EVFTA được thông qua: Cơ hội 'vàng mười' để nông sản Việt thoát lệ thuộc thị trường Trung Quốc

Chuyên gia và nhà quản lý cho rằng EVFTA vừa được EU phê chuẩn, sẽ là cú hích để nông sản Việt thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng với 508 triệu dân và GDP khoảng 18.000 tỷ USD.

Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) chính thức được Nghị viện châu Âu (EP) phê chuẩn đánh dấu cột mốc quan trọng trong quan hệ đối tác bền vững, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như củng cố quan hệ thương mại, từ đó tăng cường hợp tác và làm sâu sắc hơn mối quan hệ lâu dài giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU).

Theo các chuyên gia và nhà quản lý, EVFTA mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD. Đặc biệt, đây là "cú hích" để nông sản Việt thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng của EU, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực, một thị trường nhất định.

Cú hích nâng tầm nông sản Việt

Chia sẻ với VTC News ngày 16/2, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đánh giá, EVFTA là đòn bẩy tăng trưởng kinh tế và mở rộng sự thâm nhập của hàng hóa Việt Nam, trong đó có nông sản vào thị trường có GPD lên đến 18.000 tỷ USD.

“Trước mắt, EU sẽ xóa bỏ các loại thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% dòng thuế tương đương khoảng 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này. Trong danh mục các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam có rất nhiều nông sản có lợi thế như thủy sản, trái cây gồm cả tươi lẫn chế biến…”, ông Toản nói.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Là thị trường trọng điểm thứ 2 của xuất khẩu nông sản Việt Nam, EU có đến 27 quốc gia thành viên. Theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Việt Nam hiện đã đưa nông sản đến 17 nước, đều là những nơi có tiêu chuẩn rất cao.

“EVFTA sẽ giúp chúng ta mở cửa với châu Âu, một thị trường truyền thống tiềm năng, đa dạng hóa về nhu cầu nhưng cũng khắt khe về tiêu chuẩn. Điều này cũng giúp nâng tầm cho nông sản Việt Nam bằng tính truyền thống, đặc thù, đặc sản”, ông Toản nói và cho biết thêm khi EVFTA được phê chuẩn, sẽ có 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU bảo hộ, trong đó có nhiều sản phẩm truyền thống, như nước mắm Phú Quốc…

Tuy vậy, Cục trưởng nhấn mạnh ở chiều ngược lại, các sản phẩm của EU cũng có ưu tiên khi xâm nhập thị trường Việt Nam. “Khi tham gia một sân chơi rộng như EVFTA, chúng ta luôn cần có một khoảng thời gian để quá độ, chịu sự cạnh tranh ngay trên chính sân nhà. Có thể sẽ phải chịu thua thiệt ban đầu, nhưng bằng sự cố gắng, nỗ lực của nông dân cùng với trách nhiệm của cơ quan quản lý và doanh nghiệp, chúng ta hoàn toàn có thể có được những sản phẩm chiếm lĩnh được thị trường nội địa”.

Theo ông, để có thể làm chủ cuộc chơi trên sân nhà bằng chính những sản phẩm của mình, chúng ta cần xác định các sản phẩm lợi thế mà EU có thể xuất khẩu vào Việt Nam là gì. “Điều cần thiết là phải phát triển thương hiệu, đẩy mạnh các sản phẩm đặc thù, đặc sản để nâng được lợi thế của hàng Việt Nam so với hàng nhập khẩu”, Cục trưởng cho biết.

Không để vuột mất cơ hội

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá (Bộ Tài chính) EVFTA là thế hệ mới với tiêu chuẩn cao, toàn diện, độ mở lớn và cân bằng lợi ích, với các nước có một nền văn minh tiên tiến, một khối kinh tế phát triển hiện đại, hùng mạnh hàng đầu thế giới. Việc ký kết hiệp định này đã mang lại cơ hội hợp tác song phương, chưa từng có từ trước tới nay và được ví như “tuyến đường cao tốc quy mô lớn” giữa Việt Nam và EU.

