Đường vành đai 3 TP.HCM: Không bàn lùi nữa, phải quyết tâm làm
Đây là nhận định chung của các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, giao thông khi nói về Dự án đường Vành đai 3 trong hội thảo 'Dự án đầu tư đường Vành đai 3 TP.HCM'.
Ngày 11/3, UBND TP.HCM tổ chức hội thảo Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, báo cáo tiền khả thi Dự án Vành đai 3 TP.HCM đã hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, dự kiến tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội XV vào tháng 5/2022.
“Dự án xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM được triển khai sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội không chỉ các tỉnh có dự án đi qua mà còn cho khu vực Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước”, ông Mãi nói.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, TS.Trần Du Lịch cho biết, việc triển khai tuyến đường vành đai 3 hiện nay là rất cấp thiết, nếu giải quyết được việc tắc nghẽn thì việc phát triển kinh tế vùng là rất lớn.
Bởi hiện nay, các đô thị ven TP.HCM đã hình thành nhưng không thể phát triển vì thiếu tính kết nối. Ví dụ như các dự án tại khu vực huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), dù đã được xây dựng từ lâu nhưng chỉ vì tắc nghẽn giao thông mà đến nay vẫn hoang vắng.
Hơn nữa, với điểm nghẽn như vậy thì doanh nghiệp trên địa bàn cũng chịu chi phí logistics rất lớn. Do vậy, việc đầu tư tuyến đường này chính là hỗ trợ doanh nghiệp để cạnh tranh.
“Chúng ta cứ làm đường xong rồi tính thu hồi phí, đây là vấn đề rất nhỏ, mà quỹ đất ven đường mới là nguồn thu chính. Nếu tính toán được thì không chỉ vành đai 3 và vành đai 4 cũng có thể làm được”, TS.Trần Du Lịch nói.
Nói thêm về việc triển khai dự án như thế nào, vị chuyên gia này cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo toàn bộ để phối hợp liên quan đến vấn đề ngân sách. Chỉ có như vậy mới không bị vướng khi triển khai, chứ không thì có triển khai là sẽ bị vướng rồi lại tháo gỡ.
“Nếu có cơ chế huy động vốn tốt, thì các dự án vành đai sẽ sớm hoàn thành và vùng kinh tế trọng điểm sẽ phát triển” TS.Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Toàn cảnh cuộc Hội thảo
PGS TS.Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, chương trình phát triển hạ tầng giao thông chưa bao giờ được triển khai quyết liệt như hiện nay. Do vậy, giờ không bàn lùi nữa, mà phải quyết tâm làm. Không chỉ riêng tuyến vành đai 3, mà còn tất cả các yếu tố khác như cảng biển… Trong đó, phải biết ưu tiên vào những dự án trọng điểm.
Vị chuyên gia này cũng ủng hộ cơ chế đặc thù khi triển khai dự án là chỉ định thầu. Tuy nhiên, cần phải làm rõ ràng, cần phải có những điều kiện ràng buộc thật sự chặt chẽ. Thậm chí, cần có những điều kiện đi kèm cho các nhà thầu như nếu làm tốt thì được thưởng, làm không tốt thì bị phạt.
“Hiệu quả đô thị của TP.HCM là rất lớn, theo đó, dự án này sẽ giúp tạo ra 1 không gian phát triển đô thị cho cả vùng. Tránh tình trạng tập trung công nhân chất lượng thấp vào khu vực trung tâm, gây ách tắc”, PGS TS.Trần Đình Thiên nói.
Phát biểu tại đầu cầu Hà Nội, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, vấn đề quan trọng nhất của tuyến đường vành đai 3 không chỉ đề phát triển đo thị, thu hồi vốn.. mà vấn đề quan trọng khác là giải quyết ùn tắc giao thông. Theo đó, nếu không có những cơ chế mang tính chất đột phá thì khó có thể thực hiện được dự án này.
“Nếu không có cơ chế chính sách này thì vẫn cứ làm, nhưng sẽ mất nhiều thời gian và tốn nhiều nguồn lực. Do vậy, những cơ chế đặc thù cũng là giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án”, ông Thọ nói và cho biết thêm, với kinh nghiệm triển khai các dự án cao cấp khác trên cả nước, Bộ Giao thông Vận tải luôn đồng hành, và sẽ phối hợp cùng TP.HCM và các tỉnh để thực hiện dự án tuyến đường vành đai 3.
Trước đó, trình bày báo tiền khả thi dự án đường Vành đai 3, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. HCM (Ban Giao thông) cho biết, giai đoạn 1 của đường vành đai 3 có chiều dài 76km, trong đó đoạn đi thấp có tổng chiều dài 53km, đoạn trên cao 13km. Tổng kinh phí đầu tư giai đoạn 1 là 75.377 tỷ đồng, riêng phí giải phóng mặt bằng đã hơn 41.589 tỷ đồng.
Sơ đồ hệ thống vành đai, cao tốc, quốc lộ vùng TP.HCM
Theo ông Phúc, đường Vành đai 3 sẽ được đầu tư công, dùng ngân sách địa phương có hỗ trợ từ Trung ương. Trong đó, ngân sách Trung ương dự kiến bố trí 38.740 tỷ đồng để hỗ trợ 50% vốn đầu tư các dự án thành phần trên địa bàn TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và 75% đoạn qua tỉnh Long An.
Đối với phần ngân sách địa phương bố trí cho các đoạn đi qua địa bàn, TPHCM sẽ chi hơn 24.000 tỷ đồng, Đồng Nai khoảng 1.934 tỷ đồng, Bình Dương hơn 9.600 tỷ đồng và Long An hơn 1.050 tỷ đồng…
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, TPHCM và các địa phương kiến nghị Quốc hội được áp dụng một số cơ chế chính sách đặc thù.
Cụ thể: thống nhất tỷ lệ vốn Trung ương và ngân sách địa phương đầu tư dự án; tăng tổng mức vốn trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ các nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương (từ các nguồn đấu giá quỹ đất dọc tuyến, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương,...). Ngoài ra, dự án sau khi hoàn thành sẽ được tổ chức thực hiện thu phí để thu hồi vốn cho ngân sách.
Đồng thời, kiến nghị Quốc hội cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, gói thầu xây lắp để thực hiện dự án…