Duy trì diện tích chè khoảng 8.000ha đến năm 2030

Ngày 24 -10, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 91/KH – UBND ngày 24/10/2024 về phát triển bền vững, đa giá trị cây chè trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2030.

Người dân thôn Phia Chang, xã Sơn Phú (Na Hang) chăm sóc giống chè truyền thống.

Người dân thôn Phia Chang, xã Sơn Phú (Na Hang) chăm sóc giống chè truyền thống.

Theo kế hoạch, tỉnh Tuyên Quang sẽ tập trung phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và truyền thống sản xuất của địa phương để phát triển bền vững, đa giá trị cây chè trên địa bàn. Tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè; ứng dụng đồng bộ các quy trình kỹ thuật, cải thiện nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, phát triển thương hiệu có sức canh tranh cao, nâng cao giá trị thu nhập cây chè, phát triển kinh tế tuần hoàn, khai thác đa giá trị giữa phát triển cây chè với văn hóa, du lịch và dịch vụ.

Đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ ổn định diện tích cây chè khoảng 8.000 ha, năng suất chè búp tươi bình quân đạt 100 tạ/ha, sản lượng ước đạt trên 70.000 tấn/năm; sản xuất trên 14.000 tấn chè thành phẩm/năm. Các địa phương có trách nhiệm bảo tồn cây chè Shan tuyết cổ thụ hiện có, đồng thời tiếp tục trồng thay thế giống chè cũ, đã già cỗi bằng các giống chè mới, chè đặc sản có năng suất cao, chất lượng tốt.

Diện tích trồng chè áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn (Rainforest Alliance, GAP, hữu cơ,…) đạt trên 26%; diện tích trồng chè được cấp mã số vùng trồng đạt trên 15%; diện tích trồng chè áp dụng tưới chủ động, tiết kiệm nước đạt trên 8%. 100% cơ sở sản xuất chè được cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định; 80% sản phẩm chè được sản xuất dưới hình thức hợp tác, liên kết.

Tiếp tục đổi mới công nghệ, đầu tư thiết bị đồng bộ, hiện đại; áp dụng các tiêu chuẩn ISO, HACCP, GMP,… để nâng cao chất lượng sản phẩm chè và đa dạng hóa các sản phẩm chè. Áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến trong chế biến; kiểm soát chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm các khâu trong quá trình sản xuất và chế biến, tiếp tục xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm chè Shan tuyết Na Hang đã có chỉ dẫn địa lý. Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm chè Tuyên Quang tại thị trường trong nước và quốc tế.

Trong khâu tổ chức sản xuất sẽ thu hút các doanh nghiệp đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu tập trung; hình thành, phát triển các chuỗi sản xuất bền vững, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt, dẫn dắt, đưa khoa học công nghệ, trình độ quản trị và kinh tế số vào chuỗi giá trị. Tiếp tục trồng thay thế giống chè cũ, đã già cỗi bằng các giống chè mới, chè đặc sản có năng suất cao, chất lượng tốt đối với vùng đồi thấp; trồng bổ sung, cải tạo diện tích chè Shan tuyết sản xuất tại huyện Na Hang và huyện Lâm Bình.

Đồng thời, quản lý chặt chẽ hoạt động của các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh đảm bảo giống đưa vào canh tác trên địa bàn tỉnh có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển Hợp tác xã cả về chiều rộng và chiều sâu, đặc biệt chú trọng hỗ trợ thành lập mới và nâng cao năng lực cho các thành viên Hợp tác xã để xây dựng liên kết bền vững giữa doanh nghiệp, Hợp tác xã với người sản xuất cây chè. Xây dựng, phát triển các vùng sản xuất chè theo hướng sinh thái gắn với phát triển du lịch, hình thành một số điểm quảng bá văn hóa vùng chè Shan tuyết cổ thụ gắn với du lịch cộng đồng tại huyện Na Hang và huyện Lâm Bình.

Các địa phương có nguồn cây chè Shan tuyết cổ thụ có trách nhiệm lưu giữ nguồn gen giống chè bản địa thông qua hoạt động bình tuyển, quản lý cây mẹ, cây đầu dòng, vườn giống gốc... Thực hiện trồng mới, trồng thay thế tại các vùng sản xuất tập trung bằng các giống chè mới, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, phù hợp với từng vùng sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất chè an toàn theo hướng ứng dụng công nghệ cao, bền vững, áp dụng các biện pháp: Tưới tiết kiệm, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc hạn chế sử dụng hóa chất vô cơ; trồng cây che bóng bổ sung cho vườn chè; kỹ thuật đốn, hái chè bằng máy không để ảnh hưởng đến năng suất, tuổi thọ vườn chè, nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với chè nguyên liệu phục vụ nhu cầu chế biến.

Tin, ảnh: Lê Duy

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/duy-tri-dien-tich-che-khoang-8000ha-den-nam-2030!-200793.html