“EVFTA không chỉ tạo điều kiện nâng cao kim ngạch hai chiều mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, giúp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị mới. Bên cạnh đó, hiệp định này sẽ giúp Việt Nam thực hiện chủ trương đa dạng hóa quan hệ kinh tế thương mại, nhất là đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực”, ông Long nói.

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá (Bộ Tài chính).

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá (Bộ Tài chính).

Riêng đối với nhóm hàng nông sản, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng đây là cơ hội “vàng mười” để mở rộng thị trường cho xuất khẩu cho các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của Việt Nam hiện nay như thủy sản, lâm sản, rau quả, trái cây, gạo, cà phê, cao su.... do được hưởng ưu đãi ngay từ những năm đầu tiên và ít phụ thuộc vào chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, PGS.TS Ngô Trí Long lưu ý, để tận dụng cơ hội, sản phẩm nông sản xuất khẩu phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao về xuất xứ, chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, an sinh xã hội. “Chúng ta phải hiện đại hóa nền nông nghiệp, xây dựng các thương hiệu thực phẩm sạch, đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn thuộc vào loại cao nhất của thế giới. Đồng thời minh bạch thông tin và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm”, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, TS.Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược và cạnh tranh cho rằng vấn đề chất lượng nông sản là điều quan trọng hàng đầu khi cạnh tranh trên thị trường mở. “Vấn đề không phải ở kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt bao nhiêu tỷ USD, mà là giá trị gia tăng trong đó là bao nhiêu? Và trong giá trị gia tăng ấy, doanh nghiệp Việt, nông dân Việt được hưởng lợi thế nào?”, Tiến sĩ Thành nói.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, bên cạnh tái cơ cấu nông nghiệp toàn diện, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, chúng ta cần thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. “Chỉ bằng con đường liên kết chặt chẽ chúng ta mới có thể hoàn thiện được chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến cho đến lưu thông, phân phối tới người tiêu dùng”, ông Toản nhấn mạnh.

Bên cạnh đó người nông dân và các doanh nghiệp cũng phải thúc đẩy phát triển thương hiệu. “Không chỉ thương hiệu quốc gia mà còn là thương hiệu ngành hàng, đồng bộ trên cả 3 trục sản phẩm gồm cấp quốc gia, cấp tỉnh và OCOP (mỗi xã/phường một sản phẩm)”, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng cho hay.

Nông sản Việt nhận “quả đắng” vì phụ thuộc thị trường Trung Quốc

PGS.TS Ngô Trí Long cho biết nông sản của Việt Nam đang lệ thuộc lớn vào thị trường tiêu thụ Trung Quốc. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Việt Nam và Trung Quốc tạm đóng cửa biên giới, hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc cả tiểu ngạch lẫn chính ngạch có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Dịch bệnh bùng phát, lan rộng và ngày càng nghiêm trọng, Trung Quốc đóng cửa thị trường, hàng nông sản của Việt Nam chắc chắn bị ảnh hưởng lớn. Nguyên nhân do nông sản, thủy sản là nhóm hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam sang Trung Quốc, luôn chiếm tỷ trọng khoảng 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này”, ông Long nói.

Theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương, Covid-19 là một “tai nạn” đối với xuất khẩu mặt hàng nông sản của Việt Nam. “Đây là thách thức lớn cho xuất khẩu nông sản khi nhiều mặt hàng đang vào chính vụ, nhất là các mặt hàng chủ lực”, TS Lê Đăng Doanh cho biết.

Đáng chú ý, theo ông Doanh, vấn đề nông sản Việt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc không phải là câu chuyện mới mà là một câu chuyện dài kỳ. Tuy nhiên, không hiểu vì sao đến thời điểm này, các mặt hàng nông sản của Việt Nam vẫn chưa thực sự tìm được hướng đi ổn định.

“Thực tế này đặt ra những cảnh báo mới về vấn đề xuất khẩu nông sản qua Trung Quốc cả tiểu ngạch cũng như chính ngạch của Việt Nam”, nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương nói.

Hòa Bình

Nguồn VTC: https://vtc.vn/kinh-te/evfta-duoc-thong-qua-co-hoi-vang-muoi-de-nong-san-viet-thoat-le-thuoc-thi-truong-trung-quoc-ar528085.html