Gần 45.000 tấn gạo dự trữ quốc gia đến với người dân và bạn bè quốc tế
Thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 6 tháng đầu năm 2025, Bộ Tài chính đã thực hiện xuất cấp 44.237 tấn gạo.
Bộ Tài chính vừa có thông báo về tình hình thực hiện chương trình công tác tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2025. Cụ thể, về quản lý tài sản công, trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã tiếp tục tham mưu Chính phủ ban hành nhiều Nghị định liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương về việc đẩy mạnh rà soát, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích theo Công điện 125/CĐ-TTg ngày 1/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn bổ sung việc bàn giao, quản lý, xử lý tài sản công là tài sản kết cấu hạ tầng, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính.

Bộ Tài chính đã thực hiện xuất cấp 44.237 tấn gạo, trong đó, hỗ trợ tết Nguyên đán 6.040 tấn gạo; hỗ trợ giáp hạt là 4.267 tấn gạo... Ảnh minh họa
Thực hiện đề án Tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý, Bộ Tài chính đã tổ chức triển khai, hướng dẫn và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả tổng kiểm kê (trước ngày 31/7/2025).
Về quản lý dự trữ quốc gia, thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã thực hiện xuất cấp 44.237 tấn gạo; trong đó hỗ trợ tết Nguyên đán 6.040 tấn gạo; hỗ trợ giáp hạt là 4.267 tấn gạo; hỗ trợ học sinh là 33.602 tấn gạo, hỗ trợ trồng rừng là 328 tấn; xuất cấp viện trợ Cuba 10.000 tấn gạo.
Ngoài ra, thông báo cũng nêu về công tác quản lý giá, thị trường, theo đó, với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính chủ động phối hợp với các bộ, ngành theo dõi sát diễn biến kinh tế, chính trị thế giới tác động đến trong nước. Qua đó, phân tích, đánh giá các yếu tố có thể tác động lên mặt bằng giá để cập nhật các kịch bản điều hành giá, đảm bảo thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra năm 2025.
Công tác quản lý điều hành giá được thực hiện thận trọng, giá các hàng hóa, dịch vụ trong danh mục nhà nước định giá cơ bản ổn định. Đối với một số mặt hàng quan trọng thiết yếu do Nhà nước quản lý được điều hành thận trọng, bảo đảm nguyên tắc quản lý giá theo cơ chế thị trường và hỗ trợ kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng tăng 3,27% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát đang ở mức vừa phải, hỗ trợ tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội.