Gắn '3 động cơ' cho đầu tàu kinh tế 'TP.HCM mới'

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, các đại biểu tin tưởng, TP.HCM, tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sau khi hợp nhất, một TP.HCM mới sẽ hình thành và là đầu tàu được gắn '3 động cơ' phát triển quan trọng trong thời gian tới.

TP.HCM mới sẽ là một đầu tàu mới

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, các ĐBQH của TP.HCM và Bình Dương tin tưởng, 3 địa phương là TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu khi hợp nhất sẽ bổ sung những điểm mạnh cho nhau và sẽ cùng phát triển.

Các đại biểu nhấn mạnh, vấn đề quan trọng là sự tương hỗ các tiềm lực, thế mạnh của các địa phương vào một địa phương lớn và phát triển hơn. TP.HCM mới sẽ là một đầu tàu mới, hiện đại hơn và gắn “3 động cơ” để thúc đẩy TP.HCM tiếp tục là một đầu tàu kinh tế quan trọng của cả nước.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM), bản thân TP.HCM vốn là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, khoa học - công nghệ của cả nước. Do vậy, khi các địa phương hợp nhất cùng TP.HCM thì một TP.HCM mới sẽ hình thành, đóng vai trò là đầu tàu phát triển quan trọng trong thời gian tới.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM) chia sẻ bên hành lang Quốc hội.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM) chia sẻ bên hành lang Quốc hội.

“Khi 3 địa phương hợp nhất sẽ có đóng góp 1/4 GDP của cả nước và đóng góp 1/3 tổng thu ngân sách của cả nước, hơn 1/5 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Do vậy, tôi rất kỳ vọng vào sự tăng tốc phát triển của TP.HCM mới và sẽ có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển cho cả nước. Ngoài ra, vấn đề quan trọng hơn nữa là những thế mạnh của 3 địa phương sẽ hỗ trợ, tương hỗ lẫn nhau. Ví dụ như thủ phủ công nghiệp Bình Dương sẽ kết hợp với các khu công nghiệp của TP.HCM, các KCN đi sâu vào công nghệ cao và thúc đẩy quá trình hợp tác, hỗ trợ giữa các địa phương. Ví dụ, hàng hóa xuất khẩu sẽ được kết hợp với hệ thống logistics tại các cảng biển của TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu, từ đó tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa. Kinh tế biển của Bà Rịa - Vũng Tàu cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Bình Dương và TP.HCM”, ông Ngân phân tích cụ thể.

Cùng có tin tưởng này, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) khẳng định, TP.HCM mới sau sáp nhập sẽ trở thành một địa phương lớn nhất cả nước về quy mô GRDP, sẽ là đầu tàu rất mạnh ở phía Nam, tạo động lực phát triển của cả khu vực đồng bằng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, nhờ thế kinh tế trong khu vực đấy sẽ được phát triển theo xu hướng phát triển của TP.HCM.

“Tôi nghĩ đây là cơ hội rất tốt cho việc phát triển kinh tế không phải chỉ khu vực mà là cho cả nước”, ông Huân tin tưởng.

Phân tích những thách thức hiện tại, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, TP.HCM và Bình Dương đang gặp khó khăn trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là về không gian và quỹ đất. Để phát triển kinh tế thì hạ tầng cực kỳ quan trọng, trong khi đó, nếu Bình Dương và TP.HCM tiếp tục bị bó hẹp thì rất khó phát triển, phát triển lên nữa sẽ là một thách thức rất lớn.

Thứ hai, về vấn đề logistics, đây là một hạn chế của TP.HCM nhưng khi kết hợp với Bà Rịa - Vũng Tàu thì rõ ràng là có lợi thế về phát triển tuyến đường biển.

“Khi hợp nhất thì rõ ràng sẽ tạo ra một không gian mới cho cả 3 địa phương, cho cả TP.HCM đã có hướng biển, Bình Dương qua biển và Vũng Tàu, Bà Rịa Vũng Tàu thì lại có một cái lợi thế rất lớn là phải dựa vào cái nguồn lực rất lớn của TP.HCM và Bình Dương. Trước nay là Bà Rịa Vũng Tàu cũng phát triển, cũng là thành phố dẫn đầu dựa vào kinh tế biển, dầu khí… nhưng nếu mà anh phát triển công nghiệp như Bình Dương, doanh nghiệp TP.HCM thì Bà Rịa Vũng Tàu vẫn còn rất nhiều dư địa”, đại biểu đoàn Bình Dương chỉ rõ.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương). (Ảnh: Media)

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương). (Ảnh: Media)

Ủng hộ cơ chế đặc thù

Các ĐBQH cũng rất lưu ý cơ chế đặc thù hiện nay Quốc hội trao cho TP.HCM. Theo đại biểu Nguyễn Quang Huân, giống như trước đây, TP.HCM đã trao quyền cho TP. Thủ Đức thì hiện nay có thể tiếp tục có những cơ chế giao quyền phát triển cho Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tức là dựa vào nhau để phát triển chứ không kìm hãm, kiểm soát nhau, lúc đấy sẽ đi ngược lại mong muốn tạo không gian phát triển.

“Tôi nghĩ sẽ tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù và TP.HCM cũng phải trao quyền tự chủ, chứ không phải sau hợp nhất sẽ kiểm soát Bình Dương, kiểm soát Vũng Tàu theo kiểu quận, huyện thì sẽ rất khó khăn. Phải trao quyền tự chủ cho họ”, ông Huân đề nghị.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM) cũng cho rằng, để TP.HCM mới phát triển đúng kỳ vọng thì cơ chế đặc thù hiện tại cần phải được tiếp tục và mở rộng. Theo ông Ngân, hiện nay, mới chỉ cố một số điều trong các quy định được sửa đổi, chưa thể luật hóa phù hợp với quy mô kinh tế và dân số của từng địa phương.

Đại biểu đề xuất các nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù từng được áp dụng cho khoảng 9 địa phương trong thời gian qua nên tiếp tục áp dụng cho TP.HCM mới, để đảm bảo tính đồng bộ và vận hành liên tục cho đến khi luật pháp hoàn chỉnh.

“Nghị quyết 98 từng áp dụng cho TP.HCM cũ nên tiếp tục áp dụng cho TP.HCM mới - bao gồm cả ba địa phương hiện nay”, ông Ngân nói.

Các đại biểu cũng đề cập cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, thực hiện chủ trương chính quyền địa phương 2 cấp tại TP.HCM mới, cho rằng, đây là vấn đề phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Theo các biểu, các nhà kinh tế, nhà hoạch định của TP.HCM và của Trung ương sẽ nghiên cứu để vừa trao quyền tự chủ, vừa có thể kiểm soát, không để phát triển một cách tràn lan. Đồng thời, có định hướng để các khu vực được quyền phát triển thế mạnh của mình.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị, cần có sự thống nhất về tư duy và quan điểm. Theo đó, chính quyền địa phương nên gồm cấp tỉnh/thành và cấp xã/phường. Quan trọng là phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đảm bảo xã/phường có đủ thẩm quyền giải quyết các vấn đề của người dân và doanh nghiệp. Để làm được điều đó, cần có một thể chế rõ ràng, kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số.

“Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57 và Quốc hội cũng đang xây dựng Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Các nội dung này mang tính đồng bộ, góp phần hiện thực hóa quyết tâm chính trị trong việc tinh gọn bộ máy nhà nước và nâng cao hiệu quả quản lý”, ông Ngân nói.

Lê Hoàng/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/gan-3-dong-co-cho-dau-tau-kinh-te-tphcm-moi-post1197914.vov