Chuyên gia tiết lộ 'chìa khóa' kích hoạt siêu đô thị sau sáp nhập TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu

Theo bà Giang Huỳnh, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu, Savills TP.HCM, việc sáp nhập TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tạo ra một vùng kinh tế lớn mạnh, đa dạng các lĩnh vực như công nghiệp, nhà ở, thương mại dịch vụ và du lịch. Để phát huy hết tiềm năng, chiến lược quy hoạch đồng bộ và hạ tầng kết nối, thủ tục hành chính hiệu quả là những yếu tố để siêu đô thị - TP. HCM mới, phát huy hết tiềm năng.

Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Dương, UBND TP.HCM đã ban hành Đề án sắp xếp đơn vị hành chính giữa 3 tỉnh, TP thực hiện theo Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025 và Nghị quyết số 74/NQ-CP để trình Chính phủ xem xét, trình cấp có thẩm quyền quyết định...

Theo đề án, sẽ thành lập TP.HCM mới trên cơ sở sắp xếp 3 đơn vị hành chính gồm các tỉnh: Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM, thực hiện song hành hai nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, sắp xếp đơn vị hành chính cấp cơ sở.

Sau sắp xếp TP.HCM là thành phố trực thuộc Trung ương, phát huy tiềm năng và lợi thế của 3 tỉnh, thành phố về diện tích đất đai, quy mô dân số, các kết quả tăng trưởng kinh tế, phấn đấu là một cực tăng trưởng mới của cả nước và vùng Đông Nam Bộ trong thời gian tới.

Sau sắp xếp TP.HCM phấn đấu là một cực tăng trưởng mới của cả nước và vùng Đông Nam Bộ.

Sau sắp xếp TP.HCM phấn đấu là một cực tăng trưởng mới của cả nước và vùng Đông Nam Bộ.

TP.HCM mới sẽ có diện tích tự nhiên 6.772,65 km2 (đạt 135,43% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số 13.706.632 người (đạt 979,04% so với tiêu chuẩn), 16.818 đơn vị hành chính trực thuộc, hình thành siêu đô thị mới của vùng Đông Nam Bộ. Các tỉnh liền kề là Đồng Nai, Tây Ninh, Đồng Tháp, Lâm Đồng.

Trước sáp nhập, cả TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu đều nằm trong top 10 tỉnh, thành có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước. Cụ thể, theo số liệu năm 2024, TP.HCM dẫn đầu cả nước (gần 1,8 triệu tỷ đồng), Bình Dương đứng thứ 3 (hơn 520,2 nghìn tỷ đồng) và Bà Rịa - Vũng Tàu đứng thứ 6 (hơn 409,3 nghìn tỷ đồng).

Xét về thế mạnh riêng của từng tỉnh, thành trước sắp xếp, bà Giang Huỳnh, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu, Savills TP.HCM nhận định, TP.HCM là trung tâm kinh tế tài chính, dịch vụ lưu trú và nhà ở với dân số lớn nhất. Tuy nhiên, hạ tầng tại đây đang chịu áp lực lớn do sự tập trung hóa cao, dẫn đến tình trạng giao thông ngày càng tắc nghẽn. Bình Dương được xem là thủ phủ công nghiệp, đồng thời tốc độ đô thị hóa cao. Trong khi đó, Bà Rịa - Vũng Tàu có lợi thế về cả du lịch và công nghiệp.

“Việc sáp nhập 3 tỉnh, thành này sẽ tạo ra một vùng kinh tế lớn mạnh, đa dạng các lĩnh vực như công nghiệp, nhà ở, thương mại dịch vụ và du lịch. Để phát huy hết tiềm năng này, việc triển khai chiến lược quy hoạch đồng bộ và thủ tục hành chính hiệu quả là vô cùng quan trọng”, chuyên gia Savills nói.

Bà Giang Huỳnh, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu, Savills TP.HCM

Bà Giang Huỳnh, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu, Savills TP.HCM

Theo bà Giang Huỳnh, để quá trình sáp nhập đạt hiệu quả bền vững và tối ưu hóa việc sử dụng quỹ đất đô thị, cần đồng bộ giải quyết bốn yếu tố chính.

Thứ nhất là rà soát và đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến hành chính và đất đai. Thứ hai là quy hoạch tổng thể thông qua việc xây dựng quy hoạch thống nhất cho cả đất đai và cơ sở hạ tầng. Thứ ba là cơ chế tài chính đến từ việc thiết lập cơ chế giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả cho hạ tầng. Cuối cùng là có một chiến lược phát triển chung rõ ràng.

“Việc quy hoạch trên một diện tích đất lớn hơn sau sáp nhập sẽ tạo dư địa để đưa ra các quyết định quy hoạch mới, định hình hạ tầng và các khu dân cư trong tương lai. Điều này giúp giải quyết bài toán giãn dân, khơi thông nguồn cung nhà ở mới.

Tuy nhiên, các khu vực này cần đảm bảo khả năng tiếp cận tốt đến trung tâm thành phố để thu hút người dân có nhu cầu ở thực sự di dời. Đồng thời, cần có chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng mới và thu hút nhà đầu tư vào các khu vực này”, vị chuyên gia nói thêm.

Hiện tại, kết nối hạ tầng giữa TP.HCM với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu còn nhiều hạn chế. Mặc dù có các tuyến quốc lộ chính và cao tốc Hồ Chí Minh - Long Thành, sắp tới là Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một và Biên Hòa - Vũng Tàu nhưng tình trạng ùn tắc vẫn diễn ra, đặc biệt tại các nút giao quan trọng như vòng xoay An Phú, và có nguy cơ lan rộng ra các khu vực lân cận như Long Thành.

Theo chuyên gia Savills, việc hoàn thiện đúng tiến độ các tuyến hạ tầng trọng điểm như Vành đai 3, các tuyến cao tốc Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một, Biên Hòa - Vũng Tàu là rất quan trọng để giảm tải hạ tầng hiện hữu và khai thông các khu vực vùng ven đang chờ đợi hạ tầng để bứt phá.

Ngoài ra, trong tương lai, cần có những quy hoạch hạ tầng mới, đặc biệt là các giải pháp kết nối hiệu quả hơn giữa TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng như các khu vực lân cận khác như Đồng Nai.

Đỗ Kiều

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tin-tuc/chuyen-gia-tiet-lo-chia-khoa-kich-hoat-sieu-do-thi-sau-sap-nhap-tp-hcm-binh-duong-va-ba-ria-vung-tau-1106632.html