{Emagazine} Ninh Bình - Dấu son trong bản hùng ca Việt-Lào (Kỳ 2)
Trong tâm khảm của người dân hai nước Việt Nam và Lào, ai cũng thuộc câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Việt -Lào hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long" và câu nói của Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản: "Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào - Việt Nam mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông".
Những chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam với tình cảm vô tư, trong sáng cũng không hề mảy may suy nghĩ đến sự hàm ơn, bởi họ luôn quan niệm "sống là cho đi, đâu chỉ nhận riêng mình".
Cựu chiến binh Lê Văn Đường chia sẻ: Sau trận đánh ở tỉnh Sa-văn-na-khệt đầu năm 1984, tôi và các đồng đội tiếp tục tham gia nhiều trận đánh khác nữa. Đến năm 1985, chúng tôi tạm biệt đất nước Lào trở về quê hương Việt Nam, hành trang mang theo là những tình cảm lưu luyến của quân và dân nước bạn.
Cũng theo ông Đường: Suốt mấy mươi năm qua, kể từ ngày chia tay nước bạn Lào, vì nhiều nguyên do, ông cũng như nhiều bộ đội Lào từng vào sinh ra tử trong những năm tháng tham gia chiến đấu trên đất Lào bặt tin nhau. Ông cũng không hề biết rằng, vị lãnh đạo tỉnh Sa-văn-na-khệt mà họ đã nỗ lực bảo vệ an toàn trong trận đánh ác liệt ngày ấy sau này lại chính là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bun-nhăng Vo-la-chít! Chỉ đến năm 2017, trong một lần Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bun-nhăng Vo-la-chít sang thăm Việt Nam và ngỏ ý mong muốn tìm lại những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã kề vai sát cánh cùng với các lực lượng vũ trang Lào trong trận đánh ở tỉnh Sa-văn-na-khệt năm xưa, thông tin về trận đánh đó mới được hé mở…
Sau nhiều cơ duyên, cựu chiến binh Lê Văn Đường và một số cựu chiến binh Quân tình nguyện Việt Nam đã vinh dự được mời sang Lào để gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bun-nhăng Vo-la-chít. "Đó là một cuộc hội ngộ đầy bất ngờ trong niềm xúc cảm trân quý. Không nặng nề các nghi lễ xã giao, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bun-nhăng Vo-la-chít đã ôm chặt lấy từng cựu chiến binh Quân tình nguyện Việt Nam, rồi rưng rưng xúc động nhắc nhớ về trận đánh năm xưa. Điều làm chúng tôi bất ngờ hơn, tưởng chừng như sau ngần ấy năm xa cách, bụi thời gian đã xóa nhòa bao kỷ niệm, ấy vậy mà trong câu chuyện của vị nguyên thủ quốc gia Lào vẫn luôn đậm sâu những chiến công của Quân tình nguyện Việt Nam và bộ đội Lào cùng với những lời thán phục và sự biết ơn sâu sắc"- Cựu chiến binh Lê Văn Đường xúc động chia sẻ.
Sau lần gặp gỡ đó, năm 2018, nhân chuyến thăm, làm việc với tỉnh Ninh Bình, mặc dù thời gian eo hẹp, song Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bun-nhăng Vo-la-chít vẫn không quên dành thời gian để gặp gỡ, trò chuyện cùng cựu chiến binh Lê Văn Đường và một số Cựu chiến binh Quân tình nguyện Việt Nam. Tại đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bun-nhăng Vo-la-chít đã thân mời ông Đường cùng các đồng đội trở lại thăm chiến trường Lào năm xưa.
Cuối năm 2018, ông Đường và các đồng đội có dịp trở lại chiến trường Lào và được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bun-nhăng Vo-la-chít cùng phu nhân đích thân đón tiếp, mở tiệc chiêu đãi. Trong chuyến đi đó có cả cựu chiến binh Trần Văn Lanh.
Cựu chiến binh Trần Văn Lanh nhớ lại: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bun-nhăng Vo-la-chít đã đón tiếp chúng tôi ngay tại tư gia. Trong các cuộc trò chuyện, Tổng Bí thư, Chủ tịch Bun-nhăng Vo-la-chít không quên nhắc nhở: trong điều kiện tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến phức tạp, nhanh chóng, hơn bao giờ hết nhân dân hai nước, đặc biệt thế hệ trẻ hai nước cần phải có trách nhiệm cao trong việc bảo vệ, giữ gìn, phát huy quan hệ hiếm có, trong sáng giữa nhân dân hai nước Lào - Việt Nam ngày càng có hiệu quả, mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình hữu nghị, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Cựu chiến binh Lê Văn Đường xúc động chia sẻ: Năm 2017, khi gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bun-nhăng Vo-la-chít, tôi đã tặng ông một bức tranh phong cảnh Tràng An. Năm 2018, chúng tôi có dịp trở lại thăm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và nhận thấy bức tranh phong cảnh Tràng An mà tôi tặng năm xưa được ông treo trang trọng tại phòng khách của tư gia. Điều này khiến chúng tôi vô cùng cảm kích.
