Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với giải quyết việc làm

Các cơ sở GDNN và doanh nghiệp ký kết hỗ trợ đào tạo, tạo việc làm cho người học nghề. Ảnh: KIM CHI

Nhận thức tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực qua đào tạo nghề, thời gian qua, UBND tỉnh đã quan tâm ban hành nhiều chính sách về giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và giải quyết việc làm… Công tác GDNN ở Phú Yên cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Năm 2021, mặc dù chịu nhiều tác động của đại dịch COVID-19, nhưng với sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương và hệ thống cơ sở GDNN trên địa bàn, toàn tỉnh đào tạo nghề cho 7.163 người lao động (NLĐ), đạt 89,53% kế hoạch. Trong đó, bậc cao đẳng 945 người, trung cấp 1.540 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 4.678 người. Quý I năm nay, toàn tỉnh đào tạo nghề cho 1.451 người. Trong đó, đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng 291 người, sơ cấp 1.160 người.

Đảm bảo có việc làm cho người học nghề

Theo ông Đinh Khắc Đô, Phó Giám đốc phụ trách Sở LĐ-TB-XH, GDNN là một trong những biện pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công cuộc CNH-HĐH và hội nhập quốc tế. Những năm qua, công tác giáo dục trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng vẫn chưa đáp ứng đòi hỏi thực tiễn. Do vậy, cơ quan chức năng cần phải nhìn nhận, đánh giá lại thực tiễn lĩnh vực này để có giải pháp điều chỉnh kịp thời.

Ông Phạm Tâm Đê, Phó Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB-XH), cho biết toàn tỉnh hiện có 20 cơ sở GDNN. Trong năm 2021, các cơ sở này đãtham gia tuyển sinh và đào tạo đa dạng các ngành nghề. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 71,65%, trong đó có văn bằng chứng chỉ 25,55%. Công tác GDNN đang từng bước gắn với nhu cầu học nghề, cơ cấu việc làm và đặc điểm kinh tế của địa phương. Các cơ sở GDNN đã từng bước chú ý đến việc giải quyết việc làm cho NLĐ sau khi đào tạo bằng các hình thức như ký hợp đồng đào tạo theo địa chỉ cho doanh nghiệp, giới thiệu việc làm cho NLĐ sau khi tốt nghiệp, mời các doanh nghiệp về cơ sở tuyển dụng sau mỗi khóa học… Qua đó tạo thuận lợi cho NLĐ tìm kiếm việc làm, tự tạo việc làm.

TS Đặng Văn Lái, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Phú Yên chia sẻ: Năm 2021, trong bối cảnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh COVID-19, nhà trường đã đổi mới phương thức tuyển sinh, đào tạo từ trực tiếp sang trực tuyến. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển mối liên kết với doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra cho người học.

Đẩy mạnh truyền thông về GDNN

Dù đạt được một số kết quả khích lệ, song thời gian qua, các cơ sở dạy nghề chủ yếu cung cấp ra thị trường lao động dựa trên khả năng đào tạo hiện có; chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng lao động qua đào tạo vừa thừa lại vừa thiếu.

Năm 2022, toàn tỉnh đặt mục tiêu nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo lên 74%; trong đó có văn bằng, chứng chỉ là 27%. Để thực hiện mục tiêu trên, Phó Giám đốc phụ trách Sở LĐ-TB-XH Đinh Khắc Đô cho biết: Dự báo tình hình dịch bệnh COVID-19 trong năm nay sẽ còn ảnh hưởng, tác động tiêu cực kéo dài. Vì vậy, các cơ sở GDNN cần tiếp tục triển khai các giải pháp vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vừa thích ứng an toàn với tình hình dịch bệnh. Sở sẽ đẩy mạnh truyền thông về GDNN và hướng nghiệp; nâng cao chất lượng các cơ sở GDNN gắn với rà soát, sắp xếp lại mạng lưới, đồng thời tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại phục vụ đào tạo nghề; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh. Đồng thời tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp và các trung tâm dịch vụ việc làm trong định hướng đào tạo nghề, giải quyết việc làm; triển khai hiệu quả các chính sách đào tạo nghề cho các đối tượng theo các chương trình mục tiêu đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, tập trung mở rộng liên kết đào tạo với các cơ sở GDNN có uy tín để đào tạo lao động có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực. Phối hợp với các cơ quan báo, đài của trung ương, địa phương tuyên truyền sâu rộng về công tác đào tạo nghề, đặc biệt là đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các chuyên đề, chủ trương, chính sách mới hướng dẫn về công tác đào tạo nghề theo Luật GDNN, làm thay đổi về nhận thức, sự cần thiết và nhu cầu học nghề của NLĐ để có việc làm, cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống cho bản thân và gia đình. Tiếp tục tăng cường, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đào tạo nghề thông qua việc đăng ký tuyển sinh dạy nghề của các cơ sở GDNN theo đúng quy định của Bộ LĐ-TB-XH.

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/274503/gan-ket-giao-duc-nghe-nghiep-voi-giai-quyet-viec-lam.html