EU muốn giải cứu Đức khỏi khủng hoảng khí đốt

Các Bộ trưởng năng lượng của Liên minh châu Âu (EU), họp tại Brussels vào thứ Ba, dường như đã đạt được thỏa thuận giảm tiêu thụ khí đốt một cách có phối hợp và từ đó giúp Đức, sau khi Nga giảm mạnh lượng cung cấp.

"Sự đoàn kết của châu Âu là hoàn toàn cần thiết", Bộ trưởng Pháp Agnès Pannier-Runacher nói. Bà cảnh báo: "Các chuỗi sản xuất công nghiệp của chúng ta hoàn toàn phụ thuộc lẫn nhau. Nếu ngành hóa chất ở Đức ho thì toàn bộ ngành công nghiệp châu Âu có thể nhập viện".

Tập đoàn khổng lồ Gazprom của Nga thông báo từ thứ Tư họ sẽ giảm mạnh lượng cung cấp tới châu Âu thông qua đường ống dẫn khí Nord Stream xuống còn 33 triệu m3 mỗi ngày, vì lý do phải bảo trì turbine.

“Việc cắt giảm mới này là bằng chứng bổ sung cho thấy châu Âu phải giảm sự phụ thuộc càng sớm càng tốt" vào Nga”, Bộ trưởng Séc phụ trách Năng lượng nhấn mạnh. Séc đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng EU.

Ông Jozef Sikela cho biết: “Sự đoàn kết và thống nhất là vũ khí tốt nhất mà chúng ta có để chống lại Nga và tôi chắc chắn đó là những gì chúng ta có thể làm hôm nay”.

Tuần trước, Brussels đã đề xuất giảm nhu cầu khí đốt của châu Âu xuống 15% so với tháng 8, để có thể vượt qua mùa đông tới mà không gặp thảm họa lớn. Nga chiếm khoảng 40% lượng nhập khẩu khí đốt của EU cho đến năm ngoái.

Kế hoạch của Brussels đề xuất rằng mỗi quốc gia thành viên EU nên làm "mọi thứ có thể", trong khoảng thời gian từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023, để giảm lượng tiêu thụ khí đốt của họ ít nhất 15% so với mức trung bình của 5 năm qua, đặc biệt bằng cách giảm nhiệt độ của các tòa nhà.

Biện pháp bất đắc dĩ này nhằm mục đích tổng hợp nỗ lực trong trường hợp khẩn cấp để giúp Đức, vì nước này phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt của Nga. Một cú sốc lớn đối với nền kinh tế hàng đầu của châu Âu chắc chắn sẽ gây ra hậu quả đối với tất cả 27 nước EU. Do đó cần có sự đoàn kết.

"Đó không chỉ là vấn đề của Đức, mà là vấn đề của Trung và Đông Âu vốn đã mù quáng phụ thuộc vào khí đốt giá rẻ của Nga quá lâu. Và bây giờ chúng ta phải cùng nhau giải quyết vấn đề này", Bộ trưởng Đức Robert Habeck nói.

Ông giải thích: “Đức đã mắc sai lầm chiến lược trong quá khứ” khi nuôi dưỡng sự phụ thuộc này vào Moscow và Chính phủ đang nỗ lực để loại bỏ nó.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/eu-muon-giai-cuu-duc-khoi-khung-hoang-khi-dot-661109.html