EU sẵn sàng tung 'át chủ bài' nếu ông Trump thực hiện đòn thuế 30%

Liên minh châu Âu đang chuẩn bị danh sách áp thuế trả đũa hàng hóa Mỹ trị giá 84 tỷ USD nếu các cuộc đàm phán thương mại thất bại trước thời hạn 1/8 do Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: EPA.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: EPA.

Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị một danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ để áp dụng biện pháp thuế trả đũa, trong bối cảnh hai bên có thể không đạt được thỏa thuận thương mại trước thời hạn 1/8 do Tổng thống Trump đặt ra. Danh sách này bao gồm nhiều mặt hàng đa dạng từ máy bay, thiết bị y tế đến đồ uống có cồn và cà phê.

Động thái này được các quan chức EU công bố hôm đầu tuần, sau khi Tổng thống Trump bất ngờ đưa ra lời đe dọa áp thuế mới vào cuối tuần trước. Sự kiện này đã khơi lại cuộc tranh luận trong nội bộ khối về việc liệu EU có nên đáp trả hay không, và nếu có thì mức độ phản ứng như thế nào là phù hợp trong trường hợp đàm phán thất bại.

Trước đó vào tháng 4, EU từng tạm dừng kế hoạch áp thuế trả đũa sau khi ông Trump tuyên bố sẽ giới hạn mức thuế áp lên phần lớn các quốc gia ở mức 10% trong vòng 90 ngày. Theo tài liệu nội bộ được tờ Wall Street Journal tiếp cận, danh sách mới nhất của EU nhắm vào các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ có tổng giá trị lên tới khoảng 84 tỷ USD trong năm ngoái.

Trong tổng giá trị này, khoảng 77 tỷ USD thuộc về các mặt hàng công nghiệp như máy bay, máy móc, linh kiện ô tô, hóa chất, nhựa và thiết bị y tế. Phần còn lại trị giá khoảng 7 tỷ USD là các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm bao gồm trái cây, rau củ, rượu vang, bia và các loại rượu mạnh.

Hiện các quan chức EU đang tích cực thảo luận về các điều kiện cụ thể để triển khai biện pháp thuế quan này. Đáng chú ý, khối này cũng đang xem xét khả năng mở rộng phạm vi trả đũa không chỉ giới hạn ở hàng hóa hữu hình mà còn có thể bao gồm cả các dịch vụ đến từ Mỹ.

Vấn đề thuế quan Mỹ-EU lại một lần nữa trở thành tâm điểm khi Tổng thống Trump gửi thư cảnh báo sẽ áp mức thuế phổ quát 30% lên hàng hóa châu Âu từ ngày 1/8. Động thái này khiến giới chức EU ngỡ ngàng, bởi trước đó hai bên được cho là đã tiến rất gần tới một thỏa thuận sơ bộ.

Phát biểu hôm đầu tuần, ông Trump khẳng định: "Các thỏa thuận đã hoàn tất. Những lá thư chính là thỏa thuận... Không còn gì để đàm phán thêm". Tuy nhiên, ông cũng để ngỏ những khả năng khác: "Những nước nhận thư của tôi đều muốn một thỏa thuận theo cách khác, và chúng tôi luôn sẵn sàng đàm phán... kể cả với châu Âu".

Phản ứng trước diễn biến này, Bộ trưởng Thương mại Pháp Laurent Saint-Martin đã có cuộc gặp khẩn cấp với Cao ủy Thương mại EU Maros Sefcovic tại Brussels.

Sau cuộc họp, ông Sefcovic nhận định mức thuế 30% mà Mỹ đe dọa áp dụng sẽ tạo ra "rào cản thương mại gần như không thể vượt qua" giữa hai nền kinh tế. Dù vậy, ông vẫn bày tỏ thiện chí: "Tôi không thể tưởng tượng việc chúng ta từ bỏ mà không có bất kỳ nỗ lực đàm phán chân thành nào".

 EU đã lên sẵn danh sách các loại hàng hóa Mỹ mà họ có thể áp thuế để trả đũa. Ảnh: WSJ.

EU đã lên sẵn danh sách các loại hàng hóa Mỹ mà họ có thể áp thuế để trả đũa. Ảnh: WSJ.

Trong cuộc họp khẩn tại Brussels, các bộ trưởng thương mại từ 27 quốc gia thành viên EU đã thống nhất quan điểm rõ ràng: Nếu đàm phán với Mỹ thất bại, khối sẽ áp dụng các biện pháp bảo vệ nền kinh tế. Ông Sefcovic gọi đây là những biện pháp "tái cân bằng" cần thiết đối với Mỹ.