Cũng theo ông Đường, các cựu chiến binh Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào đã thật sự xúc động trước sự đón tiếp nồng hậu, chu đáo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bun-nhăng Vo-la-chít và phu nhân dành cho Đoàn. Ngoài việc được sắp xếp nơi ăn, nghỉ, Đoàn còn được tổ chức dâng hương tưởng niệm tại Nhà thờ liệt sỹ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại CHDCND Lào và được thăm lại chiến trường xưa; được gặp gỡ, giao lưu với các thành viên trong Hiệp hội cựu chiến binh Lào…
Trong các buổi giao lưu, những người lính của hôm qua và hôm nay cùng cất cao lời ca, tiếng hát, vỗ tay theo nhịp điệu của những ca khúc quen thuộc như: Cô gái Sầm Nưa; Chung một dòng sông, Anh em Việt - Lào… Không ai bảo ai nhưng họ đều có chung một tâm niệm, hãy gìn giữ những tình cảm anh em, đồng đội cao quý.
Ông Lê Văn Đường cho biết: Hiện Ban liên lạc Hội đồng ngũ Binh đoàn 678 Hà Nam Ninh có gần 500 thành viên với 30 chi hội ở các địa phương. Nhằm gắn kết hơn nữa tình đồng chí, đồng đội, cứ 5 năm, Ban liên lạc lại tổ chức gặp mặt một lần. Mỗi lần gặp mặt, trong câu chuyện của các cựu chiến binh đều luôn nhắc tới đất nước bạn Lào, bởi ở đó có những trận chiến ác liệt, nhưng cũng ở nơi đấy còn có những người luôn biết tri ân và làm những điều nhân nghĩa…
Hiếm có nơi nào trên đất Việt lại sở hữu biểu trưng của tình đoàn kết Việt-Lào như ở Ninh Bình với ngôi đền duy nhất ở Việt Nam thờ công chúa nước ngoài-Đền thờ công chúa Nhồi Hoa. Với truyền thống, đạo lý trọng tình, ân nghĩa của người Việt Nam, nhiều năm qua, Ninh Bình đã luôn nỗ lực trùng tu, tôn tạo di tích, để nơi đây luôn là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, đó cũng là cách mà người Ninh Bình tri ân đối với những sẻ chia, ủng hộ và giúp đỡ quý báu của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Lào anh em.
Ông Đinh Văn Việt - Trưởng thôn Thái Sơn (xã Sơn Lai, huyện Nho Quan) cho biết: Tự ngàn xưa cho đến nay, nhân dân trong vùng vẫn luôn nhắc nhở phải cùng nhau gìn giữ, chăm nom, bảo vệ di tích Đền Thượng. Bày tỏ tấm lòng tri ân công đức với Bà chúa Hoa (Danh xưng mà người dân trong vùng tôn kính dành cho công chúa Nhồi Hoa-PV), hàng tháng, vào ngày mùng 1, ngày rằm, nhân dân địa phương lại đến đây dọn dẹp khuôn viên của Đền và thắp hương tưởng nhớ công đức của Bà chúa Hoa. Đặc biệt, hàng năm, vào ngày 3/3 (âm lịch), nhân dân trong xã tổ chức lễ hội truyền thống của Đền. Lễ hội được tổ chức gồm hai phần, phần lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm, thể hiện lòng thành kính, tri ân công đức của Bà chúa Hoa; phần hội được tổ chức sôi nổi với nhiều tiết mục múa theo điệu Chămpa - vũ điệu cổ truyền của đất nước Lào.
Cũng theo ông Trưởng thôn Thái Sơn, vào ngày mở hội truyền thống, Đền thu hút khá đông khách thập phương đến tham dự, ai cũng muốn dâng nén nhang thành kính tỏ lòng tri ân công đức đối với Bà chúa Hoa- công chúa nước Lào đã có công giúp nước Đại Việt đánh giặc ngoại xâm. Đây cũng là dịp để người dân địa phương giới thiệu các giá trị của di tích, giáo dục cho thế hệ trẻ về đạo lý hiếu nghĩa, truyền thống bang giao hữu nghị, gắn bó lâu đời suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của hai dân tộc Việt- Lào.
Đền Thượng được xây dựng vào thời Hậu Lê. Hiện tại đền còn lưu giữ khá nhiều hiện vật, các sắc phong, đồ thờ, thời Nguyễn. Với những giá trị lịch sử, cùng kiến trúc độc đáo, đền Thượng được Nhà nước xếp hạng và công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2007.
