Facebook, Google... đang lấy đi 70% doanh thu quảng cáo của báo chí chính thống
Bức tranh kinh tế báo chí ngày càng ảm đạm khi các nền tảng công nghệ như Facebook, Google... đang lấy đi khoảng 70% doanh thu quảng cáo của báo chí chính thống.
Một lần nữa, bức tranh ảm đạm về kinh tế báo chí được Bộ Thông tin và Truyền thông nêu ra tại hội thảo mà đơn vị này phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, ngày 14-6.
Đó là là 39% báo, tạp chí tự đảm bảo chi thường xuyên; 36% tự đảm bảo một phần chi thường xuyên chiếm; và 25% phải dựa vào ngân sách nhà nước để chi thường xuyên.
Lĩnh vực phát thanh, truyền hình thì 6,94% đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư; 26,39% tự đảm bảo chi thường xuyên chiếm; 66,67%tự đảm bảo một phần chi thường xuyên. Hầu hết các đài đều không khai thác được hết thời lượng quảng cáo. Có đài, thời lượng quảng cáo trên kênh chỉ đạt vài phút/ngày.
Áp lực cạnh tranh nhìn từ doanh thu quảng cáo
Đây là những con số từng được nêu tại Hội nghị Báo chí toàn quốc 2023, mà như Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đánh giá là doanh thu quảng cáo đang là nguồn chính duy trì sự tồn tại của các cơ quan báo chí, ở mức luôn trên 60% doanh thu, thậm chí với một số cơ quan báo chí là 90%.
Tuy nhiên, nguồn doanh thu này đang có nguy cơ sụt giảm mạnh mẽ, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Google đã lấy đi khoảng 70% doanh thu quảng cáo của báo chí chính thống.
Báo chí là đang hàng ngày thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, dù vậy cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản xuất, cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách vẫn chưa được hoàn thiện. Chi thường xuyên cho báo chí chỉ khiêm tốn chưa tới 0,5% tổng chi thường xuyên của ngân sách nhà nước; chi cho đầu tư báo chí cũng chỉ khoảng 0,25%. Thậm chí, một số cơ quan báo chí lớn còn không có hoặc có rất ít nhận được hỗ trợ hay đặt hàng từ ngân sách.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết thời gian qua, Bộ TT&TT đã nỗ lực điều hướng quảng cáo sang báo chí với việc lập danh sách Whitelist với thông điệp làm nội dung sạch sẽ nhận được quảng cáo, và quảng cáo sẽ tìm đến những nội dung sạch. Giải pháp này đã có kết quả bước đầu, song cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa.
Ngoài ra, Bộ đã tham mưu để Thủ tướng ký ban hành chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025. Theo đó mục tiêu là 30% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%.
"Đây là một thách thức lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, việc bố trí kinh phí, đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí thực hiện tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu, truyền thông chính sách còn hạn chế", Thứ trưởng Dũng nói.
Doanh thu suy giảm
Tại hội thảo, PGS Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn đánh giá cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà cốt lõi là trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, Internet vạn vật… đang tạo ra không gian phát triển mới cho chính phủ số - kinh tế số - xã hội số. Nhưng chính nó cũng thúc đẩy cạnh tranh gay gắt giữa các cơ quan báo chí với các nền tảng xuyên biên giới, vừa nhằm thu hút công chúng, vừa lôi kéo quảng cáo.
Các nền tảng số như Facebook, Google đang thách thức các mô hình kinh doanh truyền thống vốn đã đem lại thành công cho các cơ quan báo chí nhiều thập kỷ qua. Trong bối cảnh ấy, doanh thu của các cơ quan báo, tạp chí năm 2023 giảm gần 10% so với năm 2022, trong khi tổng nguồn thu năm 2023 của các đài phát thanh, truyền hình giảm khoảng 20%.
