Gần 700.000 học sinh tiểu học Hà Nội được hỗ trợ ăn bán trú và chăm sóc sức khỏe
Từ năm học 2025–2026, hơn 768.000 học sinh tiểu học Hà Nội sẽ được hỗ trợ bữa ăn bán trú từ ngân sách thành phố, nhằm nâng cao dinh dưỡng và sức khỏe học đường.
Hơn 3.000 tỷ đồng/năm cho bữa ăn bán trú
Theo dự kiến, tổng kinh phí hỗ trợ bữa ăn trưa bán trú cho 100% học sinh tiểu học tại Hà Nội khoảng 3.063 tỷ đồng (trong đó, 2.824 tỷ đồng sẽ được phân bổ cho các trường công lập và 239 tỷ đồng cho các trường tư thục, phục vụ khoảng 768.000 học sinh trên toàn thành phố). Thời gian hỗ trợ kéo dài không quá 9 tháng/năm học, tương ứng với số ngày học thực tế.

Bữa cơm trưa bán trú của học sinh Trường Tiểu học Thăng Long (Hà Nội).
Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, chính sách này thể hiện sự quan tâm thiết thực của Thành phố đối với học sinh tiểu học, lứa tuổi có điều kiện ăn, nghỉ bán trú phù hợp và cần được chăm sóc toàn diện. Sở đã khảo sát thực tế để lựa chọn cấp tiểu học làm đối tượng được hỗ trợ.
Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả, công tác chuẩn bị cần được thực hiện kỹ lưỡng. Ông Tuấn lưu ý: "Không phải cứ nói là làm được ngay, mà phải có sự chuẩn bị chu đáo. Việc lựa chọn đơn vị cung cấp suất ăn cần thông qua đấu thầu, đảm bảo tiêu chí chất lượng và logistics".
Cụ thể, nhóm học sinh đang học tại 23 cơ sở giáo dục thuộc các xã miền núi và khu vực bãi giữa sông Hồng (trước thời điểm sắp xếp lại đơn vị hành chính) sẽ được hỗ trợ 30.000 đồng/học sinh/ngày. Đối với học sinh tại các cơ sở giáo dục còn lại trên địa bàn thành phố, mức hỗ trợ là 20.000 đồng/học sinh/ngày.
Trường hợp phụ huynh và nhà trường thống nhất mức tiền ăn cao hơn mức hỗ trợ của Nhà nước, phần chênh lệch sẽ do phụ huynh chi trả thêm.
Song song với việc hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh tiểu học, Hà Nội cũng đang đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe học sinh. Theo ông Nguyễn Đình Hưng, Phó giám đốc phụ trách điều hành Sở Y tế Hà Nội, ngành Y tế đang xây dựng dự thảo Nghị quyết (dự kiến trình kỳ họp Hội đồng nhân dân Thành phố trong tháng 9 tới) về việc nâng cao sức khỏe toàn dân. Trong đó, một nội dung quan trọng là yêu cầu tổ chức khám sức khỏe chi tiết cho học sinh, với mức kinh phí tối thiểu dự kiến là 160.000 đồng/học sinh, nhằm phân loại tình trạng sức khỏe của từng em.
Ngoài khám sức khỏe định kỳ, ngành Y tế sẽ phối hợp triển khai tư vấn dinh dưỡng và xây dựng chế độ bữa ăn học đường miễn phí, đảm bảo đủ dinh dưỡng, an toàn và phù hợp với từng độ tuổi.
Chính vì vậy, đơn vị cung ứng cho bữa ăn phải là những đơn vị rất chuyên nghiệp, có khả năng đảm bảo hệ thống logistics tốt. Ông Hưng nhấn mạnh: "Việc lựa chọn các đơn vị cung ứng suất ăn cần rất chuyên nghiệp, có khả năng tổ chức trên quy mô lớn. Mỗi ngày, hàng trăm nghìn suất ăn phải được đảm bảo nóng hổi, ngon miệng, đủ dinh dưỡng và an toàn thực phẩm. Chỉ khi được chăm sóc dinh dưỡng tốt, trẻ mới có thể phát triển về thể lực, chiều cao và trí tuệ".