Bà Nguyễn Thị Phương, người dân thôn Thái Sơn tự hào chia sẻ: Trong nhiều năm trở lại đây, di tích Đền Thượng luôn được tỉnh, huyện, xã quan tâm trùng tu, tôn tạo. Người dân trong thôn rất phấn khởi. Để thể hiện lòng tri ân công đức sâu sắc đối với Bà chúa Hoa, bằng tình cảm, trách nhiệm của mình, người già trong làng Thái Sơn thường bảo nhau ngày mười tư, mười rằm tổ chức hương nhang, dọn dẹp khu vực đền, nhiều thanh niên trong làng cũng tích cực học các điệu múa Chămpa để biểu diễn trong ngày lễ hội truyền thống của Đền… Dường như ai cũng mong muốn được đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình để lưu giữ, bảo tồn di tích Đền Thượng - một biểu trưng của của tình hữu nghị Việt - Lào.
Trải qua biến thiên thăng trầm của lịch sử, Đền Thượng đã nhiều lần được trùng tu tôn tạo và trở thành địa danh văn hóa, tâm linh của nhân dân trong vùng. Đền được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2007.
Đặc biệt, để sáng tỏ về thời đại lịch sử, nhất là những đóng góp quý báu của công chúa Nhồi Hoa nước Lào đối với đất nước Việt Nam, tỉnh Ninh Bình cũng đã có nhiều hoạt động như: Tổ chức các Hội thảo khoa học nghiên cứu và phục dựng Đền thờ công chúa nước Lào tại Ninh Bình; phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan để xây dựng Đề án tôn tạo và phục dựng đền thờ công chúa Nhồi Hoa… Qua đó góp phần làm sâu đậm hơn giá trị lịch sử, văn hóa vùng đất Cố đô Hoa Lư và mối tình bằng hữu bang giao giữa Việt Nam-Lào; huy động các nguồn lực để chăm lo, trùng tu, tôn tạo di tích, đưa nơi đây thực sự trở thành biểu tượng văn hóa đẹp của tình hữu nghị Việt - Lào son sắt thủy chung trong suốt chiều dài lịch sử.
Đối với không ít người dân Lào, mỗi khi đến thăm Đền thờ Công chúa Nhồi Hoa, với họ nơi này không chỉ là điểm đến tham quan du lịch đầy ý nghĩa về văn hóa, lịch sử của Ninh Bình mà còn được ví như là một nơi "trở về", bởi họ được gặp lại một phần lịch sử Lào ngay trên đất nước Việt Nam.
Em Alom Khonesavanh, lưu học sinh Lào tại Trường Đại học Hoa Lư cho biết: Trong thời gian học tại Trường Đại học Hoa Lư, vào dịp Lễ, Tết cổ truyền của Lào, em đều được Ban Giám hiệu nhà trường tạo điều kiện lên dâng hương, dâng hoa tại Đền thờ công chúa Nhồi Hoa. Đặc biệt, vào dịp 3/3 âm lịch năm 2024, em và một số sinh viên Lào đã cùng tham gia phần hội, được biểu diễn điệu múa Chămpa với nhân dân trong thôn, em rất xúc động bởi không ngờ người Việt Nam lại có thể múa điệu Chămpa một cách thành thục, uyển chuyển.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHDCND Lào tại Việt Nam Khăm-Phâu Ân-Thạ-Văn đã rất xúc động khi đến thăm di tích. Đại sứ chia sẻ: Sử sách về công chúa Nhồi Hoa đã cho thấy mối tình hữu nghị, đoàn kết, gắn bó giữa hai dân tộc Việt Nam-Lào, đã được xây dựng từ nhiều thế kỷ qua. Đến tham quan di tích, chúng tôi cảm nhận rõ sự tri ân và lòng tôn kính của người dân địa phương dành cho công chúa Nhồi Hoa. Đây cũng là một trong những minh chứng cho thấy sự kết nối giao lưu văn hóa, lịch sử giữa hai quốc gia ngày một chặt chẽ, qua đó góp phần tăng cường sự hiểu biết, thắt chặt hơn tình đoàn kết đặc biệt, sự hợp tác toàn diện giữa nhân dân hai nước Việt -Lào nói chung và mối quan hệ hữu nghị giữa tỉnh Ninh Bình với các tỉnh của Lào nói riêng.
Khi văn hóa được giao thoa, điều đó cũng có nghĩa Ninh Bình và Lào sẽ trở nên thật gần, bởi trong tim nhiều người Ninh Bình luôn hiện hữu tình cảm của người Lào và ngược lại.
Nằm trong Quần thể Danh thắng Tràng An, Đền thờ công chúa Nhồi Hoa là một điểm đến đầy ý nghĩa về văn hóa, lịch sử và ngoại giao, đồng thời góp phần vào sự phát triển du lịch tại Ninh Bình. Với tình cảm và trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Ninh Bình trong việc trùng tu, tôn tạo di tích, Đền thờ công chúa Nhồi Hoa sẽ là điểm đến đầy ý nghĩa về văn hóa, lịch sử của du lịch Ninh Bình trong tương lai. Nhưng trên hết, di tích là biểu tượng của tình hữu nghị Việt-Lào đời đời bền vững, như mạch nguồn chảy mãi.
Đón đọc kỳ cuối: Sát cánh cùng nhau tiếp bước.