Ngay cả các báo điện tử ngày rất thu hút ngày rất thu hút đông đảo độc giả, thì 70% - 75% doanh thu "quảng cáo số" vẫn chảy vào túi các nền tảng công nghệ xuyên biên giới như Facebook, YouTube, TikTok… Đó là chưa kể các trang tin, trang mạng xã hội cũng cạnh tranh quyết liệt, khiến vấn đề kinh tế báo chí truyền thông trong bối cảnh số càng trở nên cấp thiết và cần thiết hơn bao giờ hết.
“Kinh tế báo chí truyền thông trong bối cảnh phát triển kinh tế số đang đặt ra rất nhiều thời cơ và thách thức để báo chí Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đồng thời, phải giữ vững mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước”, PGS Đặng Thị Thu Hương nói.
Báo chí thế giới trở lại với nguồn thu từ độc giả
Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, cũng là Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, ông Lê Quốc Minh rất thấu hiểu khó khăn của báo chí nước nhà. Đặt trong bức tranh chung kinh tế báo chí truyền thông toàn cầu, ông cho biết các ấn phẩm in giảm cả về số lượng lẫn doanh thu, còn các ấn phẩm số gia tăng nhưng không đáng kể.
“Điều quan trọng là phần tăng của ấn phẩm số không thể bù đắp cho phần mất đi của báo in” - nhà báo Lê Quốc Minh nói.
Trước thực tế này, các cơ quan báo chí trên thế giới đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn thu, trong đó tập trung vào các giải pháp như tổ chức sự kiện, thu hút tài trợ, hợp tác với mạng xã hội cũng như các nền tảng công nghệ, AI...
Báo chí truyền thống, nhất là báo, tạp chí giấy từ khi ra đời đến mãi sau này từng tồn tại bằng tiền bán báo, kết hợp với doanh thu quảng cáo. Nhưng rồi internet xuất hiện đã khiến các cơ quan báo chí rơi vào mô hình cung cấp thông tin miễn phí, dựa chủ yếu vào quảng cáo để sống còn. Nay lĩnh vực quảng cáo chịu sự cạnh tranh gay gắt thì một xu hướng đang diễn ra là các cơ quan báo chí truyền thông đang tìm kiếm trở lại doanh thu từ độc giả như một nguồn thu an toàn, bền vững.
Hướng tới 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam
Vẫn là kinh tế báo chí, PGS Bùi Chí Trung, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo báo chí và truyền thông, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội cho biết doanh thu trong lĩnh vực truyền thông ở Việt Nam đạt ngưỡng 4 tỷ USD cho thấy sự tăng trưởng và tiềm năng của ngành truyền thông trong việc tạo ra giá trị kinh tế.
Doanh thu của các cơ quan báo chí trải theo phổ rất rộng từ 200-300 triệu đồng/năm cho đến mức 4-5.000 tỷ đồng. "Tuy nhiên, đến nay chỉ còn khoảng 1-2 cơ quan báo chí có nguồn thu ở mức nghìn tỷ", ông Trung nói.
Sự suy giảm ấy, theo PGS Bùi Chí Trung có nguyên nhân từ các điểm nghẽn đang kìm hãm sự phát triển của kinh tế báo chí.
Đó là những hạn chế về nhận thức, mục tiêu, sức ép của sự bùng nổ công nghệ - kỹ thuật, việc điều hòa quan hệ lợi ích và điểm nghẽn trong xây dựng cấu trúc hệ thống tổng thể của nền kinh tế báo chí - truyền thông và thể chế quản lý báo chí - truyền thông đáp ứng yêu cầu mới.
"Đổi mới động kinh tế báo chí - truyền thông chính là mắt xích chính yếu để đổi mới toàn diện hệ thống báo chí - truyền thông trong bối cảnh số" - PGS Bùi Chí Trung khẳng định.
Cuộc hội thảo được tổ chức trong những ngày các cơ quan báo chí trên cả nước hướng tới kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024). Với ý nghĩa ấy, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết cơ quan quản lý luôn lắng nghe, ghi nhận các ý kiến đóng góp quý báu của các cơ quan chức năng, giới chuyên gia.
“Chúng tôi sẽ xem xét, tiếp thu, tổng hợp các ý kiến báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét để thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí” - Thứ trưởng nói.
VIẾT THỊNH