EU khuyến nghị người dân chuẩn bị bộ dụng cụ sinh tồn trong 72 giờ, sẵn sàng cho chiến tranh
Xung đột Nga-Ukraine chưa kết thúc và tình hình an ninh ở châu Âu vẫn căng thẳng. Liên minh châu Âu thúc đẩy kế hoạch mới, khuyến nghị công dân 27 quốc gia thành viên chuẩn bị cho chiến tranh và thiên tai, tích trữ 'bộ dụng cụ sinh tồn 72 giờ'.

Ủy viên EU quản lý khủng hoảng Hadjia Lahbib khuyến nghị dân chúng các nước thành viên chuẩn bị sẵn bộ dụng cụ sinh tồn. Ảnh: AFP.
Động thái này phản ánh nhận thức ngày càng tăng của châu Âu về các cuộc xung đột hoặc thảm họa tiềm tàng trong bối cảnh chiến tranh Nga-Ukraine và căng thẳng toàn cầu leo thang.
Bà Hadja Lahbib, Ủy viên EU Quản lý khủng hoảng, ngày 27/3 đưa ra đề xuất trên đây như một phần của kế hoạch "ứng phó khủng hoảng và chuẩn bị cho quốc gia" chung của EU. Khái niệm về bộ dụng cụ sinh tồn cơ bản sẽ được quảng bá tới dân chúng, bao gồm các vật dụng quan trọng như đèn pin, nước đóng chai, thực phẩm đóng hộp và giấy tờ tùy thân...
Các thành viên của nhóm trung dung "Renew Europe" (Phục hưng châu Âu) tại Nghị viện châu Âu cách đây vài ngày cũng đã viết thư cho Chủ tịch EU Ursula von der Leyen, đề xuất rằng một cuốn "sổ tay ứng phó khủng hoảng" cần được gửi tới tất cả công dân EU để giúp mọi người đối phó với những rủi ro khác nhau, từ chiến tranh đến thảm họa khí hậu, dịch bệnh và thậm chí là tấn công mạng.

Chiến tranh Nga-Ukraine chưa chấm dứt, EU đề nghị công dân các nước chuẩn bị sẵn bộ sinh tồn để ứng phó chiến tranh lan rộng. Ảnh: Reuters/SingTao.
Trong khi chiến tranh Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn và cam kết của Mỹ đối với quốc phòng châu Âu vẫn chưa rõ ràng, nhiều nước EU và NATO đang đẩy nhanh chuẩn bị quân sự và tăng chi tiêu quốc phòng.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào tháng trước đã phát biểu: "Nga đã đưa cuộc chiến tranh ở Ukraine lên tầm toàn cầu...Liệu cuộc chiến có dừng lại trên chiến trường Ukraine không? Chúng ta chỉ có thể cầu nguyện điều đó".
Tuy nhiên, mức độ chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu giữa các quốc gia thành viên EU rất khác nhau. Ngân sách quốc phòng của Ba Lan và Estonia, hai quốc gia giáp với Nga, chiếm lần lượt 4,12% và 3,43% GDP, trong khi ngân sách của Tây Ban Nha và Italy chỉ dưới 1,5%.
Hệ thống nghĩa vụ quốc gia cũng phản ánh sự khác biệt trong cách phản ứng của các quốc gia: các nước Bắc Âu như Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy vẫn duy trì chế độ nghĩa vụ quân sự, nhưng các quốc gia như Vương quốc Anh lại phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng trong tuyển dụng. Số lượng quân nhân Anh đang tại ngũ đã giảm xuống dưới 70.000, mức thấp kỷ lục hiện nay, và ý muốn gia nhập quân đội của những người trẻ tuổi ngày càng giảm.
Trong nội bộ EU vẫn còn những lo ngại sâu sắc về ý định của Nga. Các nhà phân tích chỉ ra rằng nếu Nga và Ukraine đạt được lệnh ngừng bắn nhưng không cho phép Ukraine tái vũ trang, Nga có thể nhân cơ hội này để tổ chức lại quân đội và tiến hành thêm các hành động chống lại các vùng lãnh thổ có chủ quyền của châu Âu. Khi đó, nếu Nga nhắm vào các quốc gia thành viên NATO, họ có thể gây ra một cuộc chiến tranh ở châu Âu hoặc thậm chí là toàn cầu.