'Frankenstein Trung Quốc': Những em bé chỉnh sửa gen đang sống hạnh phúc

Nhà khoa học gây tranh cãi He Jiankui, người đã tạo ra ba em bé chỉnh sửa gen vào năm 2018 và 2019, cho biết những đứa trẻ đang sống hạnh phúc với cha mẹ.

“Họ có một cuộc sống bình thường, yên bình và không bị xáo trộn. Đây là mong muốn của họ và chúng ta nên tôn trọng họ”, He nói với SCMP trong một cuộc phỏng vấn hôm 3.2.

Ông cho biết không muốn thấy các em bị quấy rầy vì mục đích nghiên cứu khoa học, đồng thời nói thêm rằng: “Hạnh phúc của các em và gia đình phải được đặt lên hàng đầu”.

Khi được hỏi liệu ông có lo lắng cho tương lai của các đứa trẻ biến đổi gen hay không, nhà khoa học Trung Quốc cho biết, cảm giác của ông giống như sự chờ đợi, lo lắng mà "người cha nào cũng có cho tương lai của con mình".

Nhà khoa học gây tranh cãi người Trung Quốc He Jiankui - Ảnh: SCMP

Nhà khoa học gây tranh cãi người Trung Quốc He Jiankui - Ảnh: SCMP

Nhà di truyền học He Jiankui, được mệnh danh là "Frankenstein Trung Quốc", đã gây chấn động thế giới vào tháng 11.2018 khi ông tuyên bố rằng ông đã tạo ra những đứa trẻ chỉnh sửa gen đầu tiên.

Trong một nghiên cứu chưa được kiểm chứng của He Jiankui và đồng sự về thí nghiệm trên người, họ tuyên bố gen CCR5 của hai bé gái sinh đôi đã được “chỉnh sửa thành công” và được cho là sẽ tạo ra khả năng kháng HIV hoàn toàn hoặc một phần.

Theo một báo cáo của MIT Technology Review được công bố vào tháng 12.2019, một số nhà khoa học và chuyên gia sau khi đánh giá nghiên cứu của He đã cho biết, dữ liệu của cuộc nghiên cứu không thuyết phục.

“Nhóm nghiên cứu không thực sự tái tạo đột biến gen đã được nhận biết. Thay vào đó, họ đã tạo ra những đột biến mới, có thể dẫn đến kháng HIV nhưng cũng có thể không”, báo cáo cho biết.

Một số nhóm khoa học khác còn phát hiện ra rằng, CCR5 là một con dao hai lưỡi: một mặt, nó có thể giúp trẻ em có khả năng miễn dịch cao hơn với vi rút HIV, nhưng lại khiến chúng dễ bị tổn thương hơn khi gặp phải các chủng cúm nguy hiểm.

Nhà khoa học He Jiankui cho biết nhóm của ông có nghĩa vụ theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ em cho gia đình của chúng. Ông đã cam kết mua thêm bảo hiểm y tế cho những đứa trẻ bên cạnh bảo hiểm y tế công cộng. Tuy nhiên, vì sự ra đời của những đứa trẻ biến đổi gen đã được biết đến nên các công ty bảo hiểm đã một mực từ chối.

Như một kế hoạch thay thế, He hiện muốn thành lập một quỹ từ thiện để quyên góp tiền và trang trải các chi phí liên quan đến sức khỏe cho ba đứa trẻ.

Được biết, ông He Jiankui đã phải trả giá đắt cho những thí nghiệm của mình. Ông được ra tù vào tháng 4. 2022 sau khi chấp hành bản án 3 năm vì hành nghề y bất hợp pháp.

“Tôi đã làm điều đó quá nhanh”, He nói và bộc bạch rằng ông đã học được rất nhiều điều và thay đổi trong 4 năm qua. Ông cho biết sẽ đưa những nhận định về biến đổi gen của mình trong một bài báo và chia sẻ nó với cộng đồng khoa học quốc tế vào thời điểm thích hợp.

Theo SCMP, He đã được mời đến thăm Đại học Oxford (Anh) vào tháng tới để thảo luận về việc sử dụng công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR trong y học sinh sản.

He cũng đã thành lập một phòng thí nghiệm mới ở Bắc Kinh để nghiên cứu các liệu pháp gen hợp lý cho các bệnh di truyền hiếm gặp như chứng loạn dưỡng cơ Duchenne.

Ông cũng có kế hoạch đăng ký một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận có tên là Viện nghiên cứu bệnh hiếm Bắc Kinh. “Tôi có một tầm nhìn dài hạn, đó là mỗi chúng ta sẽ không mắc các bệnh di truyền”, He nói.

Hoàng Vũ (theo SCMP)

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/frankenstein-trung-quoc-nhung-em-be-chinh-sua-gen-dang-song-hanh-phuc-192868.html