2023 sẽ khởi công dự án đường Vành đai 3 TP.HCM.
Tuy nhiên, khi vấn đề mặt bằng được giải quyết, nỗi lo thiếu vật liệu thi công lại hiện hữu.
Dân đồng thuận, mong đường làm nhanh
Chị Vũ Kim Thủy, khu phố Gò Công, phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức cho biết, nhà và đất của gia đình chị khoảng 200m2 nằm gần hết trong diện tích thu hồi xây dựng dự án đường Vành đai 3 TP.HCM.
Đến nay, công tác đo đạc, kiểm đếm đã hoàn thành. “Đây là dự án lớn của thành phố nên tôi và người dân rất ủng hộ”, chị Thủy chia sẻ.
Chỉ tay về căn nhà cấp 4 nằm mặt tiền đường số 23, bà Nguyễn Thị Thảo cho biết, đây nhà thờ của gia đình và dãy nhà kế bên là nơi ở của các con, nhà cửa xây dựng cách đây hơn 20 năm, hiện xuống cấp hết.
Gia đình bà đã ở đây 3 đời, hiện bà sống cùng với 10 người con. “Nhà nước làm đường thì gia đình ai cũng ủng hộ, chỉ mong sao tuyến đường làm thật nhanh”, bà Thảo nói.
Ông Hồ Thanh Phong, Phó ban Bồi thường GPMB TP Thủ Đức cho biết, dự án gặp thuận lợi, việc thẩm định giá, duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sát với giá thị trường nên tỷ lệ đồng thuận rất cao (gần 90%).
Tổng diện tích đất phải thu hồi tại phường Long Trường là 357.194m². Số bị ảnh hưởng là 72/96 thửa đất và 1 tổ chức.
So với các địa phương, TP Thủ Đức đạt kỷ lục về tiến độ bàn giao mặt bằng dự án đường Vành đai 3. “Việc tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đảm bảo sát với giá thị trường. Đây là điều kiện tiên quyết để dẫn đến sự đồng thuận của người dân”, ông Phong nói.
Theo Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư), đối với đoạn qua TP.HCM, hiện các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh đã hoàn thành 100% công tác đo đạc, kiểm đếm; TP Thủ Đức đạt 92%.
Địa phương đang vận động từ ngày 14/4 - 12/5, người dân tự nguyện bàn giao mặt bằng đạt tỷ lệ tối thiểu 80%, vượt kế hoạch để khởi công vào tháng 6.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.HCM cho biết, kế hoạch đến tháng 10/2023 sẽ giao 100% mặt bằng.
Hiện dự án đang ở bước thiết kế, công tác GPMB thuận lợi nên kế hoạch khởi công vào cuối tháng 6 là hoàn toàn khả thi.
Lập tổ chuyên trách tháo gỡ nguồn vật liệu
Tuy nhiên, theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, vấn đề khó khăn hiện nay là nguồn vật liệu, đặc biệt là cát đắp nền đường.
Cùng chia sẻ nỗi lo này, ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM, Hội đồng cố vấn dự án đường Vành đai 3 TP.HCM cho rằng, lãnh đạo thành phố phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa, làm việc với các địa phương để có nguồn vật liệu cung cấp cho dự án.
Theo báo cáo của Sở TN&MT TP.HCM, dự án đường Vành đai 3 TP.HCM cần hơn 7,2 triệu m3 cát đắp nền đường; gần 1,5 triệu m3 cát xây dựng.
Trong khi các địa phương như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An cam kết cấp đủ nguồn đất đắp nền và đá xây dựng thì cát là mối lo lớn nhất.
Theo đó, cát đắp nền có nguy cơ thiếu trầm trọng vì các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long chỉ đáp ứng được khoảng 3,6 triệu m3 (khoảng 50% nhu cầu dự án).
Thế nhưng, 2 địa phương này từ chối cung cấp cát đắp nền cho dự án để ưu tiên phục vụ các dự án trọng điểm tại địa phương.
Vừa qua, ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đã ký văn bản gửi các địa phương ĐBSCL đề nghị ưu tiên cung cấp cát cho dự án đường Vành đai 3. Tuy nhiên đến nay TP vẫn chưa nhận được trả lời từ các tỉnh.
Ông Lương Minh Phúc, Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.HCM cho biết, hiện nay, nguồn vật liệu xây dựng đã đủ cung ứng cho năm 2023.
Tuy nhiên, để chuẩn bị cho năm 2024, là thời gian cao điểm, sắp tới TP.HCM và các địa phương sẽ thành lập tổ công tác chuyên trách về mỏ vật liệu xây dựng.
Theo đó, Sở TN&MT TP.HCM sẽ cùng chủ đầu tư và đơn vị tư vấn tổng rà soát các mỏ vật liệu ở khu vực có tuyến đi qua và khu vực lân cận. TP.HCM sẽ làm việc với từng địa phương, trong đó ưu tiên cho phần cát san lấp hiện đang thiếu.
“Đối với những mỏ nào có thể tăng công suất đề nghị tăng thêm 50%, với những mỏ chưa khai thác cũng có thể lên phương án khai thác theo lộ trình. Sau khi khảo sát, TP.HCM và các địa phương sẽ có kế hoạch phân bổ nguồn vật liệu theo các năm.
Vành đai 3 TP.HCM là dự án giao thông lớn nhất từ trước đến nay ở phía Nam, tổng mức đầu tư hơn 75.300 tỷ đồng (giai đoạn 1). Tuyến Vành đai 3 dài 76km là công trình liên vùng, đi qua 4 địa phương: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
Tuyến đường được dự kiến khởi công giữa năm 2023, hoàn thành sau 3 năm. Đây được xem là cung đường chiến lược, ngoài kết nối giao thông còn tạo hành lang đô thị, công nghiệp không chỉ 4 tỉnh, thành dự án đi qua mà tác động cả vùng kinh tế phía Nam.
Trong đó, đoạn qua TP.HCM dài 47km đi qua TP Thủ Đức và các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh. Tổng diện tích giải phóng mặt bằng khoảng 397ha, với 1.670 trường hợp bị ảnh hưởng, trong đó 663 hộ phải giải tỏa trắng.
Hiện nay, Dự án hiện đang ở bước thiết kế, dự toán. Đến tháng 5 và đầu tháng 6 sẽ đấu thầu để cuối tháng 6 khởi công dự án.