Hà Nội cũng đang đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe học sinh (Ảnh minh họa).
Phụ huynh phấn khởi với chính sách mới
Chính sách này không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại về dinh dưỡng học đường, mà còn là bước đi chiến lược nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, thúc đẩy công bằng xã hội và phát triển bền vững cho tương lai của Thủ đô.
Nhà giáo Nguyễn Thị Bình Minh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thăng Long (Hà Nội) chia sẻ: "Chính sách hỗ trợ bữa ăn trưa bán trú thể hiện sự quan tâm sâu sắc, mang tính nhân văn của thành phố đối với học sinh tiểu học. Với mức hỗ trợ khoảng 20.000–21.000 đồng/suất tại khu vực nội thành, chính sách không chỉ góp phần giảm bớt khó khăn về kinh tế cho nhiều gia đình mà còn tạo thêm động lực để phụ huynh và học sinh yên tâm đồng hành cùng nhà trường trong quá trình chăm lo cho sự phát triển toàn diện của các em".
100% học sinh tiểu học được hỗ trợ bữa ăn bán trú tại Hà Nội
Hà Nội chi hơn 3.000 tỷ đồng hỗ trợ bữa ăn bán trú cho toàn bộ học sinh tiểu học
Không ít phụ huynh tại Hà Nội bày tỏ sự phấn khởi khi biết con em mình sẽ được hỗ trợ tiền ăn bán trú từ năm học 2025–2026. Chị Nguyễn Thị Thuận, phụ huynh học sinh lớp 3 tại Trường Tiểu học Điện Biên bày tỏ: "Chúng tôi rất vui khi biết Thành phố triển khai chính sách hỗ trợ bữa ăn bán trú. Đây là một chủ trương hết sức thiết thực, góp phần đảm bảo sức khỏe và dinh dưỡng cho các con".
Anh Nguyễn Tuấn Anh, phụ huynh có hai con đang theo học tại Trường Tiểu học Thành Công B cho biết: Việc Hà Nội triển khai chính sách hỗ trợ bữa ăn bán trú từ năm học tới thực sự là một tin vui lớn đối với gia đình tôi cũng như nhiều phụ huynh khác. Với chính sách này không chỉ giúp giảm bớt khó khăn kinh tế mà còn tạo điều kiện để các con học tập và phát triển toàn diện hơn.
Không chỉ chị Thuận và anh Tuấn Anh, nhiều phụ huynh khác cũng bày tỏ sự đồng tình. Chị Nguyễn Hồng Nhung bày tỏ: "Tôi rất vui khi được biết từ năm học 2025–2026, Hà Nội sẽ miễn phí bữa ăn bán trú cho học sinh tiểu học. Điều này cho thấy an sinh xã hội ngày càng được quan tâm sâu sắc, nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn".
Chính sách miễn phí bữa ăn trưa bán trú, kết hợp với việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe học đường cho học sinh tiểu học, không chỉ là sự hỗ trợ tài chính đơn thuần mà còn là bước đi chiến lược dài hạn nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Thành phố Hà Nội đang từng bước kiến tạo một môi trường học đường an toàn, thân thiện, nơi học sinh tiểu học được quan tâm đầy đủ cả về dinh dưỡng, thể chất, tinh thần và điều kiện học tập để phát triển toàn diện.
Trước đó, ngày 7/7, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành công văn chỉ đạo chuẩn bị tổ chức bữa ăn bán trú miễn phí cho học sinh năm học 2025–2026. Phó chủ tịch UBND Vũ Thu Hà giao Sở Y tế phối hợp với các ngành liên quan xây dựng bộ tiêu chí chọn nhà cung cấp suất ăn và nguyên liệu chế biến. Trên cơ sở đó, Hội đồng thẩm định sẽ được thành lập để đánh giá năng lực doanh nghiệp và báo cáo UBND Thành phố trước ngày 9/7, nhằm đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm cho bữa ăn học đường.
Ngày 9/7, tại Kỳ họp thứ 25, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hà Nội đã chính thức thông qua Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố, áp dụng từ năm học 2025-2026.