Ngay trước khi Tổng thống Trump có phát biểu tại Nhà Trắng, ông Sefcovic nhấn mạnh: "Đây là lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu đối thoại với Mỹ, tôi chứng kiến sự đồng thuận mạnh mẽ đến vậy về việc EU cần đáp trả nếu đàm phán đổ vỡ". Vị Cao ủy EU khẳng định: "Mọi phương án đều được cân nhắc, và chúng tôi sẽ hành động từng bước thận trọng".

Giới chức châu Âu đang xem xét sử dụng một công cụ pháp lý chưa từng được triển khai - "cơ chế chống cưỡng ép" - như một cách thể hiện lập trường cứng rắn trước áp lực thương mại từ Mỹ. Cơ chế này cho phép EU áp dụng các biện pháp trả đũa, bao gồm cả việc đánh thuế lĩnh vực dịch vụ của Mỹ. Tuy nhiên, cách thức EU sẽ vận dụng công cụ này trong một cuộc đối đầu thương mại thực sự với Washington vẫn là điều chưa rõ ràng.

Các biện pháp khác trong phạm vi cơ chế này có thể bao gồm việc hạn chế quyền sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ tại châu Âu, hoặc giới hạn khả năng của họ trong việc tham gia các gói thầu công. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen từng gợi ý rằng EU có thể xem xét việc đánh thuế vào doanh thu quảng cáo số của các tập đoàn công nghệ Mỹ.

Phát biểu hôm Chủ nhật tuần trước, bà von der Leyen cho biết EU sẽ tiếp tục đàm phán với Mỹ đến hết ngày 1/8. Bà khẳng định cơ chế chống cưỡng ép chỉ nên được sử dụng trong những tình huống đặc biệt, đồng thời nhấn mạnh: “Chúng ta vẫn chưa đến mức phải dùng đến nó”.

Tuy nhiên, một trở ngại lớn đối với EU là việc Tổng thống Trump thường gắn chính sách thuế quan với những vấn đề không liên quan đến thương mại. EU vẫn đang phụ thuộc phần lớn vào Mỹ trong lĩnh vực an ninh châu Âu, và các quan chức lo ngại Trump có thể tiếp tục đẩy mạnh áp lực chính trị, ví dụ như cắt giảm hỗ trợ dành cho Ukraine.

Theo Wall Street Journal, tuần trước EU đã gần đạt được một thỏa thuận với Mỹ, theo đó khối này sẽ chấp nhận mức thuế 10% mà Washington áp dụng đồng loạt với phần lớn hàng hóa. Một số quốc gia thành viên EU coi đây là sự nhượng bộ lớn. Các quan chức kỳ vọng điều đó có thể giúp khối tránh được các mức thuế cao hơn trong tương lai.

Hai bên đã xem xét khả năng miễn trừ một số mặt hàng quan trọng khỏi mức thuế chung 10%, bao gồm rượu mạnh, máy bay và các linh kiện hàng không. Đặc biệt, EU đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp giảm nhẹ tác động lên ngành công nghiệp ô tô - lĩnh vực hiện phải chịu mức thuế nhập khẩu cao 25% vào thị trường Mỹ.

Trong những tuần gần đây, các cuộc thảo luận nội bộ EU về biện pháp trả đũa đã tạm ngưng khi khối tập trung toàn lực cho việc đạt được thỏa thuận với Washington. Trước đó vào tháng 4, EU từng thông qua gói thuế trả đũa đầu tiên nhắm vào 24 tỷ USD hàng hóa Mỹ, từ kẹo cao su, xe máy đến bơ đậu phộng, nhằm đáp trả thuế kim loại của Mỹ. Tuy nhiên, gói này nhanh chóng bị hoãn lại sau khi Tổng thống Trump tạm dừng một số biện pháp thuế quan để tạo điều kiện đàm phán.

Gói thuế trả đũa đầu tiên vốn dự kiến có hiệu lực trong tuần này đã được Ủy ban châu Âu quyết định tiếp tục hoãn đến đầu tháng 8. Song song đó, một gói thuế trả đũa thứ hai đã được trình lên các nước thành viên vào thứ Hai, với giá trị hàng hóa Mỹ bị ảnh hưởng giảm từ 111 tỷ USD xuống còn khoảng 84 tỷ USD sau quá trình tham vấn với các doanh nghiệp và chính phủ thành viên. Gói thuế mới này vẫn cần được các nước thành viên phê chuẩn trước khi chính thức áp dụng.

Phát biểu về chiến lược của EU, Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen nhận định: "Có một câu nói rằng muốn có hòa bình thì phải chuẩn bị cho chiến tranh. Tôi nghĩ đó chính xác là tình thế hiện tại của chúng ta".

Nhật Anh

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/eu-san-sang-tung-at-chu-bai-neu-ong-trump-thuc-hien-don-thue-30-post187583.html