EU 'vạ lây' từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
Chính sách thuế quan cứng rắn của ông Trump đối với Trung Quốc có thể đẩy làn sóng hàng hóa giá rẻ tràn sang châu Âu, đe dọa ngành công nghiệp bản địa và gây chia rẽ nội bộ EU.
Trong nhiều năm, Trung Quốc đã là đối thủ kinh tế đáng gờm của Liên minh châu Âu (EU). Các sản phẩm như ôtô điện, hàng điện tử tiêu dùng, đồ chơi trẻ em hay thép công nghiệp được xuất khẩu với giá rẻ đáng kinh ngạc - phần lớn hướng đến thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, sau khi chính quyền Trump công bố mức thuế mới cao ngất ngưởng nhằm vào hàng Trung Quốc, dòng thương mại này buộc phải chuyển hướng - và châu Âu đang trở thành điểm đến tiếp theo.

Châu Âu đối mặt với một mối lo mới: Làn sóng hàng hóa giá rẻ từ Bắc Kinh tràn vào, đe dọa bóp nghẹt nền công nghiệp bản địa vốn đang phục hồi sau đại dịch. Ảnh: The New York Times.
Nỗi lo hàng Trung Quốc “đổ bộ”
Nỗi lo lớn dần khi nhiều quốc gia như Pháp, Đức, Ý hay Tây Ban Nha đối mặt nguy cơ bị hàng Trung Quốc “xả hàng tồn”, gây áp lực lớn lên các ngành công nghiệp địa phương vốn đang chật vật tái thiết sau dịch bệnh và các cú sốc năng lượng, New York Times cho biết.
“Thách thức dư thừa công suất từ Trung Quốc đã âm ỉ từ lâu, nhưng giờ nó thực sự đã gõ cửa các thủ đô châu Âu”, bà Liana Fix, chuyên gia tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Mỹ), nhận định. “Châu Âu không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đứng lên tự bảo vệ mình”.
Trước làn sóng lo ngại gia tăng, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cam kết giám sát chặt dòng hàng Trung Quốc vào khu vực, đồng thời tuyên bố sẽ không dung thứ cho tình trạng bán phá giá. Một tổ công tác đặc biệt được thành lập để phát hiện sớm các hành vi vi phạm thương mại công bằng.
Bà von der Leyen cũng duy trì thái độ “cứng rắn nhưng xây dựng” khi nhấn mạnh sẽ tiếp tục hợp tác với Bắc Kinh, song không bỏ qua các tác động gián tiếp từ chính sách thuế của Mỹ.
“Chúng tôi không thể hấp thụ công suất dư thừa toàn cầu, và cũng không chấp nhận việc bán phá giá vào thị trường nội địa”, bà nói.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố sẽ duy trì thái độ cứng rắn nhưng xây dựng với EU. Ảnh: Reuters.
Giới phân tích nhận định đây là phản ứng tỉnh táo trong bối cảnh Brussels đang cố gắng tránh bị cuốn vào vòng xoáy căng thẳng Mỹ - Trung.
“Họ vẫn giữ lập trường cứng rắn với Trung Quốc, vì nếu không làm vậy, họ sẽ mất thế chủ động”, bà Janka Oertel, Giám đốc chương trình châu Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, bình luận.
Nội bộ bất đồng
Tuy nhiên, khối EU không hoàn toàn thống nhất trong cách tiếp cận với Trung Quốc. Trong khi Ủy ban châu Âu cố gắng đưa ra tiếng nói tập thể, một số quốc gia thành viên lại theo đuổi lợi ích riêng.
Điển hình, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez vừa có chuyến thăm Bắc Kinh, bắt tay với Chủ tịch Tập Cận Bình và kêu gọi tăng cường hợp tác kinh tế song phương - một động thái được xem là nhằm tranh thủ đầu tư và tạo thêm việc làm.
Tương tự, Đức từng phản đối kế hoạch tăng thuế lên ôtô điện Trung Quốc của EU vì lo ngại Bắc Kinh sẽ trả đũa ngành công nghiệp xe hơi của họ. Còn ở Anh, dù đã rời EU, Thủ tướng Keir Starmer cũng thể hiện mong muốn duy trì mối quan hệ “bền vững và tôn trọng” với Trung Quốc để phục hồi nền kinh tế nội địa.
“Viễn cảnh tồi tệ nhất là Mỹ áp thuế cao, trong khi Trung Quốc tràn ngập hàng hóa giá rẻ vào châu Âu”, ông Noah Barkin, chuyên gia tại Rhodium Group, cảnh báo.
“Đó là đòn đánh kép đối với công nghiệp châu Âu”, ông nhận định.

Một nhân viên kỹ thuật làm việc tại dây chuyền sản xuất xe điện Volkswagen model ID.5 tại Zwickau (Đức). Ảnh: Reuters.
Về phía Bắc Kinh, Trung Quốc đang chủ động phát đi tín hiệu mong muốn hợp tác với EU - một phần để giảm áp lực từ Mỹ.
Sau khi ông Trump công bố chính sách thuế mới hôm 2/4, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết đã nhất trí nối lại đàm phán với Brussels về vấn đề thuế đối với xe điện. Song, phía EU vẫn giữ giọng điệu dè dặt. Phát ngôn viên Ủy ban châu Âu chỉ xác nhận “tiếp tục thảo luận” và sẽ “xem xét lại cơ cấu giá”.
Các chuyên gia cảnh báo, mối quan hệ thương mại giữa EU và Trung Quốc vẫn mất cân đối nghiêm trọng. Trong năm 2023, thâm hụt thương mại của EU với Trung Quốc lên tới gần 332 tỷ USD. Phía châu Âu từ lâu đã phàn nàn rằng thị trường Trung Quốc gần như khép kín đối với doanh nghiệp nước ngoài, trong khi Bắc Kinh tiếp tục trợ giá mạnh tay cho các công ty nội địa.
Một hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc dự kiến diễn ra vào cuối tháng 7 tới sẽ là thời điểm then chốt để Brussels đánh giá lại toàn diện chiến lược với Bắc Kinh. Cho đến lúc đó, mục tiêu của châu Âu là giữ cho “chiếc máy bay kinh tế” hạ cánh an toàn - tránh rơi vào khủng hoảng trong lúc thế giới vẫn còn đang nhiều biến động.
“Châu Âu chỉ đang cố gắng đi qua mùa hè này một cách nguyên vẹn, rồi mới chuẩn bị cho những gì phía trước”, bà Liana Fix nhận định.
Nguồn Znews: https://znews.vn/eu-va-lay-tu-cuoc-chien-thuong-mai-my-trung-post1545939.html